Hotline 24/7
08983-08983

Chớ xem thường bệnh thoát vị bẹn!

Thoát vị bẹn nếu không được phát hiện hoặc phát hiện muộn, không được xử trí có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Thoát vị là do một điểm yếu của thành cơ bụng khiến các tạng bên trong phúc mạc ra. Thoát vị có thể phát sinh ở nhiều bộ phận của cơ thể như: bẹn, rốn, đùi, bìu, môi lớn (ở nữ giới).

Thoát vị bẹn ở nam giới được định vị ở háng khi ruột chui tọt xuống bẹn, thậm chí chui luôn vào bìu. Lý do có hiện tượng đó, bởi vì, ống bẹn là đường đi của tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu trong thời kỳ phôi thai vào tuần thứ 12 cuối thai kỳ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân thoát vị bẹn là do là ống bẹn và ống phúc tinh mạc không được bịt kín ngay khi trẻ chào đời (bẩm sinh). Đây là nguyên nhân chủ yếu, gây ra thoát vị bẹn. Bệnh chủ yếu ở nam giới (nam giới mắc thoát vị bẹn nhiều gấp 7 - 8 lần nữ giới).

Ngoài ra còn có nguyên nhân mắc phải, do lao động nặng nhọc, mang vác làm tăng áp lực trong ổ bụng hoặc sau phẫu thuật ruột thừa, gãy xương chậu hoặc do thành bụng yếu bởi tuổi tác hoặc do táo bón lâu ngày khi đi đại tiện phải rặn mạnh.

Vì vậy, thoát vị bẹn gặp ở mọi lứa tuổi do bẩm sinh hoặc do mắc phải (trẻ em, người lao động nặng, đặc biệt ở người có tuổi do thành bụng yếu hoặc táo bón lâu ngày).

Tuy vậy, trong thực tế có một số trường hợp, không bị thoát vị bẹn mặc dù còn tồn tại ống phúc tinh mạc, điều này vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn, đó là dấu hiệu sớm nhất của bệnh

Biểu hiện của thoát vị bẹn như thế nào?

Thoát vị bẹn, không những thể hiện triệu chứng ở vùng bẹn mà còn ở bộ phận sinh dục ngoài như bìu (nam giới) hay môi lớn (nữ giới) và cả ở đùi.

Thoát vị bẹn xuất hiện khi có khối phồng lên ở vùng bẹn, thường diễn ra từ từ, cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn, đó là dấu hiệu sớm nhất của bệnh.

Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo việc xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng lên (làm việc nặng, ho, rặn, chạy, nhảy...).

Càng về sau khối thoát vị càng lớn và xuất hiện thường xuyên khi đứng, nhưng có thể biến mất khi nằm, nghỉ ngơi  hoặc người bệnh hoặc người nhà (với trẻ em) tự đẩy khối thoát vị lên. Chính vì lý do này mà người bệnh hoặc người nhà của trẻ chủ quan.

Trong trường hợp nam giới thoát vị bẹn (ruột chui vào bìu) hoặc nữ giới (buồng trứng chui vào khe hở) không tự lên được gọi là thoát vị bẹn nghẹt. Lúc này các tạng tụt xuống càng lúc càng rõ làm căng phồng, đau nhiều làm cho trẻ quấy khóc.

Đặc biệt, toàn bộ bụng có thể đau quặn từng cơn, nhìn có thể thấy các quai ruột nổi lên, kèm theo có buồn nôn hoặc nôn, bụng càng ngày càng trướng.

Nếu thoát vị bẹn nghẹt là quai ruột thì nguy cơ tắc ruột và hoại tử rất có thể xảy ra do thiếu máu nuôi dưỡng, cần cấp cứu kịp thời. Thoát vị bẹn thường gặp một bên. Tuy vậy, có trường hợp thoát vị bẹn cùng một lúc cả hai bên được gọi là thoát vị đôi.

Toàn bộ bụng có thể đau quặn từng cơn, nhìn có thể thấy các quai ruột nổi lên

Để chẩn đoán thoát vị bẹn, khám lâm sàng là hết sức cần thiết, trong đó hỏi bệnh là động tác không thể thiếu để góp phần tìm ra bệnh. Bên cạnh thăm khám, siêu âm rất có giá trị giúp cho chẩn đoán chính xác.

Siêu âm cho thấy hình ảnh của các tạng (quai ruột hoặc mạc nối hoặc buồng trứng...) bên trong khối phồng và có thể đo được kích thước của lỗ bẹn sâu. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện nên thực hiện nội soi ổ bụng, bởi vì, với kỹ thuật này có thể  thấy được lỗ bẹn sâu rộng, tạng thoát vị chui qua lỗ bẹn sâu.

Thoát vị bẹn có gây biến chứng không?

Thoát vị bẹn, nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột, buồng trứng (nữ giới).

Đây là trường hợp các tạng (ruột hoặc mạc treo của ruột, buồng trứng ở nữ giới) không di chuyển trở lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời, các tạng sẽ bị hoại tử.

Ngoài ra thoát vị bẹn có thể là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn (nam giới).

Ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, thoát vị bẹn không được giải quyết sớm, sẽ luôn lo lắng, đau đớn mỗi lúc thoát vị xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, lao động và cuộc sống.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, khi nghi ngờ bị thoát vị bẹn cần được thăm khám càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm do thoát vị bẹn gây ra.

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần theo dõi biến chứng nghẹt một cách cần thận cho đến 1 tuổi và nếu không tự khỏi cần được khám để được chỉ định phẫu thuật.

Ngày nay, thoát vị bẹn thường áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi với mục đích là bịt kín chỗ thoát vị không cho các tạng chui vào.

Kỹ thuật này chủ yếu áp dụng cho trẻ em, với người trưởng thành thường được phẫu thuật đặt lưới hoặc có thể tiến hành bằng phương pháp mổ phanh (mổ mở) hoặc mổ nội soi.

Với người cao tuổi sức yếu, đang mắc một bệnh nội khoa nặng nào đó (bệnh tim mạch, bệnh hô hấp…) có thể áp dụng băng treo bìu (nam giới) để đề phòng thoát vị tái phát trừ khi không bị thoát vị ben nghẹt..

Nam giới mắc thoát vị bẹn nhiều gấp 7 - 8 lần nữ giới

Theo TS.BS. Bùi Mai Hương - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X