Hotline 24/7
08983-08983

Chớ tin "thần dược" trị ung thư

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cảnh cáo hơn 65 sản phẩm không hề phòng chống, chẩn đoán và chữa ung thư như quảng cáo. Nhiều sản phẩm có thể tuồn vào VN qua đường xách tay.

Số ca mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 126.000, trong đó khoảng 94.000 trường hợp tử vong. Theo ước tính, từ năm 2020, Việt Nam sẽ có tối thiểu 190.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm.

Dễ chết oan vì tin "thần dược"

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh báo trên 65 sản phẩm - gồm thuốc viên, kem bôi, thuốc mỡ, dầu bôi, thuốc dạng nước và các loại trà - bị thổi phồng về khả năng phòng chống ung thư. Các sản phẩm này rất phổ biến, thường được bán trên mạng xã hội.

Điền hình, sản phẩm V. - vốn được quảng cáo về khả năng ngăn ngừa một số loại ung thư như ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết và ung thư vú... - rao bán tràn lan trên mạng. Tuy nhiên, nhà sản xuất thừa nhận những tuyên bố này không được đánh giá bởi FDA.

Chớ tin thần dược trị ung thư - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K trung ương

FDA cho biết 14 công ty bị cảnh báo phải có phản hồi sớm và thông báo về việc lựa chọn rút sản phẩm ra khỏi thị trường hoặc thay đổi nhãn mác để phù hợp với quy định và luật pháp. Nếu các bên không hợp tác, cơ quan này phải sử dụng đến biện pháp pháp lý, bao gồm thu giữ sản phẩm, ban hành lệnh cấm hoặc truy tố hình sự.

Ngoài sản phẩm rao bán này, theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, từng có một trang mạng xã hội phổ biến hàng loạt tác dụng chữa bệnh của cần sa, coi đây như "thần dược" chữa được bách bệnh, trong đó có ung thư. Thực tế, cần sa và các dẫn chất của cần sa không phải là thuốc điều trị ung thư. Hiện nay, chỉ có một số chế phẩm chiết xuất từ cần sa được vận dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư giai đoạn cuối để giảm đau, hạn chế triệu chứng nôn, mệt mỏi nhưng cách dùng và liều lượng phải theo chỉ định của bác sĩ.

"Nếu sử dụng thời gian dài sẽ gây ra các hậu quả khó lường như: gây nghiện, nôn, buồn nôn, các bệnh tim mạch, các biến chứng tiêu hóa. Nếu sử dụng cần sa quá 7 ngày sẽ dẫn tới khả năng gây nghiện rất cao" - ông Thuấn cảnh báo.

Ung thư không phải là chấm hết

Theo PGS Trần Văn Thuấn, ung thư ngày càng gia tăng trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Nếu như năm 2000, số ca ung thư mắc mới tại Việt Nam là 69.000 thì hiện tại, con số này tăng lên 126.000. Tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam là 140/100.000 dân, đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ. 80% ca mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường sống.

Tuy nhiên, ông Thuấn cho rằng mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là bệnh nhân không được bỏ dở liệu trình điều trị của các bác sĩ để đi theo các cách chữa bệnh khác.

GS-TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, khẳng định bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm. Ngày nay, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh ung thư ngày càng cao.

"Với nhiều loại ung thư, nếu phát hiện giai đoạn sớm thì tỉ lệ sống trên 5 năm (gần như khỏi hẳn) là 80%-90%. Do đó, người bệnh nên đi khám định kỳ để tầm soát ung thư sớm. Nếu có bệnh thì cần kiên trì theo lời khuyên của bác sĩ, không nên tin lời lang băm hoặc các quảng cáo "thần dược" để rồi tiền mất mà cơ hội điều trị bệnh sớm cũng bỏ lỡ" - GS Hùng khuyên.

Cảnh giác cà muối, dưa muối, gạo mốc...

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đa số nguyên nhân gây ung thư đều do lối sống chủ quan của người dân. Do đó, mỗi người cần bảo vệ mình bằng cách không ăn quá mặn, ăn nhiều rau, ít thịt, tránh thừa cân, béo phì và thường xuyên hoạt động thể lực...

Ngoài ra, các yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như nhiễm virus viêm gan B, C, ô nhiễm môi trường, thực phẩm, chất phóng xạ; thói quen ăn nhiều cà, dưa muối, ăn gạo mốc, bánh mốc…

Theo Ngọc Dung - Người Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X