Hotline 24/7
08983-08983

Cho chó ăn, cậu bé 10 tuổi bị chó cắn nát tay

Cho chó nhà ăn, cậu bé 10 tuổi ở Hưng Yên bị chó cắn dập nát tay.

Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai mới tiếp nhận một bệnh nhân 10 tuổi đến từ Hưng Yên, được người nhà đưa đến trong tình trạng chó nhà cắn nát tay, có cả vết thương sau gáy, cháu bé bị mất nhiều máu, vết thương sâu đến tận xương. Hiện, bệnh nhân vẫn đang được các bác sĩ của BV Bạch Mai theo dõi và điều trị.

Theo BS Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, thời gian gần đây tai nạn do vật nuôi cắn đặc biệt là chó xuất hiện ngày càng nhiều.

Tai nạn do chó cắn xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh minh họa

Cách đây không lâu, các bác sĩ của bệnh viện cũng từng tiếp nhận và điều trị cho một bác sĩ thú y bị chó cắn khi đang làm việc.

Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân đã sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Sau 4 ngày con chó chết, mà bệnh nhân vẫn không tiêm phòng vắc xin dại vì vị bác sĩ thú y này chẩn đoán con chó chết do bị viêm đường hô hấp trên.

Trước khi vào viện một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, sau đó lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở, sợ gió, sợ nước.

Bệnh tiến triển rất nhanh, bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn và sau đó đã tử vong.

Đặc biệt, vài ngày trước tại BV Việt Đức một cháu bé 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó ngao Tây Tạng cắn tử vong.

BS Hùng cảnh báo, hiện nay nhiều gia đình ở các thành phố lớn theo trào lưu nuôi chó dữ làm cảnh, ra đường không rọ mõm gây sợ hãi và nguy hiểm cho người đi đường.

Khi nuôi chó, người dân phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, chó ra đường phải rọ mõm, đặc biệt là không được nuôi giống chó dữ, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. 

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. 

Để phòng chống bệnh dại mỗi người dân cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.

Nếu một người bị động vật cắn thì cần thực hiện như sau: Vết thương cần được rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 -15 phút.

Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Theo L.Minh - Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X