Hotline 24/7
08983-08983

Cho bệnh nhân uống thuốc

Đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân theo đường uống là kỹ thuật điều dưỡng thường được sử dụng nhất trong thực hành chăm sóc.

1. ĐẠI CƯƠNG

Đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân theo đường uống là kỹ thuật điều dưỡng thường được sử dụng nhất trong thực hành chăm sóc điều dưỡng. Thuốc đưa vào cơ thể theo đường uống có ưu thế là thực hiện dễ dàng, ít có tai biến, nhưng cũng có nhược điểm là dễ bị dịch dạ dày phân huỷ và hấp thu vào máu chậm, cũng có thể gây tổn thương đường tiêu hoá, phản ứng toàn thân.

1.1. Chỉ định, chống chỉ định

- Chỉ định:

+ Bệnh nhân có thể uống được.

+ Thuốc không bị dịch tiêu hóa phá hủy, giảm tác dụng.

- Chống chỉ định:

+ Bệnh nhân hôn mê.

+ Bệnh nhân nôn liên tục.

+ Bệnh nhân bị bệnh ở thực quản.

+ Bệnh nhân tâm thần không chịu uống thuốc.

1.2. Bệnh nhân uống thuốc đặc biệt

Khi cho bệnh nhân uống một số thuốc đặc biệt như:

- Digitalin: phải đếm mạch trước khi uống.

- Bệnh nhân uống aspirin: phải uống lúc no, sau khi ăn và không uống chung với các loại thuốc có tính kiềm.

- Thuốc có tính acid làm hại men răng: cần pha loãng và cho bệnh nhân uống qua ống hút.

- Mùi vị một số thuốc có thể gây nôn: nên cho bệnh nhân ngậm nước đá trước khi uống vài phút.

- Thuốc pha trong dầu: sau khi uống xong cho bệnh nhân uống nước chanh hay nước cam.

2. THỰC HÀNH KỸ THUẬT


2.1. Chuẩn bị bệnh nhân

- Xem hồ sơ bệnh án, thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.

- Giải thích cho bệnh nhân yên tâm, căn dặn bệnh nhân những điều cần thiết.

2.2. Chuẩn bị dụng cụ và thuốc

Dụng cụ và thuốc đựng trong khay sạch hay xe đẩy gồm có:

- Thuốc theo chỉ định: thuốc viên, thuốc nước, thuốc nhỏ giọt hay thuốc bột.

- Cốc đựng thuốc.

- Cốc đựng nước uống.

- Bình đựng nước uống.

- Dụng cụ đo lường: cốc chia độ, thìa canh, thìa cà phê, ống đếm giọt.

- Dao cưa, ống hút thuốc.

- Phiếu cho thuốc.

- Túi giấy hay khay quả đậu.

- Gạc sạch, khăn lau mặt.

2.3. Thực hành kỹ thuật

- Điều dưỡng viên rửa tay.

- Xem lại y lệnh điều trị và phiếu điều trị.

- Cho bệnh nhân uống thuốc cùng với điều dưỡng khác để tránh nhầm lẫn. Kiểm tra nhãn thuốc lần thứ nhất và lấy thuốc.

- Cách lấy thuốc:

+ Lấy thuốc viên: thực hiện 3 kiểm tra, 5 đối chiếu trong suốt quá trình lấy thuốc.

∙Đọc nhãn thuốc.

∙Mở nắp lọ thuốc.

∙Tay phải cầm lọ thuốc, tay trái cầm nắp lọ hoặc cốc để hứng thuốc.

∙Dùng thìa đếm đủ số lượng thuốc cần lấy theo y lệnh, cho vào cốc hoặc giấy; không dùng tay bốc thuốc.

∙Đọc nhãn thuốc để kiểm tra lại.

∙Trả lọ thuốc vào chỗ cũ.

+ Lấy thuốc nước:

∙Cầm chai, lọ thuốc kiểm tra nhãn.

∙Tay phải cầm lọ thuốc nắp lọ thuốc lên trên để khỏi ướt khi rót thuốc.

∙Tay trái mở nắp lọ để ngửa trên mặt bàn, cầm cốc đựng thuốc đưa ngang với tầm nhìn, đầu ngón tay cái để ngang mức số lượng thuốc cần lấy theo chỉ định và rót thuốc, không để miệng chai chạm vào miệng cốc. Lau sạch miệng chai thuốc bằng miếng gạc sạch, đậy nắp lại và trả chai thuốc về vị trí cũ.

+ Lấy thuốc giọt:

∙Cho một ít nước đun sôi để nguội vào cốc để làm loãng thuốc, tay phải cầm thẳng ống hút đưa đầu ống hút vào lọ thuốc và hút thuốc, rồi nhỏ từng giọt cẩn thận vào cốc theo chỉ định, khi đếm giọt phải tập trung, đếm đúng số giọt.

∙Động viên và giải thích để bệnh nhân an tâm và chịu uống thuốc.

∙Đỡ bệnh nhân ngồi dậy hoặc nằm tư thế đầu cao để dễ uống và dễ nuốt thuốc.

∙Đưa thuốc và nước cho bệnh nhân uống. Sau khi bệnh nhân uống thuốc, lau miệng cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân nằm tư thế thoải mái.

∙Bệnh nhân là trẻ nhỏ: phải hòa tan thuốc theo dạng nước, có thể hòa thêm một ít đường để trẻ dễ uống.

∙Bế trẻ nằm ngửa đầu hơi cao áp sát vào người; dùng thìa cà phê lấy thuốc đặt sát miệng trẻ ở giữa hoặc phía cạnh má; đổ từ từ thuốc vào miệng để trẻ uống; tráng lại bằng ít nước sôi để nguội, lau miệng cho khô sạch.

- Thu dọn dụng cụ:

+ Thu dọn những dụng cụ cần gửi đi tiệt khuẩn như cốc uống thuốc, uống nước, thìa...

+ Trả phiếu thuốc vào ô cũ hay để vào ô giờ cho thuốc lần sau.

2.4. Ghi vào hồ sơ ngày giờ cho bệnh nhân uống thuốc

- Tên thuốc, số lượng và cách cho uống, phản ứng với thuốc.

- Những trường hợp không thực hiện cho bệnh nhân uống thuốc được như bệnh nhân vắng mặt, từ chối không uống, bệnh nhân nôn.

- Ghi rõ họ tên người thực hiện kỹ thuật cho bệnh nhân uống thuốc.

- Trong thực tế lâm sàng, những bệnh nhân không uống được thuốc do tình trạng bệnh lý, thuốc đưa vào dạ dày qua ống thông. Sau khi đã được nghiền nhỏ hoà loãng với nước để bơm qua ống thông dạ dày.

3. TAI BIẾN, BIẾN CHỨNG VÀ XỬ TRÍ


3.1. Tai biến, biến chứng do kỹ thuật

- Bệnh nhân nghẹn, sặc: thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi, trẻ em, bệnh nhân yếu, suy kiệt.

Xử trí: đặt bệnh nhân nằm nghiêng, hút thông đường hô hấp, dùng kìm mở miệng kiểm tra lấy thuốc ra ngoài. Nếu nghẹn thuốc, có thể cho bệnh nhân uống thử nước để thuốc trôi xuống dạ dày.

- Bệnh nhân nôn sau khi uống thuốc: động viên, giải thích cho bệnh nhân, báo cho bác sĩ để có thể thay đổi đường đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân (đường tiêm, truyền tĩnh mạch) hoặc thay thuốc khác.

3.2. Tai biến, biến chứng do thuốc

- Viêm niêm mạc miệng, viêm loét dạ dày, viêm gan do thuốc.

- Dị ứng, nổi mề đay sau khi uống thuốc do dị ứng với thuốc.

- Xuất huyết đường tiêu hoá do thuốc corticoid, aspirin.

- Huyết tán: Ở những bệnh nhân thiếu men G - 6 - PD sau khi dùng các thuốc có tính oxy hoá khử mạnh như quimin thường gây huyết tán.

- Đề phòng: hỏi kỹ tiền sử dị ứng thuốc trước khi cho bệnh nhân uống thuốc; nghiên cứu kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Theo Bệnh viện Quân y 103

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X