Hotline 24/7
08983-08983

Chiến tranh Việt Nam và bài học ma túy của binh lính Mỹ

Chiến dịch Dòng chảy Vàng của quân đội Mỹ gần 45 năm trước dẫn đến những phát hiện quan trọng về nghiện, hành vi và não bộ ở binh lính nước này trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Năm 1971, nghị sĩ Robert Steele và Morgan Murphy trở về từ Việt Nam với thông tin gây chấn động nước Mỹ: 15% binh lính nghiện heroin. Đối với tổng thống Richard Nixon, người tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam và giải quyết tình trạng phạm tội trong nước, điều này quả thật tồi tệ, tờ CNN viết.

Theo lệnh của nhà cầm quyền, Chiến dịch Dòng chảy Vàng ra đời. Binh lính Mỹ không được phép lên máy bay trở về nhà cho đến khi vượt qua xét nghiệm nước tiểu. Nếu thất bại, họ bị buộc phải ở lại Việt Nam, thải độc rồi kiểm tra lại lần nữa. Tình hình khi ấy được đánh giá là vô cùng nghiêm trọng và khác thường, đến mức dường như không có lối thoát.

chien-tranh-viet-nam-va-bai-hoc-ma-tuy-cua-binh-linh-my

Binh lính Mỹ tại căn cứ Long Bình phía đông bắc Sài Gòn xếp hàng để nộp mẫu nước tiểu cho trung tâm phát hiện heroin trước khi quay về Mỹ tháng 6 năm 1971. Ảnh: AP.

Tại sao heroin lại gây nghiện đến mức như vậy? Đó là câu hỏi mà nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Johns Hopkins đặt ra. Năm 1972, các nhà khoa học phát hiện não người chứa thụ thể opiat khiến các chất như codeine, morphine và heroin có điểm "hạ cánh" tự nhiên. Khi được tiêu hóa, chúng sẽ làm sáng lên một phần nguyên thủy, sâu kín trong các tế bào thần kinh.

Các hoạt chất trong thuốc phiện và dẫn xuất của nó gần như giống hệt với endorphin trong não, thứ đem lại cảm giác hưng phấn sau khi chúng ta tập thể thao. Vấn đề là khác với endorphin, thuốc phiện không yêu cầu chúng ta phải vận động mà chỉ cần tiêm một mũi.

Không có loại ma túy nào tác dụng nhanh hơn heroin. Cấu trúc hóa học cho phép nó hòa tan trong chất béo, vượt qua hàng rào não gần như ngay lập tức. Tồi tệ hơn, người thường xuyên sử dụng heroin từ từ làm hỏng bộ não của mình và họ sụp đổ nếu thiếu ma túy. Heroin trở thành một trong những loại thuốc gây nghiện nguy hiểm nhất hành tinh xét trên mọi góc độ.

[Caption]

Một sĩ quan Mỹ châm điếu thuốc được bỏ thêm heroin. Ảnh: AP.

Quay trở lại năm 1971, trong Chiến dịch Dòng chảy Vàng, người ta nhận thấy ngoài yếu tố thể chất và não bộ, môi trường ảnh hưởng đáng kể đến quá trình cai nghiện. Các binh lính ở Việt Nam đều phải trải qua một bước chuyển mạnh mẽ về môi trường. Ở nơi đất khách, giữa một nền văn hóa xa lạ, họ không chịu nhiều áp lực tâm lý hay kỷ luật mà hưởng thụ một cuộc sống trần tục hơn. Trở về Mỹ, chỉ 5% quay lại dùng ma túy sau một năm. Trải qua 3 năm, con số tăng lên 12%. Điều này thật đáng ngạc nhiên bởi trước đó tỷ lệ tái nghiện là 78%. Chưa bao giờ có chương trình hồi phục thành công như vậy trong lịch sử Mỹ.

Dưới góc độ tâm lý học, các chuyên gia như David Neal và Wend Wood đã chứng minh sức mạnh tinh thần to lớn không thể cưỡng lại của môi trường. Bước ngang qua hành lang đầy khói thuốc là cực hình đối với người đang cai thuốc, tương tự việc đi vào quán bar với một ai từng nghiện rượu. Tác động vào môi trường đã trở thành cách tiếp cận chữa trị mới.

Áp dụng bài học của lính Mỹ vào cuộc sống, bạn không nhất thiết đến vùng chiến sự rồi quay về. Như Neal gợi ý, nếu chuẩn bị ăn kem, bạn hãy sử dụng tay trái thay vì tay phải hoặc chỉ ăn khi đứng. Nếu hay uống rượu trong một căn phòng, bạn hãy sắp xếp lại nội thất. Môi trường thay đổi sẽ khiến bạn dần phá vỡ thói quen, e dè hơn khi chạm điếu thuốc, chén rượu rồi cuối cùng nhận ra mình không hề cần chúng. 

Chiến dịch Dòng chảy Vàng đã giúp các binh lính Mỹ ở Việt Nam và cũng có thể giúp chúng ta trong thời đại ngày nay.

Theo Minh Nguyên - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X