Hotline 24/7
08983-08983

Chiếc Thìa Vàng sẽ làm gì để kết nối ẩm thực Việt với thế giới?

Hành trình Chiếc Thìa Vàng 2016 đã khép lại nhưng cảm xúc mà các đầu bếp mang đến cho ban giám khảo vẫn còn mãi. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của họ về cuộc thi năm nay nhé!

Nghệ nhân ẩm thực Bà Bùi Thị Sương - đại diện Ban giám khảo

Nghệ nhân Bùi Thị Sương là một trong những thành viên sáng lập Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn. Bà đã đến nhiều quốc gia ở châu Á, Âu, Mỹ để giới thiệu về nền văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam

Bà đánh giá thế nào về hành trình gia vị Việt của Chiếc Thìa Vàng năm 2016 cũng như về sự thể hiện của các đội thi, món ăn trong mùa thứ 4?

Năm nay tiếp tục chủ đề “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt”, ban giám khảo chúng tôi đã khám phá được nhiều nguyên liệu mới, gia vị đặc trưng vùng miền từ các đội thi.

Cùng với ban tổ chức, chúng tôi đã đích thân đi tới các nơi để khám phá, có khi đi rất nhiều ngày trong rừng như ở Ba Tơ - Quảng Ngãi để tìm hiểu về tiêu sả, đi Điện Biên để tìm mắc khén, hạt dổi hay quả sổ. Ở Tây Nguyên còn có trái muối rừng, có vị mặn chua thanh nhẹ rất đặc biệt, dùng thay muối thường. Cùng với đó là hàng loạt loại lá rừng, rau rừng… mà khi kết hợp với từng nguyên liệu lại cho ra những món ăn có vị khác lạ, mới mẻ.

Ở miền cao nguyên Bắc bộ, các đội còn giới thiệu nhiều món ăn bài thuốc được làm từ những loại lá, củ, quả có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe như củ ba kích, hoa tam thất, ngải cứu... Đó là những gia vị đặc trưng tạo nên một hành trình thú vị của năm nay. Vì vậy với Chiếc Thìa Vàng sắp tới, tôi hi vọng sẽ tiếp tục hành trình này để khám phá Việt Nam đầy hương sắc, thúc đẩy ẩm thực Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập.

Một điều đáng nói là các đội tới từ khắp các tỉnh thành Việt Nam, mỗi đội thể hiện văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng của địa phương, họ dám thách thức trong những thử thách sáng tạo mới và thể hiện tính chuyên nghiệp qua nhiều mặt. Tay nghề và kĩ năng của thí sinh ngày càng được nâng cao, cập nhật xu hướng thế giới với thực đơn hợp lý, thú vị, qua đó thể hiện chất lượng và ý thức quảng bá món ngon vùng miền.

Á hậu Hoàng My - đại sứ Chiếc Thìa Vàng

Á hậu Hoàng My là đại sứ trong việc quảng bá các món ăn độc đáo của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế

Với vai trò đại sứ Chiếc thìa vàng, Á hậu Hoàng My đã có trải nghiệm cùng chương trình trong hành trình gia vị Việt, thế nhưng sự đặc sắc ấy lại chưa được nhiều người biết đến nhiều. Theo bạn làm thế nào để có thể giúp ẩm thực Việt đi xa hơn?

Tôi rất may mắn khi có cơ hội tham gia chương trình với vai trò đại sứ và đồng hành cùng với ekip đi rất nhiều địa danh của Việt Nam: miền Bắc là Ninh Bình, Sapa rồi miền Tây, Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời tôi cũng có dịp nấu ăn và trò chuyện với rất nhiều đầu bếp và cả những quán quân Chiếc Thìa Vàng những mùa trước. Tôi thấy ẩm thực Việt Nam rất đặc sắc và có rất nhiều món, bởi chúng ta có bí kíp là các gia vị độc đáo, phong phú, qua bàn tay khéo léo của các đầu bếp biến tấu sáng tạo nên tạo ra các món đặc trưng vùng miền.

Tuy nhiên ẩm thực Việt Nam chỉ nổi tiếng ở thế giới ở một số món, chưa thực sự ghi tên như một nền ẩm thực tạo làn sóng trên toàn thế giới. Có thể do chúng ta chưa có sự trọng tâm để quảng bá và sự đồng lòng trong một dự án chương trình lớn, tâm huyết.

Chiếc Thìa Vàng lần này kì vọng các đầu bếp ở Việt Nam nhất là nhà hàng khách sạn cấp cao ở Việt Nam, thi tài trong một sân chơi cạnh tranh, tạo ra nhiều món ăn mới từ nguyên liệu đa dạng sẵn có.

Không như nhiều chương trình khác, Chiếc Thìa Vàng do người Việt Nam sáng tạo ra, vì thế chúng ta nên đẩy mạnh việc làm truyền thông, giới thiệu và quảng bá hương vị ngon lành của món ăn Việt, điều này không chỉ giúp cho sự phát triển của ẩm thực đương đại Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển du lịch.

Mr Eckart Witzigmann

Eckart Witzigmann - "Đầu bếp thế kỷ" - "Chef of The Century" (bìa trái) là một trong 4 đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới thích thú nếm thử gia vị Việt

Được biết đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam, ông cảm nhận như thế nào về hương vị món ăn và ẩm thực Việt Nam?

Thật sự thì ban giám khảo chúng tôi đã đảm nhận công việc khá là khó khăn khi phải chấm cùng lúc 60 món. Tuy nhiên, cá nhân tôi coi đó cũng là vinh dự khi được trải nghiệm gần như toàn bộ món ngon của ẩm thực Việt từ các đầu bếp ở cả ba miền. Tôi thật sự mong sẽ được sớm quay trở lại để thưởng thức và khám phá nền ẩm thực hết sức thú vị của các bạn.

Những món ăn các bạn thực hiện trong cuộc thi độc đáo, ngon và rất vừa miệng. Các bạn đã biết phát huy thế mạnh từ nguồn nguyên liệu phong phú và tươi ngon. Đôi lúc cũng có những hương vị mạnh, lạ, không phải thực khách nào cũng dùng được, tuy nhiên theo tôi, đó chính là nét riêng mà nền ẩm thực các bạn sở hữu. Khác với những món Âu vốn không sử dụng đa dạng các loại gia vị và chính điều này cũng gây nhiều hứng thú cho tôi.

Nhiều người nói rằng “Việt Nam là bếp ăn của thế giới” ông có đồng ý với ý kiến đó? Ông đánh giá thế nào về tinh hoa ẩm thực của Việt Nam?

Rất chính xác. Không ai khác, chính Việt Nam các bạn đang sở hữu những công thức nấu ăn tuyệt vời, tinh tế, đơn giản và những món ăn rất ngon.

Sau những ngày làm giám khảo cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, tôi quá bất ngờ vì Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về sản vật và các gia vị địa phương. Các bạn có rau tươi, cá tươi, vô số các loại hạt gia vị vô cùng độc đáo. Tất cả đều hoàn toàn tự nhiên và mang bản sắc địa phương, đó là điều kiện cần để tạo nên những món ăn đẳng cấp và xuất sắc.

Ông nhận định gì về cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, so với các cuộc thi nấu ăn khác trên thế giới?

Theo tôi cảm nhận, Chiếc Thìa Vàng là một cuộc thi đẳng cấp, không chỉ là mục đích giới thiệu món ngon đặc sản, đưa món Việt đi ra thế giới mà ngay ở việc tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho các thí sinh phát huy năng lực. Bản thân tôi có kinh nghiệm 40 năm chấm thi ở các cuộc thi ẩm thực trên thế giới nên tôi nghĩ rằng cuộc thi Chiếc Thìa Vàng hoàn toàn xứng đáng có một vị trí trên thế giới..

Thật ra, ngoài cuộc thi Bocuse d'Or, từ năm 1980 tôi không nhận lời làm giám khảo cho cuộc thi ẩm thực nào khác. Vì tôi cho rằng 1 đầu bếp chuyên nghiệp không thấy thoải mái khi nhận xét và khen chê đầu bếp khác. Tuy nhiên, với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng của các bạn là ngoại lệ. Cuộc thi có ý nghĩa to lớn giúp thế giới hiểu về nền ẩm thực Việt và góp phần kéo du khách đến đất nước xinh đẹp của các bạn. Vì thế tôi luôn ủng hộ những sứ mệnh đẹp đẽ đó.

Với vai trò giám khảo chấm thi Chiếc Thìa Vàng, ông cảm nhận thế nào về khả năng của các đầu bếp Việt?

Tôi thật sự bất ngờ và ấn tượng với các thí sinh - đầu bếp. Điều mà tôi rất ngưỡng mộ và thán phục các đầu bếp Việt Nam đó là sức sáng tạo “vô biên” cùng với những loại gia vị, nguyên liệu vô cùng phong phú ở đất nước các bạn. Họ còn trẻ nhưng có cách làm việc rất chuyên nghiệp, vượt qua áp lực khi có nhiều phóng viên báo chí vây quanh để hoàn thành tốt phần thi. Với tôi, những công thức nấu ăn càng đơn giản, tinh tế sẽ là cách thể hiện rõ nhất tay nghề của người đầu bếp.

Tôi cũng thích thú với việc các đầu bếp cũng chính là người trang trí bàn tiệc của mình. Không chỉ chế biến ngon mà từng đầu bếp còn tự tay chọn dụng cụ chén, dĩa để bày đựng món ăn. Đa số đều có con mắt thẩm mỹ tinh tế trong cách sử dụng các sản phẩm gốm sứ.

Là người có kinh nghiệm đi trước, ông có lời khuyên gì với các đầu bếp Việt Nam, những người mong muốn nâng tầm ẩm thực Việt lên tầm quốc tế?

Các bạn hãy luyện tập thật nhiều để có thể tham gia các cuộc thi mang tầm quốc tế, chẳng hạn tham gia cuộc thi Bocuse d'Or.  Nên nhớ, đối thủ của bạn là những đầu bếp giỏi nhất trên thế giới, ban giám khảo đến từ nhiều nền ẩm thực của châu Á và châu Âu, vì vậy bạn cần khổ luyện thật nhiều.

Ở một số quốc gia, tôi biết, các đầu bếp phải luyện tập mỗi ngày và mất ít nhất 2 năm khổ luyện trước khi tham gia cuộc thi lớn trên thế giới. Các đầu bếp trẻ hãy dành nhiều thời gian để chọn lựa phong cách ẩm thực cho mình, và tôi cũng luôn ủng hộ việc các bạn làm mới và sáng tạo hơn cho các món ăn với những gia vị và nguyên liệu hết sức phong phú của Việt Nam.

Ms Nelly Gocheva


Lần đầu tiên tới Việt Nam, cảm nhận của bạn về món ăn của chúng tôi và chương trình Chiếc Thìa Vàng?

Xin chào các bạn, tôi là Nelly Gocheva, tới từ TBrand Studio, đơn vị truyền thông của thời báo The New York Times. Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam và được thử những món ăn rất là ngon lành của đất nước các bạn. Cũng chia sẻ thêm là ở London nơi tôi làm việc cũng có những nhà hàng Việt Nam nhưng khi tới đây, tôi rất thích 2 món gỏi cuốn và chả giò.

Nói về ngày thi 6/12 vừa qua, tôi rất ngạc nhiên và hứng thú với cách các bạn tổ chức chương trình, nhất là khu vực bếp mà các thí sinh thực hiện bài thi đầu tư rất chuyên nghiệp, sạch sẽ, các đầu bếp phân công nhau chia việc và sắp xếp tổ chức nấu trong bếp. Đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi với chương trình.

Bạn có ấn tượng đặc biệt thế nào về ẩm thực Việt Nam nói riêng?

Điều tôi ấn tượng nhất của ẩm thực Việt là hương vị. Các món ăn Việt nam rất tươi, rất mới, đó là lý do tôi rất thích ăn món Việt ngay trên đất Việt. Các bạn cũng biết thực ra đồ ăn Việt Nam ở London không ngon bằng khi bạn thưởng thức ở nơi chính các món ăn này được tạo ra. Vì cách làm của các đầu bếp Việt ở London đã bị Âu hóa, nên không còn giữ được hương vị ban đầu nữa. Một điều nữa các sản vật ở đây rất phong phú và rất tươi. Ngoài ra, tôi thích món nước ép dưa hấu.

Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc công ty Minh Long I, Phó Ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng

Ông Lý Huy Sáng (bìa trái) cùng bà Bùi Thị Sương, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chấm điểm phần thi của các đầu bếp Chiếc Thìa Vàng 2016

Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của cuộc thi trong mùa thứ 4?

Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định tiêu chí của Chiếc Thìa Vàng là tạo nên một sân chơi chuyên nghiệp dành cho các đầu bếp, vì vậy chúng tôi luôn cố gắng cải tiến chất lượng cho cuộc thi ngày một tốt hơn. Năm 2016 là mùa thứ 4, so với những năm trước, năm nay cuộc thi được tổ chức tốt nhất vì chúng tôi đầu tư rất nhiều về trang thiết bị và cả truyền thông, vì vậy cũng tạo được kết quả đáng khích lệ khi gây tiếng vang trong làng ẩm thực Việt Nam.

Thế nhưng chúng tôi kì vọng hơn đó là sự bản lĩnh, tinh thần chiến đấu hết mình của các thí sinh. Hầu hết họ đều nhận định Chiếc Thìa Vàng là một cuộc thi danh giá và đầy thách thức, tuy nhiên các thí sinh cần có tâm lý vững vàng hơn để vượt qua được chính mình. Khi tham gia một cuộc thi, các bạn cần có cái nhìn khác, đơn thuần không chỉ là thắng thua, mà quan trọng từ cuộc thi đã mang lại giá trị gì cho bản thân mình.

Đó là sự học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, sự trưởng thành, hơn cả qua cuộc thi sẽ tạo ra các mối quan hệ giữa đầu bếp Việt và thế giới. Vì vậy các đầu bếp họ cần vượt qua chính mình, sự thoải mái trước khi bước đến đỉnh cao nhất của sự nghiệp.

Chiếc Thìa Vàng đã và đang làm những gì để kết nối ẩm thực Việt với thế giới thông qua những hoạt động và sự kiện?

Là đơn vị tổ chức cũng là một trong những giám khảo khách mời của cuộc thi, tôi hi vọng nhận được sự ủng hộ, đồng hành và hưởng ứng của các nhà tài trợ, các thí sinh, của những người yêu ẩm thực để đưa hương vị quê nhà bay xa hơn. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi cũng sẽ bắc những nhịp cầu giao lưu ẩm thực không chỉ trong nước mà còn là sự kết nối quốc tế tới những sự kiện quan trọng, giao lưu văn hóa để truyền bá món ăn và hình ảnh của đầu bếp lan tỏa rộng rãi hơn.

Chúng tôi cũng đã làm việc với một số tổ chức như Hiệp hội đầu bếp Sài Gòn để đề cử người đoạt giải dự các cuộc thi đầu bếp của thế giới hay như hội nghị APEC tại Việt Nam sắp tới, chúng tôi sẽ mang tới những món ngon Chiếc Thìa Vàng để phục vụ các nhân vật, chính khách cấp cao. Đó là cơ hội tốt để cuộc thi khẳng định tính hiệu quả và phát huy di sản ẩm thực Việt Nam hơn nữa.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X