Hotline 24/7
08983-08983

Chích ngừa trước khi mang thai 1 năm, vắc xin còn tác dụng không?

Chích ngừa trước khi mang thai, thử máu sau khi chơi ma túy đá, màu nước tiểu của người uống thuốc trị bệnh lao, khó thở và đau ngực khi nằm, bệnh lao màng bụng... là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

Bạn đọc Hà - aicap...@gmail.com

Thưa BS,

Em dự định hơn 1 năm nữa mới có thai thì bây giờ đi tiêm ngừa Rubella và sởi có được không ạ? Sau 1 năm văcxin còn tác dụng không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các vắc xin nên tiêm ngừa trước mang thai là viêm gan siêu vi B gồm 3 mũi, 0-1-6 tháng; Sởi-quai bị-Rubella là 1 mũi; thủy đậu là 2 mũi, 0-2 tháng, cúm 1 mũi. Tốt hơn hết là sau tiêm ngừa mũi cuối cùng 3 tháng sau (hoặc sớm nhất là 1 tháng sau) là em có thể mang thai.

Tác dụng bảo vệ của vắc xin ngừa Rubella và sởi là suốt đời, chỉ có vắc xin ngừa cúm là hiệu lực 1 năm thôi. Thân mến.


Ngọc Nhuận - pnn...@ymail.com

Kính gửi BS,

Tôi đã có lần hỏi và được BS tận tình tư vấn. Tôi rất cảm kích và xin trân trọng cảm ơn BS. Lần này tôi có 2 vấn đề rất mong được BS tư vấn:

1. Tôi năm nay 64 tuổi, đang bị bệnh suy thận mạn giai đoạn 3 (eGFR = 35), acid uric = 485 umol/l. Trong các thuốc điều trị, lần mới nhất BS có cho thêm thuốc Fexogold 40 mg (uống 1 viên vào buổi chiều).

Trước đây tôi không bị bệnh gút, qua tìm hiểu tôi được biết thuốc Fexogold điều trị giảm acid uric cho bệnh nhân bị gút và khi dùng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Tôi rất lo, chưa dám uống vì ngoài thông tin trên, bản thân tôi lại dị ứng với: Loxoprofen, Isobuprofen, Cephalexin, Cotrim.

Tôi không có điều kiện để hỏi BS đang điều trị bệnh cho tôi, đành phải làm phiền BS. Xin cho biết tôi có thể dùng thuốc này để làm giảm acid uric không hay có giải pháp nào tốt hơn?

2. Tôi muốn bồi bổ thêm bằng cách sử dụng thực phẩm chức năng Centrum Silver For Men 50+ (Made in Canada) - chứa vitamin, khoáng chất, nguyên tố vi lượng - không biết có được chăng, xin BS chỉ giúp?

Xin chân thành cảm ơn BS và cầu chúc cho BS luôn được hạnh phúc và an lạc.

Rất mong được hồi đáp của BS. Trân trọng!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Kính chào bác,

Bình thường lượng acid uric trong máu dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/L). Mức acid uric trong máu của bác có tăng nhưng không phải bất kỳ ai tăng acid uric máu đều bị bệnh Gout.

Vì Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá, gây ra bởi tình trạng lắng đọng các tinh thể urat ở các mô của cơ thể, do tăng acid uric trong máu. Do đó, nếu chỉ tăng acid uric máu mà không có tổn thương khớp đặc trưng của bệnh Gout thì không gọi là bệnh Gout. Tăng acid uric làm tăng nguy cơ bệnh Gout, bệnh tim mạch (trong đó có bệnh tăng huyết áp), bệnh thận…

Ở người bình thường không có bệnh lý thận, thì với mức acid uric như trên, nếu người bệnh đã được chẩn đoán Gout hoặc từng có cơn đau khớp dạng Gout thì là cần điều trị thuốc, ngược lại, nếu người bệnh không có tiền căn Gout thì bác chỉ cần thay đổi chế độ ăn, bao gồm giảm lại các món sản sinh nhiều acid uric như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật, thịt đỏ (thịt bò, sò huyết, cá hồi…), bia rượu.

Tuy nhiên, bác đã có bệnh thận mạn giai đoạn III, bệnh thận mạn thường kéo theo tăng acid uric máu, và theo vòng xoáy, acid uric máu tăng làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, sỏi thận, bệnh Gout… ở người bệnh thận mạn. Do đó, mặc dù bác không có bệnh Gout và chưa từng có cơn đau khớp dạng Gout, nhưng với mức acid uric trên thì BS vẫn kê thuốc hạ acid uric máu cho bác.

Bác có tiền căn dị ứng nhiều loại thuốc, nhưng chưa chắc gì sẽ dị ứng với Fexogold 40 mg, cho nên bác cứ uống thử và theo dõi sát diễn biến của cơ thể, nếu có bất thường gì thì ngưng thuốc ngay và báo với BS điều trị.

Về việc bổ sung thêm Centrum thì bác phải hỏi trực tiếp BS điều trị cho bác thôi, vì BS của bác nắm rõ các thuốc đã kê cho bác, các thông tin khác về tình trạng sức khỏe của bác (như có loãng xương hay không, có suy dinh dưỡng không…), khi tới ngày tái khám, bác đưa lọ thực phẩm chức năng kể trên cho BS của bác xem rồi tư vấn cho bác cách uống thích hợp, bác nhé.

Chúc bác nhiều sức khỏe. Trân trọng.


N. A. - hongtr...@gmail.com

Thưa BS,

Em từng bị té sau khi va chạm xe, đã chụp hình X-quang kiểm tra. Trong thời gian đó em sợ qua đường hay lên cầu thang vì sợ té từ cầu thang xuống. Nó chiếm ngự vào suy nghĩ em 1 tháng rồi lại hết.

Khi em không học hay không làm gì thì em không có suy nghĩ gì nhiều về tiêu cực, nhưng bắt đầu bước vào năm cuối cấp em có những suy nghĩ điên rồ như sợ khi dùng facebook và nhắn tin bậy cho người khác mặc dù em không làm.

Khi qua tết xong em lại có cảm giác sợ mình đã tiết lộ ra bí mật của bạn thân rồi cứ thế ám ảnh em.

Quan trọng nhất là gần 1 tháng nay em cứ bị ám ảnh về phân. Em luôn có suy nghĩ khi em ị ra có thể đã trét vào người làm dơ đồ và vì em cứ phải đi tắm gội nhiều lần nên em cảm nhận mọi thứ xung quanh em toàn là phân.

Em không biết mình mất cảm giác hay bị bệnh tưởng tượng nhưng em cứ bị như vậy kèm theo áp lực học ôn thi. Em không biết liệu mình có bị bệnh tưởng tượng hay không, BS cho em hỏi cách khắc phục bệnh là như thế nào? Em cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi, chịu mở lòng chia sẻ những bí mật này và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em. Theo thông tin em cung cấp thì quả thật em có một số bất ổn về mặt tâm lý - tâm thần.

Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, người bệnh có bất ổn về mặt tâm lý - tâm thần sẽ bị lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe dọa được cảm thấy, lo lắng những chuyện không có thật, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý. Và vì thế em thật sự có bất ổn và điều đó vượt qua khả năng kiểm soát lý trí của em, nói cách khác em có dấu hiệu của rối loạn tâm thần.

Em đừng bị “dị ứng” hay quá sợ hãi với từ “tâm thần”. bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán một người bị rối loạn tâm thần dạng gì, có kèm bệnh gì hay không, cần điều trị thuốc gì thì BS chuyên khoa Tâm thần và bệnh nhân phải ngồi lại với nhau, dành thời gian khai nhác bệnh sử kỹ càng, đào sâu vào từng triệu chứng mới kết luận được là người bệnh thuộc nhóm bệnh nào, đồng thời cũng phải loại trừ những bệnh lý tổn thương cơ quan khác gây ra rối loạn tâm thần (như rối loạn nội tiết, bệnh lý ở não…). Thông tin trên mạng chỉ mang tính tham khảo, chung chung, BS được đào tạo chuyên môn mới có khả năng chẩn đoán đúng bệnh và mức độ của bệnh.

Bệnh tâm thần là bệnh có thể điều trị được. Vì thế, tốt nhất em nên tâm sự với người em tin tưởng để cùng em đến khám BS chuyên khoa Tâm thần, để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu), em nhé. Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, ĐH Y dược... em có thể tham khảo thêm.

Thân mến.


Nguyễn Phượng - nguyenphuong...@email.com

BS ơi,

Ngón chân của cháu bị sưng to mà có mủ. Cháu đã đi khám ở phòng khám tư nhân, người ta cho thuốc bôi mà không khỏi. Cháu không uống được thuốc vì cháu đang nuôi con. Cháu phải làm gì để nhanh khỏi ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong những tình huống có vết thương viêm nhiễm sưng đau tụ mủ, thì BS ngoại khoa sẽ gây tê rồi rạch tháo mủ, làm sạch thì mới hết nhanh được.

Thuốc bôi ít có hiệu quả lắm. Em mà để lâu thì từ chỗ viêm ở ngón chân có thể lan rộng ra rất nguy hiểm. Do vậy, tốt hơn hết là em đến khám tại chuyên khoa Ngoại tổng quát hoặc chuyên khoa Ngoại da liễu để BS xử trí cho em. Thân mến.


Bạn đọc H. L. - hun...@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em hút ma túy đá 8 hơi thì sau 5 ngày thử máu có phát hiện không BS? Em cảm ơn nhiều.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trung bình khoảng 72 giờ là ma túy được thải hoàn toàn ra khỏi cơ thể (cả máu và nước tiểu), nhưng các chế phẩm trộn vào ma túy đá tổng hợp thì không biết được thời gian thải cũng như tác dụng phụ, vì thế không dám nói chắc sau 5 ngày xét nghiệm máu có phát hiện hay không vì còn tùy xét nghiệm loại gì, ma túy đá loại gì, chức năng thận ra sao...

Thân mến.


Bạn đọc H. T. P. - thephong...@gmail.com

Thưa BS,

Cháu 18 tuổi, là học sinh của lớp thí điểm ở trường. Khoảng hơn 1 năm trước do áp lực học và 1 số chuyện cá nhân nên cháu rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, bế tắc, lo âu, tự ti, mặc cảm...

Hiện tại, thi cử sắp tới gần nhưng cháu không tập trung vào học được, học hành sa sút, hay quên, không nhớ gì sau khi cô giảng. Gần 1 năm rồi cháu không nói chuyện với bạn bè. Mong BS giúp cháu với ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trong cuộc sống vẫn thường có những giai đoạn chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, và đây là giai đoạn rất khó khăn của em, áp lực học hành trong giai đoạn đại học là một áp lực thật sự rất lớn. Để vượt qua được giai đoạn này cần có rất nhiều nghị lực của bản thân và sự giúp sức của gia đình, người thân, bạn bè.

Những áp lực trong cuộc sống trong thời gian đầu có thể là động cơ thúc đẩy “vượt khó” nhưng ngược lại, chúng cũng có thể gây ra các hệ lụy lên sức khỏe thể chất và ảnh hưởng lên tâm tính, cảm xúc, sức khỏe tinh thần; thời gian đầu thì chưa phải là bệnh tâm thần, tuy nhiên, nếu kéo dài mà dứt ra không được, có thể sẽ thành bệnh tâm thần thật như bệnh trầm cảm hoặc thể chất sẽ suy sụp, sinh ra bệnh, như bệnh đau nửa đầu, mất ngủ, giảm tập trung, giảm trí nhớ...

Sức khỏe của em là quan trọng nhất, cuộc đời em đâu chỉ có học mà còn những điều khác nữa. Em đừng cố quá sẽ gãy gánh giữa đường, nếu em học chậm thì có thể học kéo dài hơn bạn khác (rớt thì thi lại), miễn là em đi đến cuối con đường.

Em có thể tìm đến những nguồn chia sẻ như ba mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè … mọi người biết vấn đề của em thì sẽ có cách hỗ trợ và giúp đỡ em. Em cũng nên tập thể dục để bình tâm trí, hạn chế thức khuya, ăn uống bổ sung đầy đủ chất. Người cứu em chính là em.

Nếu vẫn không vượt qua được thì cuối cùng em có thể đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để BS xem mức độ trầm cảm của em ra sao và kê thuốc điều trị hỗ trợ ngắn hạn và tư vấn tâm lý cho em, sẽ giúp em vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Thân mến.


Đức Thuận - ducth...@gmail.com

Thưa BS,

Bình thường chỉ cần làm một việc gì đó hơi nặng một chút là tôi là thở dốc, ví dụ như chỉ cần leo lên tầng 2 thôi là tôi phải ngồi thở tới gần chục phút hoặc chỉ cần đi nhanh khoảng chục mét thôi là tôi đã thở hổn hển rồi.

Tôi đã ra BV Đại học Y khám cả tim mạch và phổi, các BS đều kết luận bình thường khiến tôi rất lo lắng, không hiểu mình bị bệnh gì và điều trị bằng cách nào? Rất mong được BS tư vấn giùm. Tôi xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bác,

Thứ nhất là kiểm tra tim mạch và hô hấp thì có nhiều mức độ, khám và xn tổng quát chung như chụp Xquang phổi, siêu âm tim, đo điện tim… và chuyên sâu hơn như điện tim gắng sức, holter ECG, đo chức năng hô hấp.

Không rõ bác đã làm những xét nghiệm gì, nhưng triệu chứng của bác có thể liên quan đến nguyên nhân tim mạch - hô hấp mà cần đến xét nghiệm chuyên sâu mới tìm ra được, như hen, loạn nhịp tim khi gắng sức…

Thứ hai, các triệu chứng kể trên cũng có thể do nguyên nhân ngoài bệnh lý tim mạch - hô hấp gây ra, như thể trạng béo phì ít vận động, rối loạn nội tiết, rối loạn thần kinh cơ…

Vì thế nếu bác vẫn còn những khó chịu và chưa có câu trả lời thích hợp, bác nên đem các kết quả đã làm đến trung tâm Tim mạch - Hô hấp làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và kiểm tra thêm các nguyên nhân khác kể trên (ở chuyên khoa Nội thần kinh, Nội tiết).

Kính chúc bác nhiều sức khỏe.


Trường Sơn - Hà Đông

BS cho em hỏi,

Em xăm hình 2 năm nay. Đợt này cứ bị nổi mụn ở hình xăm rất ngứa. Bị từng đám nhỏ, chỗ này khỏi thì chỗ khác lại bị. Xin BS tư vấn cách điều trị ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Việc xăm da làm tổn thương và thay đổi cấu trúc bề mặt da, có thể gây viêm da nhiễm trùng, viêm da dị ứng ngay lúc đó, cũng có thể gây viêm da dị ứng về sau do da dễ kích ứng hơn, do hiện tượng đào thải mực, do nhiễm tác nhân bên ngoài.

Cách xử lý hiện tại là em nên đến khám BV Da Liễu để BS kiểm tra trực tiếp, đánh giá mức độ, cơ địa mà cho thuốc phù hợp, em nhé.


Đào Văn Biên - dvb...@gmail.com

Chào BS,

Tôi bị đau đầu, đau họng, đau quanh quai hàm, đau tai, hai bàn tay bị tê. Xin BS hướng dẫn cách điều trị.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các triệu chứng của bạn là đau nhức mỏi cơ toàn thân, gặp trong nhiễm siêu vi, viêm họng cấp, viêm tai... BS cần phải hỏi kỹ từng triệu chứng, tiền căn bệnh lý, cũng như thăm khám toàn bộ và làm các xét nghiệm kiểm tra khi cần thì mới định được bệnh và có hướng điều trị thích hợp tương ứng. Không giống như ra tiệm thuốc khai vài triệu chứng là người bán cho thuốc điều trị bao vây hoặc điều trị triệu chứng tạm thời mà không cần thăm khám, chẩn bệnh.

Với tình trạng này, bạn nên đến BV để kiểm tra, đăng ký khám phòng khám nội tổng quát, hay chuyên khoa Tai mũi họng, hay chuyên khoa Nhiễm đều được. Trong lúc chờ đi khám, bạn có thể giảm đau và khó chịu bằng thuốc giảm đau thông thường như Panadol, Paracetamol, kết hợp với nghỉ ngơi, ngủ nghỉ và ăn uống bồi bổ.


Phan Minh Thao - TPHCM

Thưa BS,

Cháu bị chấn đoán bị lao phối và có uống thuốc theo phác đồ. Tuần đầu uống thì nước tiểu có màu đỏ. Nhưng bắt đầu sang tuần thứ 2 thì cháu thấy nước tiểu bình thường, không còn đỏ nữa. Vậy xin hỏi có bình thường không ạ? Cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thường bệnh nhân uống thuốc trị lao thì nước tiểu sẽ có màu đỏ (màu của thuốc lao). Viên thuốc làm cho nước tiểu có màu đỏ chính là thuốc Rifampicin. Hiện tượng này thường gặp và không nguy hiểm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc trị lao còn ảnh hưởng lên gan và thận.

Khi có viêm gan, nước tiểu sẽ vàng sậm, do vậy khi thấy nước tiểu đang màu đỏ mà chuyển sang màu da cam, kèm theo những triệu chứng của viêm gan như chán ăn, mệt mỏi mới xuất hiện gần đây thì cần báo thầy thuốc ngay.

Bệnh nhân được tiêm Streptomycin thì cần chú ý lượng nước tiểu, nếu thấy tiểu ít rõ rệt dù vẫn uống đủ nước thì báo ngay. Thân mến.


Quang Nguyễn - quang...@gmail.com

Chào BS,

Em là nữ, sinh năm 1985.

Gần đây em có triệu chứng như sau mong BS tư vấn: Em đang nằm cứ thấy khó thở ngực đau, đau ở giữa ngực, phải ngồi dậy mới đỡ, nằm xuống tiếp thì lại bị. Nếu nằm dựa tường trong tư thế nửa nằm nửa ngồi thì mới thấy dễ chịu 1 chút. Bị khoảng 40 phút thì có thể nằm xuống ngủ nhưng cảm giác khó thở vẫn còn. Trước đây đã có lần em bị như này rồi.

Kính mong BS tư vấn giúp em đây là triệu chứng gì và em nên làm thế nào? Em xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng khó thờ và đau vùng giữa ngực xảy ra khi nằm, ngồi dậy mới đỡ thường gặp trong bệnh lý mạch vành, suy tim, cơn hen tim và bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản.

Để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp thì BS phải khám trực tiếp cho em, hỏi kỹ thêm về bệnh sử và tiền căn, làm một số xét nghiệm hỗ trợ (như xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm tim, nội soi dạ dày...) mới chẩn đoán được nguyên nhân và điều trị thích hợp. Em nên khám tại chuyên khoa Tim mạch, em nhé.


Đình Duy - Đăk Lăk

Chào BS,

Em bị bệnh lao màng bụng và đang điều trị. BS cho em hỏi là bệnh của em uống bia có được không? Do tính chất công việc nên em thường tiếp xúc với rượu bia, em không uống rượu mà chỉ uống bia có ảnh hưởng đến bệnh của em không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Trong quá trình điều trị lao, nếu bệnh nhân uống thuốc đúng cách, đúng liều lượng, đều đặn, và đủ thời gian điều trị thì khả năng khỏi bệnh là rất cao (> 90%).

Do việc uống bia rượu sẽ gây tương tác thuốc (giảm tác dụng điều trị, tăng tác dụng phụ), bên cạnh đó gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan, mà bản thân các thuốc điều trị lao đã có tác dụng phụ gây tổn thương gan rồi, nên bệnh nhân không nên uống rượu bia trong quá trình điều trị lao. Nói đơn giản là việc uống bia hay rượu đều ảnh hưởng xấu đến bệnh của bạn.

Bia hay rượu đều là chất cồn, rượu chỉ khác bia ở nồng độ ethanol trong 100 ml dung dịch, không phải uống bia thì đỡ hơn uống rượu vì uống bia nhiều cũng “xỉn” như thường.

Sức khỏe của bạn là quan trọng nhất, làm việc nhiều, kiếm tiền nhiều mà bệnh nặng hơn rồi nhập viện điều trị thì tiền mất tật mang, em à.

Thân mến.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X