Hotline 24/7
08983-08983

Chỉ có 50% bệnh nhân đột quỵ ở An Giang được cứu sống

Tại An Giang, theo ước tính mỗi năm có khoảng 4.500 ca đột quỵ, trong đó có 2.000 trường hợp tử vong và đến 90% bị tàn tật do di chứng của đột quỵ. Thời gian vận chuyển, bệnh nhân không tiếp cận được bệnh viện có điều kiện xử trí đột quỵ trong khoảng thời gian vàng và thiếu các chuyên gia đột quỵ là những yếu tố khiến tỷ lệ tử vong cao.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được các chuyên gia cập nhật tại “Hội nghị Nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ giai đoạn cấp cứu trước viện” được tổ chức vào cuối tuần qua tại An Giang.

Buổi hội nghị quy tụ các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, Bệnh viện Nhân dân 115… về báo cáo cùng lãnh đạo Sở Y tế và các bệnh viện, trạm y tế trong địa bàn đến tham dự.
 
 
Ngoài các bài báo cáo từ chuyên gia đến từ TPHCM, Cần Thơ, hội nghị còn thu hút đông đảo nhân viên y tế từ bệnh viện, trạm y tế, hội chữ thập đỏ... tham dự
 
An Giang: Bị đột quỵ nhanh chóng gọi đến số 0296 3910 115

Bác sĩ Trịnh Hữu Thọ - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết hiện tỉnh đang xây dựng đề án thí điểm mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng tại Long Xuân, Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới.

Lợi thế mà tỉnh An Giang đang sở hữu là hệ thống xe chuyển bệnh từ thiện có hơn 150 chiếc rải đều ở các phường, xã, riêng 4 địa phương đang triển khai đã có đến 40 chiếc. Nếu biết tận dụng, kết nối, cơ hội sống cho bệnh nhân sẽ cao hơn, bởi người bị đột quỵ cần phải hỏa tốc cấp cứu xử lý trong thời gian vàng.

Để xây dựng được mạng lưới cấp cứu đột quỵ cần rất nhiều yếu tố. Khi đã có được phương tiện vận chuyển bệnh nhân đột quỵ đúng cách, điều cần hoàn thiện là tìm được bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ, đẩy cao công tác giáo dục truyền thông sức khỏe cho người dân trong cộng đồng…

Ngành y tế An Giang xúc tiến thành lập các đơn vị đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Khu vực tỉnh An Giang và sẽ có đơn vị can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Tim mạch.
 
 
Phó giám đốc Sở y tế An Giang - bác sĩ Trịnh Hữu Thọ cho biết, đề án đang triển khai tại tỉnh sẽ giúp tăng tỷ lệ phát hiện sớm và chuyển viện kịp thời, từ đó sẽ giảm tử vong và giảm di chứng do đột quỵ cho bệnh nhân
 
Theo ông Thọ, khi một người có dấu hiệu yếu, liệt, nói khó, rối loạn thị giác, đau đầu, chóng mặt cần nhanh chóng gọi đến số 0296 3910 115 để được hỗ trợ về y tế.

Nếu ngay khi phát hiện được xử trí đúng cách, bệnh nhân sẽ chỉ mất khoảng 1-2 giờ để đến Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang để được làm các xét nghiệm, hình ảnh học, phân loại đột quỵ và tiến hành điều trị tiêm rtpA nếu cần thiết. Trong những trường hợp khó cần can thiệp mạch máu não, bệnh viện sẽ nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) mà chỉ cần thêm tối đa là 1,5 giờ di chuyển, vẫn kịp trong thời gian vàng. Hoặc liên hệ đến Bệnh viện Nhân dân 115 để được hỗ trợ về chuyên môn.

Đột quỵ, khi nào cần can thiệp nội mạch?
 
 
TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ về kinh nghiệm điều trị đột quỵ cũng như những thành công ban đầu của Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ
 
Tham gia báo cáo tại hội nghị, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S cho biết, can thiệp nội mạch đóng vai trò quan trọng nhất định trong xử lý nhồi máu não, đặc biệt là bệnh lý ở các mạch máu lớn.

Đa số người dân châu Á, yếu tố nguy cơ của động mạch nội sọ cũng như bệnh lý mạch máu lớn rất cao, chủ yếu về bệnh lý xơ vữa, yếu tố gen, di truyền… Tại Thái Lan, theo thống kê trong những trường hợp đột quỵ có đến 30% liên quan đến mạch máu lớn.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp. Với những trường hợp bị hẹp động mạch cảnh dưới 50%, kể cả bệnh nhân có triệu chứng thì vẫn nên mạnh dạn điều trị nội khoa.

“Chúng ta chỉ định điều trị can thiệp xâm lấn khi bệnh nhân hẹp trên 70%, có triệu chứng. Hiện có 2 phương pháp điều trị song song, bóc nội mạc và đặt stent đều mang đến kết quả dự phòng tốt hơn cho bệnh nhân trong các trường hợp hẹp lớn các động mạch não.

Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, bệnh nhân có chống chỉ định cho phẫu thuật như bệnh lý suy tim, tiểu đường nặng, quá lớn tuổi không chịu được cuộc gây mê thì bệnh nhân ưu thế nghiêng về can thiệp nội mạch đặt stent, chỉ cần gây tê tại chỗ và thời gian thực hiện trung bình khoảng 1 giờ đồng hồ” - BS Cường cho biết.

Nhóm mạch máu lớn thứ 2 là hẹp nặng tại góc xuất phát của động mạch đốt sống. Đây là phần lớn các nguyên nhân chẩn đoán ở người lớn tuổi liên quan đến chóng mặt, đột nhiên ngã quỵ, mất ý thức thoáng qua… Phương pháp nong bóng, đặt stent là hướng điều trị chủ yếu cho nhóm này.
 
 
"Bàn tay vàng" trong phẫu thuật thần kinh nhận được nhiều thắc mắc của người tham dự hội nghị

Theo BS Cường, đối với đột quỵ cấp trên nền xơ vữa mảng hoặc trường hợp bệnh nhân hẹp động mạch nội sọ, ngoài việc kéo, lấy huyết khối, nong… đôi khi cũng cần dùng đến “vũ khí” mà đang gây rất nhiều tranh cãi đó là đặt stent động mạch nội sọ.

“Đối với hẹp động mạch nội sọ, chỉ những trường hợp bệnh nhân có đường kính mạch máu trên 2mm, mức độ hẹp trên 50%, thậm chí là 70%, 90% và điều trị nội khoa không đáp ứng thì mới cân nhắc can thiệp nội mạch đặt stent, bởi đây là một kỹ thuật rất khó khăn, không khuyến khích làm đại trà vì nguy cơ tử vong rất cao” - BS Cường cho biết.

Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sinh mạng

Dịp này, TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện nhân dân 115 cũng đã chia sẻ một số ý kiến và kinh nghiệm của mình trong điều trị đột quỵ.

Tại bệnh viện nơi ông đang công tác, nếu trước đây thời gian trung bình kể từ khi bệnh nhân vào cổng cấp cứu đến lúc tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rtpA) là 60-70 phút, nhưng hiện tại rút ngắn chỉ còn 43 phút (nhanh hơn hướng dẫn của Tổ chức đột quỵ Thế giới 17 phút).

Thông tin này của ông nhận được sự quan tâm của đông đảo các đồng nghiệp tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang. Bởi tại cơ sở y tế này, thời gian trung bình đang đạt ở mức 67 phút.
 
 
TS.BS Nguyễn Huy Thắng mang đến hội nghị những con số ấn tượng trong cấp cứu, điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115
 
Theo BS Thắng, các đồng nghiệp có thể xem xét lại quy trình cấp cứu đột quỵ còn đang rối chỗ nào thì cần gỡ chỗ đó. Chẳng hạn như ghi lại các mốc thời gian thực hiện quy trình, từ tiếp nhận, thăm khám, chụp hình ảnh đến lúc can thiệp, mỗi khâu cần bao nhiêu phút. Như vậy có thể biết được nên “cắt” được ở đoạn nào để tiết kiệm thời gian hơn.

Có một thực tế là gần như đa số bệnh nhân đột quỵ đều nhập viện trong giai đoạn trễ. Cụ thể, trên tổng số gần 12.000 bệnh nhân đột quỵ (thống kê năm 2018 tại Bệnh viện Nhân dân 115) chỉ có 14,2% bệnh nhân được nhập viện dưới 4,5 giờ từ khi cơn đột quỵ bắt đầu; 9,2% số ca nhập viện từ 4,5 - 6 giờ đồng hồ; gần 80% từ 6 - 24 giờ.

Ông thẳng chắn cho rằng, có một số bệnh viện không có quy trình điều trị đột quỵ nhưng vẫn tiếp nhận, giữ bệnh nhân. Sau đó, nếu có chuyển viện thì cũng chỉ cho bệnh nhân chụp CT Scanner, MRI (cộng hưởng từ)… làm mất giờ vàng, thậm chí là cả giờ bạc (6 giờ), đồng (24 giờ) điều trị cho bệnh nhân.
 
 
"Chi phí điều trị, can thiệp đột quỵ rất lớn, chúng ta không nên dùng số tiền đó để đầu tư vào việc chữa trị mà hãy dùng để tầm soát tìm các nguyên nhân của đột quỵ để dự phòng tốt hơn” - BS Thắng nói.
 
“Trong cấp cứu đột quỵ tiết kiệm thời gian chính là tiết kiệm sinh mạng. Do đó, dù bệnh nhân vào bệnh viện trong thời gian cửa sổ nào thì bác sĩ cũng cần tranh thủ từng giây từng phút. Trong quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, khi tiếp nhận cho người bệnh thở oxy, kiểm tra huyết áp. Tôi nhấn mạnh là kiểm tra chứ không phải kiểm soát huyết áp, trong trường hợp nếu người bệnh đạt mức 220mmHG hoặc có cơn nhồi máu cơ tim… mới cần dùng thuốc hạ áp.

Sau đó đặt 2 đường truyền tĩnh mạch, test glucose nhanh để chẩn đoán phân biệt với tình trạng giả đột quỵ. Cuối cùng, cần liên hệ trước đến bệnh viện muốn chuyển bệnh nhân đến để cơ sở y tế khởi động đơn vị đột quỵ” - TS Thắng chia sẻ.
 
 
Đặc biệt, nhân dịp này Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã gửi tặng hơn 40 chiếc đồng hồ do bệnh viện tự thiết kế, thể hiện được quy trình cấp cứu chuẩn quốc tế đang thực hiện tại bệnh viện.

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X