Hotline 24/7
08983-08983

Chết vì tự chữa bệnh dại

Có nhiều trường hợp bị chó dại cắn đã tử vong do chữa theo các "bài thuốc" dân gian. Theo thống kê, tại châu Á, cứ 15 phút có một bệnh nhân chết vì bệnh dại.

Dùng lá cây, đất sét... lấy nọc?

Thấy con chó lạ chạy vào nhà đuổi cắn gà, anh Ng.M.H. (25 tuổi, Hớn Quản, Bình Phước) bắt trói và bị chó cắn vào bàn tay phải. Anh H. đã đến trạm y tế xã để tiêm vắc-xin dại và được nhân viên y tế hướng dẫn phải lên huyện để chích huyết thanh kháng dại hữu hiệu hơn. Thế nhưng, thay vì đến trung tâm y tế dự phòng huyện, anh H. lại chạy xe sang nhà thầy lang N. gần nhà để... đuổi vi-rút dại ra khỏi cơ thể. Ông N. đã dùng loại cây mọc hoang trong rừng có tên dân gian là cây phèn đen, hái lá đập nhuyễn, lấy nước cho anh H. uống, rồi dùng bã lá để đắp vào chỗ chó cắn. Gần hai tháng sau, anh H. lên cơn dại với biểu hiện: mệt mỏi, chán ăn, sốt, liệt đường hô hấp, chảy đàm nhớt, yếu tứ chi, không uống nước được và đến ngày 19/3 đã tử vong.

Tương tự, em Lê Thị Ngọc N. (14 tuổi, ngụ ở U Minh Thượng, Kiên Giang) cũng tử vong sau gần bốn tháng bị chó cắn vì chữa bệnh bằng "bài thuốc" dân gian. Cuối năm 2012, Ngọc N. bị chó cắn hai vết vào khuỷu cánh tay phải. Gia đình của em N. không đưa em đi chích ngừa mà nhờ một cụ bà 70 tuổi gần xóm... lấy nọc bằng cách đắp đất sét. Đến đầu tháng 3/2013, em N. lên cơn dại với biểu hiện chán ăn, nhức đầu, vết thương do chó cắn bị ngứa.

Một trong những nguyên nhân khiến thầy lang được người dân tin tưởng vì có những trường hợp bị chó không mắc bệnh dại cắn, nên khi điều trị bằng các phương pháp dân gian thì người bệnh không phát bệnh, tử vong nên họ nghĩ những bài thuốc đó điều trị được bệnh dại.

Nhiều người trong cùng làng bị chó dại cắn (Ảnh tư liệu chụp tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM)

Tiêm ngừa ngay sau khi chó cắn

PGS-TS-BS Cao Minh Nga, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: "Thời tiết nóng bức của mùa hè là điều kiện thuận lợi để bệnh dại gia tăng. Riêng châu Á mỗi năm có trên 30.000 ca tử vong, chiếm 50% tổng số ca bệnh của thế giới". Con người bị lây truyền bệnh dại chủ yếu qua vết cắn, vết liếm của chó, mèo... mắc bệnh dại.

Bệnh dại là một bệnh viêm não, tủy cấp tính gây ra do vi-rút. Khi vào cơ thể, vi-rút dại tấn công hệ thần kinh trung ương và đi khắp cơ thể. Vi-rút dại có ở nước bọt, nước tiểu, dịch não tủy, nhiều nhất ở não, cuống não, hạch thần kinh, đáy sọ và tiểu não... Thời kỳ ủ bệnh ở người từ 20 - 60 ngày, có thể ngắn hơn hoặc kéo dài đến hàng năm.

Thời gian ủ bệnh ngắn hay dài phụ thuộc vào số lượng vi-rút xâm nhập, vị trí và mức độ tổn thương. Thời kỳ ủ bệnh bùng phát nhanh nếu vết cắn ở gần hệ thần kinh trung ương như: vùng đầu mặt cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục hoặc vết cắn quá sâu... Bệnh biểu hiện ở hai thể: điên cuồng (hung dữ) và bại liệt (câm lặng).

Với thể hung dữ, bệnh nhân sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, sợ mùi lạ, hốt hoảng. Đồng thời, người bệnh rối loạn thần kinh thực vật, co giật, co thắt thanh quản và cơ hô hấp, ngưng tim, ngưng thở. Bệnh tiến triển nhanh khiến bệnh nhân sớm hôn mê, thường tử vong hai-bốn ngày sau khi lên cơn vì bị liệt cơ hô hấp.

Với thể bại liệt, lúc đầu người bệnh có thể đau cột sống, đau nơi bị cắn, liệt chi trên, mất phản xạ gân xương, liệt cơ cổ, mặt, lưỡi, cơ hô hấp... Bệnh nhân ở trường hợp này thường tử vong chậm hơn thể hung dữ.

Khi bị chó cắn, nạn nhân cần xử lý vết thương bằng cách rửa thật kỹ nhiều lần, ít nhất năm phút bằng xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%, bôi cồn 70% sát khuẩn... để giảm tối thiểu lượng vi-rút xâm nhập. Sau đó, đến cơ sở tiêm ngừa bệnh dại. Với những người làm nghề thú y, người chế biến thực phẩm từ thịt chó mèo, phải tiêm vắc-xin ngừa dại để tránh phơi nhiễm. BS Võ Ngọc Quang, Viện Pasteur TP.HCM khuyến cáo: "Nếu để bệnh nhân lên cơn kịch phát thì chắc chắn không cứu được.

Thống kê của Viện Pasteur TP cho thấy, tại khu vực phía Nam trong gần ba năm (2011 - 5/2013) có 21 trường hợp tử vong đều không đi tiêm ngừa sau khi bị chó dại cắn. Khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc-xin theo các báo cáo thử nghiệm lâm sàng là bảo vệ đến 96% sau tiêm ba-năm mũi. Trong khi chi phí chủng ngừa vắc-xin dại khoảng 60.000 - 180.000đ/lần tiêm".

Cứ 15 phút có một người trên thế giới tử vong vì bệnh dại. Những gia đình nuôi chó, mèo cần phải tiêm ngừa dại cho thú. Chó mắc bệnh dại thường có biểu hiện như: trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ một cách miễn cưỡng hoặc tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi, nhảy lên đớp không khí.

Sau thời gian, chó sủa người lạ dữ dội, chỉ cần tiếng động nhẹ cũng sủa kéo dài. Vài ngày sau, chó dại chảy nước dãi, sùi bọt mép, trở nên dữ tợn... Tuy nhiên, cũng có những con chó mắc bệnh dại nhưng không có biểu hiện điên cuồng mà chỉ buồn rầu, nước dãi chảy lòng thòng, con vật không tỏ ra hung hãn.

AloBacsi.vn
Theo Văn Thanh - Phụ nữ online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X