Hotline 24/7
08983-08983

Chế độ luyện tập cho người cao tuổi bị đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 tăng theo tuổi, ở độ tuổi trên 65 chiếm khoảng 18-20%. Tuy nhiên người già bị đái tháo đường cũng có thể sống thêm hàng chục năm sau khi chẩn đoán nếu được chăm sóc điều trị tốt.

Ảnh minh họa.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ thì duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường sẽ có cuộc sống vui khỏe.

Đái tháo đường hiện là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Theo thống kê, cứ 24 giờ lại có 3.600 bệnh nhân đái tháo đường mới được chẩn đoán; cứ 6 giây lại có một người chết vì bệnh đái tháo đường và cứ 20 giây lại có một người phải đoạn chi vì căn bệnh này.

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y Tế, hiện có hơn 5 triệu người mắc bệnh, con số này được dự đoán còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Việc tập thể dục với bệnh nhân đái tháo đường rất cần thiết. Tuy nhiên, người cao tuổi khi vận động cần thận trọng, phải lượng sức mình, tùy tình trạng bệnh lý, sự thích nghi, trạng thái cơ thể mà có thể lựa chọn môn thể dục phù hợp, hoặc đi bộ, tập aerobic... theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cần chú ý rằng sức khỏe của mỗi người mỗi khác, có thể chia các nhóm theo tuổi, giới tính, tình hình luyện tập trước đó. Chương trình luyện tập nên bắt đầu chậm và tăng từ từ, lựa chọn bài tập nên dựa vào sở thích/khả năng/động lực của bệnh nhân.

Có 3 nhóm bài tập để các bệnh nhân đái tháo đường có thể lựa chọn và thay đổi. Đầu tiên là bài tập thể lực như: đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, học nhảy… giúp người bệnh tuần hoàn máu, hỗ trợ tim và xương, giảm stress. Người bệnh tập ít nhất 5 ngày/ tuần và 30 phút/ lần với cường độ vừa phải, có thể chia thành từng bài nhỏ.

Nhóm thứ 2 là những bài tập cơ bắp giúp giảm glucose máu, hỗ trợ xương khớp, cải thiện insulin như: tập tạ, hít đất… Bệnh nhân cần duy trì luyện tập 2 ngày/ tuần, với cường độ vừa phải.

Nhóm thứ 3 là các bài tập co giãn giúp tăng độ linh hoạt ở các khớp, tránh tình trạng chấn thương khi tập như: Yoga, thái cực quyền, khởi động căn bản. Các bài tập này nên kéo dài 5 – 10 phút trước và sau khi luyện tập. Người bệnh nên luyện tập chậm rãi, co giãn vừa phải và cần phải dừng lại nếu thấy đau.

Trong số này, những bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thần kinh ngoại biên lại nên chọn các hoạt động không mang trọng lực như bơi lội, chạy xe đạp, tập tại ghế, tập tay... để giảm cảm giác đau và ngưỡng đau cao hơn có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương da và nhiễm trùng. Với người đái tháo đường mang biến chứng, bệnh nhân cần chống chỉ định các hình thức luyện tập gắng sức. Với bệnh nhân kèm theo bệnh lý võng mạc đái tháo đường thì cần tránh các hoạt động làm tăng huyết áp như cử tạ, tránh các bài tập gắng sức hoặc kéo dài.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo để đảm bảo, trước khi bước vào tập luyện, người đái tháo đường cần được kiểm tra về bệnh lý tim mạch; bệnh mạch máu ngoại biên; khám chân (bao gồm sự lành lặn và biến dạng); bệnh lý thần kinh; bệnh lý võng mạc… Trên cơ sở kiểm tra này bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân lựa chọn bài tập, cường độ tập phù hợp.
Theo Châu Anh - Gia Đình Và Xã Hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X