Hotline 24/7
08983-08983

Chảy nước mũi không chỉ có cảm lạnh mà có thể mắc bệnh nghiêm trọng khác

Những cơn cảm lạnh khó chịu không chỉ là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng sổ mũi. Các yếu tố như dị ứng, xoang hoặc kích ứng dây thần kinh cũng có thể là lý do ảnh hưởng tới sức khỏe mũi.

Sedaghat, phó giáo sư kiêm bác sĩ tai mũi họng tại bệnh viện Eye and Ear Massachusetts ở Boston cho biết, niêm mạc xoang mũi thường tạo ra một lượng chất nhầy nhất định mỗi ngày. Chúng sẽ chảy xuống cổ họng và sau đó bị nuốt chửng.

Thông thường, mọi người ít để ý tới niêm mạc xoang mũi cho tới khi chúng gặp vấn đề. Lượng chất nhầy sản xuất liên tục không chỉ khiến bạn khó chịu mà còn gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về tai mũi họng.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng chảy nước mũi và biện pháp ngăn ngừa:

Chảy nước mũi không chỉ là triệu chứng của cảm lạnh mà có thể do bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí cần phẫu thuật mới hết - Ảnh 1.

Cảm lạnh

Erich Voigt, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ tai mũi họng tại Tổ chức y tế NYU Langone giải thích, khi virus cảm lạnh xâm nhập vào mũi, chúng sẽ bám chặt vào các tế bào và thúc đẩy giải phóng chất cytokine gây viêm.

Cơ thể con người có khả năng tự chống lại virus và viêm nhiễm. Tuy nhiên, chảy nước mũi do viêm nhiễm là tình trạng không thể tránh khỏi. Khi bị cảm lạnh, lượng chất nhầy thường có màu trắng rõ rệt và mang hình dạng giống nước. Các triệu chứng cảm lạnh khác bao gồm hắt hơi, ho, đau họng, chảy nước mắt và đau nhức cơ thể.

Hiện nay, bệnh cảm lạnh thông thường không có biện pháp chữa cụ thể. Vì vậy, cách tốt nhất là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, sử dụng thuốc chống cảm lạnh kèm với thuốc kháng histamin để ngăn ngừa tình trạng chảy nước mũi.

Chảy nước mũi không chỉ là triệu chứng của cảm lạnh mà có thể do bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí cần phẫu thuật mới hết - Ảnh 2.

Viêm xoang mũi

Anthony G. Del Signore, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại Tổ chức Mount Sinai Beth Israel ở New York cho hay, nếu bị sốt, mệt mỏi, ho, ngạt mũi kèm với nước mũi có màu vàng hoặc xanh, bạn có thể đang gặp phải tình trạng viêm xoang mũi. Hiện tượng này thường bắt nguồn từ một loại vi khuẩn có khả năng gây kích ứng, nhiễm trùng và tiết dịch nhầy. Khi bị viêm xoang mũi, người bệnh dễ nhận thấy nước mũi chảy vào cổ họng mỗi khi nuốt.

Vì tình trạng này bắt nguồn từ vi khuẩn nên sử dụng thuốc kháng sinh là việc làm quan trọng góp phần điều trị bệnh. Hơn nữa, một số loại thuốc xịt mũi cũng rất hữu ích trong việc lưu thông đường thở và làm sạch khoang mũi. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn hãy pha nước muối và đổ hỗn hợp này vào bình rửa mũi. Tiến hành làm sạch mũi 1-2 lần với nước muối mỗi ngày sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Chảy nước mũi không chỉ là triệu chứng của cảm lạnh mà có thể do bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí cần phẫu thuật mới hết - Ảnh 3.

Dị ứng

Nước mũi cũng có thể xuất hiện nếu bạn hít phải những chất gây kích thích. Thông thường, các chất này sẽ gây kích ứng, khiến mũi ngứa rát, sưng, hắt hơi và tiết dịch mũi. Chúng làm giải phóng hợp chất histamin, từ đó trực tiếp gây nên các triệu chứng dị ứng khó chịu.

Thuốc kháng histamine có khả năng ngăn chặn các tác động của những hợp chất này tới cơ thể. Sử dụng thuốc xịt steroid cũng là việc làm cần thiết để kiểm soát viêm nhiễm trong khoang mũi và ngăn ngừa tiết nước mũi.

Ngoài ra, mọi người cũng không nên bỏ qua các tác nhân gây dị ứng trong nhà. Hãy tiến hành hút bụi thảm thường xuyên, làm sạch chăn gối và rèm cửa. Đồng thời, tránh để thú cưng trong phòng ngủ nhằm hạn chế các tác nhân gây dị ứng.

Nếu tình trạng chảy nước mũi kéo dài lâu và có chuyển biến nghiêm trọng, bạn hãy đi khám bác sĩ. Đôi khi, chứng dị ứng có thể phát triển thành bệnh viêm xoang mũi.

Chảy nước mũi không chỉ là triệu chứng của cảm lạnh mà có thể do bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí cần phẫu thuật mới hết - Ảnh 4.

Đồ ăn cay

Mũi là bộ phận nhạy cảm nên chúng có thể dễ dàng bị kích thích. Khi bạn tiêu thụ thức ăn cay, một số dây thần kinh trong xoang mũi sẽ chịu tác động và tự sản xuất nhiều chất nhầy. Monika Shirodkar, dược sĩ kiêm bác sĩ Tai Mũi Họng tại Trung tâm y khoa Jefferson Health (Mỹ) cho biết, capsaicin là hợp chất đặc biệt trong ớt cay có khả năng gây bệnh chảy nước mũi và đổ mồ hôi.

Mọi người có thể sử dụng thuốc atrovent để làm dịu các dây thần kinh mũi khi tiêu thụ các loại thực phẩm cay và có mùi hăng.

Chảy nước mắt

Khóc thường gây tiết dịch mũi vì nước mắt sẽ chảy xuống mũi thông qua ống dẫn nước mắt. Xì mũi hoặc hít vào có thể làm sạch nước mắt và chất nhờn dư thừa bám trong họng. Ngoài ra, bạn hãy đi tắm hoặc pha cho mình một cốc cà phê để thư giãn và làm dịu tâm trạng.

Chảy nước mũi không chỉ là triệu chứng của cảm lạnh mà có thể do bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí cần phẫu thuật mới hết - Ảnh 5.

Bệnh polyp mũi

Polyp mũi là những khối u màu vàng phát triển bên trong mũi và xoang. Chúng có tính bám cao, được tạo thành từ các tế bào viêm và có thể dẫn đến tình trạng chảy nước mũi mãn tính. Người mắc bệnh này thường giảm khả năng xác định mùi vị hoặc đôi khi thấy khó thở. Một số tài liệu cho biết bệnh dường như có liên quan đến dị ứng và nhiễm trùng.

Điều đầu tiên bạn cần làm là đến khám bác sĩ. Theo Andy Ahuja, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại Houston, các polyp nhỏ và lành tính đôi khi có thể được điều trị bằng thuốc steroid. Tuy nhiên, nếu chúng phát triển mạnh, gây cản trở đường thở và khả năng phân biệt mùi vị, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Chảy nước mũi không chỉ là triệu chứng của cảm lạnh mà có thể do bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí cần phẫu thuật mới hết - Ảnh 6.

Tập luyện trong thời tiết lạnh

Tập luyện sẽ làm tăng lượng chất nhầy ở mũi và phổi trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này sẽ thúc đẩy viêm nhiễm và gia tăng lưu lượng máu tới các khu vực này hơn. Hơn nữa, tập thể dục trong nhiệt độ thấp càng làm mũi, xoang và phổi dễ bị kích thích do không khí lạnh, khô.

Bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi để ngăn ngừa không khí lạnh tác động tới cơ thể. Đeo khăn quàng cổ khi tập thể dục có thể giúp làm ấm không khí trước khi mũi hít phải. Nếu có điều kiện, hãy hít hơi nước nóng sau khi ra ngoài trời lạnh để khơi thông đường thở và giảm kích ứng.

Theo Heloni

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X