Hotline 24/7
08983-08983

Chất làm đầy trong thẩm mỹ: Hiểu đúng, không rước họa!

Chất làm đầy (filler) là các hoạt chất tổng hợp được dùng để thay thế hoặc tăng thể tích mô bị mất do chấn thương, phẫu thuật, lão hóa da hoặc để cải thiện đường nét thẩm mỹ trên khuôn mặt. Tuy nhiên cũng như các can thiệp khác, mọi thứ phải được thực hiện một cách an toàn, để giảm thiểu biến chứng.

Dù là kỹ thuật y khoa chính thống, song trên thực tế, không ít người vẫn gặp nạn sau khi tiêm chất làm đầy. Nguyên nhân chủ yếu phụ thuộc vào kỹ thuật tiêm, trình độ của bác sĩ và chất lượng của chất làm đầy.

Những tai nạn thương tâm

Cách đây không lâu, một phụ nữ 30 tuổi ở TP.HCM vừa khởi kiện một spa vì biến chứng khi tiêm chất làm đầy (filler) để nâng mũi làm đẹp. Sự cố một năm trước khiến cô bị mù mắt và liệt nửa người. Từ đó mỗi khi ra đường, nạn nhân phải luôn đeo kính đen để che một bên mắt đã bị hoại tử và ngày càng lõm sâu vào trong.Ngoài ra, vùng mỡ và da xung quanh mắt của nạn nhân tụt dần, chảy xệ do khu vực này bị mất đi các mạch máu nuôi dưỡng.

Người bệnh cho biết, người làm thủ thuật tiêm filler khi ấy dùng một cây kim đâm vào sống mũi của cô mà không bôi thuốc tê hay dùng biện pháp gây vô cảm nào. Chỉ vài phút sau, mắt trái của cô mờ dần và không nhìn thấy, người bệnh ngất xỉu, mọi người ở spa đưa đi cấp cứu ở bệnh viện quận.

Chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não gây mù mắt và xuất huyết động mạch ở bán cầu não trái gây liệt nửa người bên phải, các bác sĩ BV.Quận 6 chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Sau đó cô gái được chuyển đến nhiều bệnh viện lớn nhưng các bác sĩ đều kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não, tắc động mạch mắt trái và hư hoại dây thần kinh đáy mắt nên mất hẳn thị lực.

Nguyên nhân là bệnh nhân bị tiêm filler vào động mạch ở mũi, chất lỏng theo máu chảy đến mắt và lên não gây tắc động mạch ở các vùng này.

Ảnh minh họa

Một trường hợp khác, cô gái 18 tuổi đến cấp cứu tại một bệnh viện tại TPHCM với mắt bên phải đau nhức, sưng to không mở được, sụp mi, mắt không nhìn thấy. Các hiện tượng này xuất hiện sau khi cô được tiêm filler (chất làm đầy) nâng mũi.

Bác sĩ đánh giá mắt bên phải bệnh nhân đã mất thị lực, khó hồi phục về bình thường. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Sau điều trị, mắt cô gái đã giảm phù nề, giảm viêm, đang theo dõi nguy cơ hoại tử da vùng mũi.

Cô gái 18 tuổi cho biết bạn trai không phải là bác sĩ, tự học tiêm filler ở một cơ sở và mua về tiêm để nâng mũi cho cô. Sau khi xảy ra sự cố, anh này tiêm thuốc giải cho cô nhưng không hiệu quả.Các bác sĩ sau đó xác định tình trạng thị lực của mắt đã không còn có thể hồi phục.

Cũng tiêm chất làm đầy để nâng mũi.Khoảng 5 phút sau một phụ nữ 30 tuổi ở quận 4, TPHCM đau nhức dữ dội vùng quanh hốc mắt bên trái, mắt mờ dần.Đau ngày càng tăng nên bệnh nhân được đưa đến bệnh viện quận để điều trị uống thuốc và truyền dịch. Tình trạng ngày càng nặng, bệnh nhân được chuyển nặng đến một bệnh viện khác để điều trị nhưng cũng không thể cứu vãn được mắt.

Chất làm đầy: Không phải ai cũng tiêm được!

Chất làm đầy được bác sĩ Neuber sử dụng lần đầu tiên trong một ca ghép mỡ từ tay vào vùng mặt năm 1893. Đến năm 1940 - 1950, Silicon được sử dụng tuy nhiên gặp phải nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Từ đó đến nay, chất làm đầy đã trải qua quá trình phát triển vượt bậc để đạt được hiệu quả cao và an toàn cho người sử dụng với các sản phẩm nổi bật như Hyaluronic Acid (HA), Calcium Hydroxylapatite (CaHA),…

Chất làm đầy chia làm nhiều loại phụ thuộc vào các yếu tố: vị trí đích của chất làm đầy (thượng bì, trung bì, hạ bì); thời gian tác dụng (tạm thời, bán vĩnh viễn hoặc vĩnh viễn), khả năng kích ứng dị ứng hoặc thành phần cấu tạo của chất làm đầy: tổng hợp, bán tổng hợp, ghép tự thân, ghép cùng loài hay khác loài,… Chất làm đầy lý tưởng là những chất có tương thích sinh học, không gây phản ứng miễn dịch khi đưa vào cơ thể hay bất kì phản ứng bất lợi nào khác, không bị phân giải hấp thu.

Quá trình tiêm chất làm đầy diễn ra nhanh chóng, ít đau (kem tê thường được sử dụng để giảm cảm giác đau), hiệu quả thấy ngay sau khi thực hiện và giữ được từ 6 tháng đến 2 năm (với loại chất làm đầy tạm thời) là ưu điểm vượt trội của việc tiêm chất làm đầy so với các phương pháp trẻ hoá khác.

Biến chứng có thể gặp khi tiêm chất làm đầy bao gồm: bầm tím, sưng nơi tiêm, nổi mụn, đỏ da, châm chích, tắc mạch máu, áp xe, hoại tử vùng tiêm...

Gần đây báo chí đưa tin nhiều trường hợp biến chứng nặng với chất làm đầy. Đặc điểm chung của những trường hợp này là được thực hiện ở những cơ sở không được cấp phép và bởi những người không có chuyên môn. Có những trường hợp những “bác sĩ tay ngang” này mới chỉ học hết lớp 9, được đào tạo qua 1 khóa tiêm chất làm đầy của các “trung tâm đào tạo tiêm chất làm đầy cấp tốc” kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ là có thể ngang nhiên thực hiện trên người của khách hàng.

Sẽ không quá lạ lẫm khi chúng ta lướt facebook và thấy nhiều hotboy, hotgirl chuyển sang nghề tiêm chích filler lúc nào không hay.

Tiêm chất làm đầy an toàn và hiệu quả

- Chỉ định đúng:

Chất làm đầy được thực hiện cho các trường hợp tạo hình khuôn như: độn cằm, nâng mũi, tạo hình viền hàm,… hoặc làm đầy vùng thiếu thể tích như rãnh mũi má, rãnh miệng, hõm thái dương, hốc mắt, làm đầy môi, xoá nếp nhăn,… Bên cạnh đó chất làm đầy còn được sử dụng trong việc nâng mặt chảy xệ và tiêm dưới da phục vụ cho nhu cần trẻ hóa (áp dụng đối với các sản phẩm chứa Hyaluronic Acid không có liên kết chéo). Việc xác định đúng chỉ định là yếu tố tiên quyết để tiêm chất làm đầy đạt hiệu quả.

- Sản phẩm chất lượng:

Nguồn gốc của chất làm đầy khá đa dạng, giá thành có thể giao động khá lớn từ vài trăm ngàn đồng/1ml cho tới vài triệu đồng/1ml. Hiện tại trên thị trường xuất hiện nhiều chất làm đầy không rõ nguồn gốc xuất xứ và kém chất lượng là một hiểm họa khôn lường cho người sử dụng.

- Tay nghề bác sĩ:

Để thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy, bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này. Bác sĩ phải nắm rõ giải phẫu của từng vùng cần điều trị, thuộc đường đi của các thần kinh, mạch máu để tránh tối đa việc xuất hiện biến chứng.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo vô khuẩn trong qua trình thực hiện cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh gây nhiễm trùng cho khách hàng sau khi tiêm chất làm đầy.

Đơn vị thực hiện phải được cấp phép bởi cơ quan quản lý y tế (sở y tế).

- Bác sĩ phải kiểm tra kỹ các chống chỉ định khi tiêm chất làm đầy:

Chất làm đầy hiện nay tương đối an toàn, tuy nhiên vẫn có các chống chỉ định thực hiện: dị ứng với chất làm đầy, vùng điều trị có mô liên kết bất thường bên dưới hoặc vùng trị liệu đang chấn thương, nhiễm trùng,…

Do vậy để thực hiện tiêm chất làm đầy cần có sự tham vấn kĩ càng bởi bác sĩ được đào tạo chuyên môn nhằm hạn chế rủi ro gặp phải.

Luôn luôn có sẵn chất đối kháng (thuốc giải) khi thực hiện tiêm chất làm đầy.

Hiện nay việc tiêm chất làm đầy khá phổ biến với nhiều mức giá khác nhau. Người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín để bảo về sức khỏe, tính mạng của bản thân cũng như đạt được hiệu quả làm đẹp cao nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X