Hotline 24/7
08983-08983

Chào mừng PGS.BS Trần Thị Mộng Hiệp tham gia tư vấn về "thận và tiết niệu nhi”

Nhận lời mời của AloBacsi, PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp, nguyên trưởng khoa Thận-tiết niệu, BV Nhi đồng 2 tư vấn "Các bệnh lý về thận và tiết niệu nhi".

Sau buổi tư vấn trực tuyến của ThS.BS Phạm Ngọc Thạch về bệnh lý tiết niệu bẩm sinh, Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi và Phòng khám Đa khoa Bảo Ngọc tiếp tục mời PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp giải đáp các thắc mắc về: “Các bệnh lý về thận và tiết niệu nhi”.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp là nguyên trưởng khoa Thận - tiết niệu, BV Nhi đồng 2 (TPHCM), một bác sĩ giàu kinh nghiệm và điều trị chuyên sâu bệnh lý về Thận và nội tiết ở trẻ em. BS Hiệp sẽ chia sẻ những kiến thức bổ ích giúp bạn đọc biết được thận của con mình có khỏe không? Phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ở trẻ như thế nào? Làm cách nào để phát hiện sớm bệnh thận và tiết niệu ở trẻ…


PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp, nguyên trưởng khoa Thận - nội tiết, BV Nhi đồng 2 (TPHCM)
Buổi tư vấn trực tuyến diễn ra vào 9g - 11g sáng thứ bảy, 4/6:

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

Bạn đọc Kim Khoi - thicoi…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Cháu phát hiện ra bé bị giãn đài bể thận lúc gần 6 tháng tại Viện Nhi trung ương, BS khám ghi là giãn đài bể thận trái ĐK trước sau 15mm nhưng không chỉ định gì chỉ bảo về theo dõi.

Đến ngày hôm qua cháu cho bé tái khám, BS cho siêu âm và thử máu. Kết quả siêu âm là đài bể thận giãn ~12 mm niệu quản không giãn, không có sỏi, BS bảo cháu bị thể nhẹ nếu giãn thận ở mức 20 mm thì mới phẫu thuật, còn hiện tại thì cháu không sao về theo dõi 6 tháng sau khám lại cũng thử máu và siêu âm không cho thuốc uống, chỉ kê thuốc uống Vitamin D và canxi.

Cháu xin được BS tư vấn giúp xem con trai cháu bệnh có gì nguy hiểm không vì cháu thấy có cháu bé 8 tháng tuổi bị giẫn bể thận 14mm thì lại cho thăm khám 2 tháng một lần và còn phải uống thuốc nữa. Trong khi đó con cháu không dùng thuốc gì cả và căn bệnh này có ảnh hưởng tới đường con cái không? Bệnh có thể tư khỏi không và nếu phẫu thuật thì làm khi nào và căn bệnh này có gây đau đớn gì không nó phát bệnh như thế nào. (Lúc 3 tháng tuổi bé nhà cháu mổ thoát vị bẹn 2 bên)

Mong hồi âm của BS.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Bệnh giãn đài bể thận có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, ở trẻ nhỏ thường gặp nhất là trào ngược bàng quang niệu quản. bệnh rất thường gặp ở trẻ em nhưng khi trẻ lớn lên, hiện tượng này sẽ giảm dần, trong đa số các trường hợp. Tuy nhiên, có một số trường hợp, không giảm và tiến triển nặng hơn.

Do vậy, khi trẻ có giãn đài bể thận, khi được phát hiện trước hoặc sau sinh thì trẻ cần đơực theo dõi tái khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến thế nào.

Trường hợp của con em có sự tiến triển giảm dần của đường kính trước sau, từ 15mm xuống 12mm. Do vậy, cần tái khám tiếp theo dõi tình trạng bệnh.

Hiện tại, trẻ không cần uống thuốc gì cả, chỉ cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ.


Bạn đọc Trần Lệ Uyên - thucm…@yahoo.com

Thưa TS Hiệp,

Con tôi 3 tuổi 5 tháng và đang bị sỏi thận, lúc 18 tháng tuổi con tôi đã mổ lấy 1 viên sỏi trong thận rồi, nay bé được 3 tuổi 7 tháng thì bác sĩ BV Nhi đồng 2 báo là có sỏi tiếp và đề nghị mổ lấy ra tiếp. Gia đình đang phân vân vì bé còn nhỏ và ốm yếu, nếu mổ nữa bé sẽ kiệt sức mất nên gia đình không biết làm thế nào, chẳng lẽ mỗi lần bé bị là phải mổ, làm sao bé chịu nổi, nhưng bé còn nhỏ tại sao cứ bị hoài vậy?

Có cách nào chữa trị cho bé dứt điểm bệnh này không, BV Bình Dân có chữa trị cho bé không? Xin các BS tư vấn giúp em, vì khi phát hiện lần 2 gia đình rất lo lắng nhưng không biết phải làm sao? Mong sớm nhân được tư vấn của BS để bé sớm hết bệnh! Xin chân thành cảm ơn!

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Lệ Uyên,

Bệnh sỏi thận ở trẻ em có nhiều nguyên nhân và đa số do cơ thể không chuyển hóa được một số chất như oxalat, urat, canxi… Tuy nhiên, có một số trường hợp không rõ nguyên nhân. Bé nên đi khám và điều trị tại một bệnh viện có khoa Niệu cho trẻ em để có thể tư vấn, tránh một số thức ăn gây sỏi. Ngoài ra, bé cần uống nhiều nước và giảm lượng muối trong thức ăn.


Bạn đọc Minh Tâm - xuan…@gmail.com

Chào bác sĩ!

Xin hỏi BS: Trẻ bị sỏi thận thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất là gì? Con tôi mới 8 tuổi, tôi cho cháu đi kiểm tra sức khỏe và siêu âm ổ bụng thì phát hiện cháu bị sỏi thận trái KT: 6mm). Cảm ơn BS!

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Minh Tâm,

Bệnh sỏi thận ở trẻ em có nhiều nguyên nhân và đa số do cơ thể không chuyển hóa được một số chất như oxalat, urat, canxi… Tuy nhiên, có một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Về điều trị, nếu kích thước sỏi nhỏ thì chỉ theo dõi, chưa điều trị. Ngoài ra, bé cần uống nhiều nước và giảm lượng muối trong thức ăn, cũng như tránh một số thức ăn tùy theo loại sỏi.

Nếu kích thước lớn thì có thể tán sỏi hoặc phẫu thuật. Nên khám và điều trị tại một bệnh viện có khoa Niệu cho trẻ em để có thể tư vấn và cho hướng dẫn điều trị.

Bạn đọc Anh Tuấn - nguyenanh…@gmail.com

Cháu chào BS !

BS cho cháu hỏi: con cháu năm nay 5 tuổi, cuối năm 2013 phát hiện giãn các đài bể thận là 7mm. BS cho cháu hỏi nên cho con cháu ăn uống như nào để hạn chế giãn đài bể thận. Cháu cho uống các loại thực vật lợi tiểu (như đỗ đen, dâu ngô) có được không? Cháu mong BS giúp đỡ. Mong sự trả lời của BS,

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Anh Tuấn,

Bệnh của cháu được phát hiện năm 2013, em nên cho cháu đi tái khám để xem còn giãn đài bể thận hay không. Chế độ ăn thông thường không làm giảm đài bể thận, ngoại trừ khi trẻ có bất thường thận niệu giai đoạn tiến triển nặng. Em có thể cho bé ăn đỗ đen, râu ngô… Tốt nhất cho bé ăn uống đầy đủ các chất và nên tái khám tại bác sĩ chuyên khoa Thận để có thể tư vấn thêm.

Bạn đọc Phạm Ngọc Hân - Hà Nội

BS cho cháu hỏi là trẻ em có tán sỏi ngoài cơ thể được không ạ? Con nhà cháu 4 tuổi bị sỏi 7 mm gần chỗ nối bể thân với niệu quản. Mong bác tư vấn giùm cháu với ạ.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Ngọc Hân,

Vẫn có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể ở trẻ em và tùy theo kích thước của sỏi mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Em nên cho bé khám bác sĩ chuyên khoa Niệu ở trẻ em để có thể tư vấn và cho hướng dẫn điều trị.

Bạn đọc Ngô Thị Thúy - hngo…@gmail.com

Xin chào BS Hiệp,

Tôi xin phép được BS tư vấn giúp một vấn đề như sau:

Cháu nhà tôi bị giãn đài bể thận bẩm sinh đã được phẫu thuật khi 01 tháng tuổi, đến nay cháu đã được 15 tháng. Đúng ra theo lịch tôi phải cho cháu đến BV Nhi khám định kì nhưng do đường sá quá xa xôi nên BS điều trị cho phép cháu kiểm tra siêu âm ở gần nhà. Nhiều lần cháu đi siêu âm BS ghi kết quả là: Đài bể thận kích thước 41 x 18 mm; Nhu mô 8,6. tiến triển tốt.

Vậy BS cho tôi hỏi thận cháu như vậy được đánh giá như thế nào? Độ giãn bao nhiêu (tôi có hỏi BS khám nhưng có thể do bệnh nhân đông nên BS bảo bây giờ cháu lớn không quan tâm đến độ giãn mà chỉ cần nhu mô thôi). Tôi rất mong BS phân tích giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Bệnh lý giãn đài bể thận đã được phẫu thuật cần được theo dõi tốt nhất tại nơi đã phẫu thuật cho bé vì các bác sĩ nơi này biết rõ hồ sơ bệnh nhân hơn. Bệnh của con em cần được khám, theo dõi tại một đơn vị có chuyên khoa Niệu nhi.

a

Bạn đọc Bảo Ngọc - ngocanh…@gmail.com

Con trai em được 6 tháng tuổi. Em phải làm thế nào để tránh cho bé không bị hẹp bao quy đầu? Em thường cho bé mặc quần xẻ đũng. Điều này có tốt không ạ?
Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc BS sức khỏe!


PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Bảo Ngọc,

Đa số trẻ sinh ra đều bị hẹp bao quy đầu (khoảng 15% trẻ không bị hẹp da quy đầu). Tình trạng này thường kéo dài và tự hết khi trẻ 5 tuổi. Vì vậy nếu bé không khó tiểu, rặn tiểu, không nhiễm trùng tiểu thì em có thể yên tâm.

Việc mặc quần xẻ đũng cũng được, tuy nhiên nên giữ vệ sinh, thay quần thường xuyên khi bồng trẻ ra ngoài. Nên đóng tã (bỉm) vào buổi tối cho trẻ để giữ vệ sinh.

Bạn đọc Thái Kim Loan - TPHCM

Thưa BS,

Con gái tôi 7 tuổi gần đây có biểu hiện chán ăn, chân bị phù nhẹ, ít đi tiểu. Tôi rất lo, có phải cháu bị bệnh về thận không AloBacsi?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Có rất nhiều nguyên nhân gây phù ở trẻ như do tim, gan, dinh dưỡng… Trường hợp của bé có tiểu ít và biếng ăn, em nên cho bé đi khám, thử nước tiểu và tầm soát bất thường nhằm chẩn đoán nguyên nhân để điều trị chính xác hơn


Bạn đọc Trần Hồng Ánh - TPHCM

Chào BS Hiệp,

Con em 3 tuổi, bé bị hẹp bao quy đầu và được nong một lần vào hôm qua. Khi nong có chảy chút máu. Về nhà bé đi tiểu đau rát khiến bé nín tiểu. Xin BS tư vấn bé nín tiểu như thế có sao không? Rất mong nhận được sự tư vấn sớm từ BS, em cảm ơn.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Trong trường hợp của bé, em nên tiếp tục thoa các loại thuốc mà bác sĩ đã cho. Nên tuân thủ điều trị và các triệu chứng sẽ giảm dần. Cần cho trẻ đi tái khám nếu tình trạng nặng hơn mà không thuyên giảm.


Bạn đọc Huynh Lap - ktelap…@gmail.com

Thưa BS,

BS cho em hỏi, con em bị dị tật lỗ tiểu thấp và đã phẫu thuật lần 2 tại BV Nhi Đồng 2 nhưng khi xuất viện về nhà thì cháu đi tiểu thành 2 tia đái. BS cho em như vậy thì xử lý như thế nào? Và có biện pháp khắc phục ngay không ạ?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Sau khi phẫu thuật về nhà cháu tiểu thành 2 tia thì em nên cho bé đi tái khám lại tại BV Nhi đồng 2 để các bác sĩ đã phẫu thuật cho bé khám và tư vấn cho em nhé.


Bạn đọc giấu tên

Thưa BS,

Con trai em 8 tuổi, cháu bị nhiễm trùng tiểu phải điều trị 2 lần rồi ạ. Xin hỏi BS nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng tiểu ở bé trai?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Nhiễm trùng tiểu ở trẻ trai thường do hẹp da quy đầu hoặc một số bất thường đường niệu gây ra. Nếu trẻ bị nhiễm trùng tiểu tái phát, nhất là khi trẻ có sốt đi kèm thì nên cho trẻ đi khám để tầm soát các bất thường đường niệu… Để dự phòng nhiễm trùng tiểu ở bé trai, nên giữ vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu, không cho bé nhịn tiểu và cho bé uống nhiều nước trong ngày.




Bạn đọc Mẹ bé Jan - TPHCM

Con em được 15 tháng tuổi bị hẹp da quy đầu. Bé đi tiểu thường xuyên, tiểu rất ít. Đến bệnh viện thì BS hướng dẫn nong nhưng khi về nhà mỗi ngày làm vệ sinh cho bé, em không thể kéo xuống để vệ sinh được.

Như vậy có cần phải đi cắt da quy đầu cho bé không hay để nong từ từ bé sẽ bình thường khi trưởng thành?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Mẹ bé Jan thân mến,

Đa số trẻ sinh ra đều bị hẹp bao quy đầu (khoảng 15% trẻ không bị hẹp da quy đầu). Tình trạng này thường kéo dài và tự hết khi trẻ 5 tuổi. Trong trường hợp bé tiểu ít, khó tiểu, tiểu rặn thì nên cho bé đi khám bác sĩ Niệu cho trẻ em để quyết định điều trị cho bé.


Bạn đọc Trần Nguyễn Hạnh An - Bình Dương

Con em 35 tháng. 1 năm nay bé khi mắc tiểu đã biết dậy gọi mẹ. Nhưng 1 tháng nay bé ngủ là tiểu trong lúc ngủ, nhiều lúc dậy tiểu xong cũng không gọi mẹ. Có phải tâm lý bé ở tuổi lên 3 không hay bé đã bị bệnh đái dầm?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em Hạnh An,

Trẻ tiểu ban đêm lúc ngủ ở 35 tháng tuổi là bình thường, do não ở trẻ chưa trưởng thành ở lứa tuổi này. Chỉ trong trường hợp bé trên 5 tuổi khám bé hoàn toàn bình thường nhưng bé tiểu trên 2 lần/ tuần và kéo dài trên 6 tháng thì khi đó mới gọi là bệnh đái dầm đơn độc ban đêm.


Bạn đọc Đạt Nguyễn - datkh…@gmail.com

Chào BS!

Con trai em được 5 tuổi, cân nặng 31kg, tuy nhiên chim của cháu không to, bình thường khi sun lại chỉ khoảng 2cm. Khi cháu đi tè thì có dài và to ra chút xíu thôi. Xin BS cho biết tình trạng cháu có như vậy có bình thường không, có cần cho bé đi khám bệnh? Em cám ơn!

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Con trai em được 5 tuổi, cân nặng 31kg thì bé thừa cân và béo phì. Như vậy, lớp mỡ sẽ vùi dương vật của bé nên em thấy khô to. Cần cho bé đi khám để tư vấn giảm cân và khám xem có bất thường khác nào không.


Bạn đọc Hồng Tuyết - Đà Nẵng

Con trai em 7 tháng tuổi nhưng không tiểu đêm. Trước khi ngủ chàu tiểu rất nhiều, em lót tã nhưng thấy khô ráo, sáng dậy cháu mới tiểu lại. BS cho em hỏi như vậy có sao không ạ. Em lo lắm vì cháu còn nhỏ quá.

Cháu đã tập ăn bột mặn, bú sữa ngoài 500ml, cháu vẫn bú mẹ thường xuyên.


PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Hồng Tuyết,

Nếu con trai em tiểu nhiều vào ban ngày và trước khi đi ngủ mà buổi tối thì “khô ráo” thì em an tâm và tiếp tục cho bé bú sữa mẹ, ăn dặm với chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé.

Bạn đọc Trần Thị Thanh - Nam Định

Em chào BS!

Khi em mang thai tuần thứ 25, khi đi siêu âm BS nói bé nhà e bị giãn đài bể thận trái khoảng 22mm. Khi bé được 5.5 tháng, em đi siêu âm lại cho bé thì BS nói bé bị giãn đài bể thận trái 16mm. Em đang lo lắng quá, BS cho em hỏi bé nhà em có phải phẫu thuật không? Phẫu thuật ở BV nào ạ? Hiện bé được 8 tháng rồi ạ.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Bệnh giãn đài bể thận trước sanh thường gặp ở trẻ em và có rất nhiều nguyên nhân. Sau sanh, hiện tượng này đa số giảm dần. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp, không giảm và tiến triển nặng hơn.

Do vậy, khi trẻ có giãn đài bể thận, trẻ cần được theo dõi tái khám thường xuyên để biết diễn tiến thế nào.

Chỉ định phẫu thuật dựa vào diễn tiến của độ giãn đài bể thận. Em nên cho bé đi khám và theo dõi cho bé.


Bạn đọc Trong Nguyen - trongt…@gmail.com

Chào BS!

Con trai em 8 tháng tuổi, mỗi lần bé đi tiểu đều rặn ị hoặc phải rặn cơ bụng nghe và nhìn rõ. Lượng nước tiểu cũng kha khá có lúc thì ít. Em đã cho đi xét nghiệm nước tiểu BV nhi TW tất cả bình thường.

Em đã đi nong bao quy đầu cho bé và hàng ngày. Thụt rửa cháu đều bình thường không đau rát. BS cho em hỏi liệu thận của cháu có vấn đề gì không nếu có thì phải đi khám ở chuyên khoa nào? 1 ngày bé tiểu thế nào thì được gọi là bình thường?

Em xin chân thành cảm ơn.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Thông thường, trẻ 8 tháng thì tiểu 16 - 20 lần/ ngày. Nếu nghi ngờ hẹp bao quy đầu thì nên cho bé đi khám bác sĩ chuyên khoa niệu nhi để khám và điều trị.


Bạn đọc Nguyễn Hùng - Kon Tum

Chào bác sĩ!

Con em được 5 tháng, mỗi lần cháu đi tiểu rất gắt phải rặn mới đi được, cháu bị 1 tháng nay rồi ạ. Vậy cháu bị sao ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em Hùng,

Nếu bé là con trai thì có thể do da quy đầu của con em bị hẹp, nếu con em là con gái thì coi chừng bị nhiễm trùng tiểu. Trong cả 2 trường hợp, cần khám bác sĩ để xác định chẩn đoán và cho hướng điều trị.


Bạn đọc Doan Manh Dat - doan…@gmail.com

Kính gửi BS,

Bé nhà em 2 tuổi đi tiểu khi nước tiểu khô có màu phấn trắng. Em đã cho bé đi khám và làm kết qủa xét nghiệm thì BS bảo không vấn đề gì về kiêng đồ ngọt cho bé là được.

6 tháng nay hễ cho bé ăn dồ ngọt hoa quả hoăc đồ chua vào là bé lai bị đi tiểu khô có màu trắng. Vậy em xin BS tư vấn hộ em. Em chân thành cám ơn BS.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Nước tiểu có màu trắng thường do đọng một số các chất trong nước tiểu như canxi… Do vậy cần xem lại chế độ ăn, uống sữa, thuốc bé dùng và khám bác sĩ để thử nước tiểu.

a


Bạn đọc Trần Quốc Nam - Đồng Nai

Tôi có con trai năm nay 7 tuổi 4 tháng nặng 20kg cháu ăn uống rất kém, tôi có cho cháu đi xét nghiệm máu BS bảo lượng kali là 12.6 tăng gấp đôi. Xin hỏi vì sao lượng kali lại tăng như vậy, cách điều trị như thế nào. Tôi xin chân thành cảm ơn,

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Quốc Nam,

Lượng Kali trong máu là do thận bài tiết ra. Kali tăng có thể do thức ăn quá nhiều Kali như chuối, cam… Nhưng cũng có thể do thận không bài tiết được. Nếu trong trường hợp Kali tăng cao thì cần khám bác sĩ để khám và làm xét nghiệm cho bé.


Bạn đọc Huỳnh Ngọc Hòa - Hà Nội

Thưa BS,

Con trai em được 18 tháng em cho cháu đi siêu âm để kiểm tra sức khỏe ở BV nhi thì được phát hiện có 1 quả thận trái và bên phải không thấy đâu. Mà thỉnh thoảng cháu lại bị sốt nhẹ một hôm thì khỏi.

Vậy BS cho em biết nó có nguy hiểm đến sức khỏe của cháu không và cách chăm sóc cháu như nào cho tốt ạ? Liệu cháu có phát triển bình thường không?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Trong trường hợp bé có 1 thận, nên cho bé uống nước đầy đủ, không dùng thuốc hại cho thận, khi trẻ sốt thì cần khám bác sĩ ngay để loại bỏ nhiễm trùng tiểu đi kèm.

Thông thường, trẻ 1 thận vẫn phát triển bình thường. Khi trẻ đến tuổi trưởng thành, cần giảm lượng muối trong cơ thể, tránh béo phì, thuốc lá… Khi trẻ bị chấn thương, nên báo cho nhân viên y tế là trẻ chỉ có 1 quả thận.


Bạn đọc Châu Thành Truong - Cần Thơ

Thưa BS,

Con gái em 5 tuổi em đưa cháu đi khám thì siêu âm thấy 1 quả thận bên trái còn bên phải thì không thấy, BS chẩn đoán là 1 quả nữa nằm không rõ trong vùng chậu.

Gần đây con em hay kêu đau bụng ăn vào thì hay bị nôn ra. Xin hỏi BS cháu bé như vậy có phải do thận ạ? Bệnh của cháu nên điều trị ở đâu? Cám ơn BS rất nhiều.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Trong trường hợp thận nằm lạc chỗ mà trẻ vẫn phát triển, ăn uống bình thường thì chỉ cần theo dõi mà thôi.

Đau bụng và nôn còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra như các nguyên nhân ở đường Tiêu hóa. Em nên cho bé đi khám bác sĩ để xem bé bị chứng gì nhé.


Bạn đọc Ngoc Phuong - TPHCM

BS cho em hỏi,

Bé nhà em đái nhiều lần vào ban ngày (không 20 lần/ngày) nhưng ban đêm ngủ thì không có đi đái, có khám ở BV Nhi đồng 1. Siêu âm và thử nước tiểuđều bình thường. Có cho uống 5 ngày thuốc, uống hết thuốc vẫn không khỏi(Kaderox 250mg và Emzinc 20mg). Bé được 4 tuổi ạ.

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào Ngoc Phuong,

Trẻ 4 tuổi bình thường có thể đi tiểu 16 – 20 lần/ ngày, tùy theo lượng nước bé uống vào. Cần theo dõi số lần đi tiểu của bé nếu tất cả xét nghiệm đều bình thường.


Bạn đọc Trung Kien - tranpham…@gmail.com

Em có 1 con trai đã được 5,5 tuổi. Lúc vợ mang thai được 5 tháng thì siêu âm phát hiện bé bị thận ứ nước (2 thận). Khi sinh bé được 5 tháng thì tiến hành kiểm tra (xét nghiệm, chụp Xquang UIV, xạ hình thận...) kết luận thận trái bị ứ nước độ 3, thận phải ứ nước độ 2 và bị giãn đài bể thận. Sau đó tiến hành mổ cắm lại niệu quản 2 bên.

Đến nay đã mổ được 5 năm, thường xuyên tái khám định kỳ, chỉ uống thuốc thời gian đầu (khoảng 1 năm rồi không uống thuốc nữa), kết quả: thận phải đã khỏi hoàn toàn, thận trái vẫn giữ nguyên (ứ nước độ 3 và giãn đài bể thận). Mặc dù không hết nhưng không bị nặng thêm.

Vậy cho em hỏi, nếu để tình trạng này kéo dài thì thận trái có bị hư hỏng không, có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé không, có cách nào chữa khỏi hoàn toàn cho bé không? Xin cảm ơn!

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Chào em,

Trong trường hợp này em nên cho bé tái khám Ngoại thận niệu để theo dõi và có hướng can thiệp kịp thời nhé.


Bạn đọc Hương - Hải Phòng

Con gái em 9 tuổi, bịchướng bụng, người phù, hay ốm đau. Khi em đưa bé đi khám thì bé đã bị suy thận giai đoạn cuối. Em thương con và thấy tuyệt vọng quá. BS ơi, ngoài ghép thận, có cách nào cứu con em không?

PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp

Huong thân mến,

Suy thận giai đoạn cuối: lối thoát cuối cùng là ghép thận. Sau ghép thận, chất lượng cuộc sống của bé sẽ tốt hơn và có thể có cuộc sống bình thường. Chúc mọi điều tốt lành đến với bé và gia đình.

a
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp - nguyên trưởng khoa Thận - nội tiết, BV Nhi đồng 2 (TPHCM) và Phòng khám đa khoa Bảo Ngọc đã hỗ trợ nhiệt tình để hoàn thành buổi tư vấn trực tiếp cùng bạn đọc.



AloBacsi.com

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X