Hotline 24/7
08983-08983

Chán nản, lo sợ khi xa nhà, có phải em bị trầm cảm?

Em là sinh viên năm 1, đang trọ học ở TPHCM. Trong lần đầu về thăm nhà, em có cảm giác lo sợ, buồn chán, tưởng chừng như không bao giờ vui lên được nữa...

Chào các BS,

Em là sinh viên năm 1, đang trọ học ở TPHCM. Cách đây 3 tháng, trong lần đầu về thăm nhà, em sợ phải lên TP học tiếp vì môi trường lạ lẫm. Em có cảm giác lo sợ, buồn chán mọi thứ, tưởng chừng như không bao giờ vui lên được nữa, kèm theo đó là tim đập nhanh.

Em lên TP học và đi khám ở khoa tim mạch TT Hòa Hảo, phát hiện bị hở van tim 2 lá 1/4 rồi uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc khoảng một tháng thì em thấy đỡ hơn nhiều vì phần nào cũng dần dần quen với môi trường mới, cảm giác chán nản, lo sợ cũng dần hết. Lần về thăm nhà gần đây, em bị ám ảnh bởi cảm giác như lần đầu, tiếp đó lại thấy chán nản, tuyệt vọng. Em lên mạng tìm hiểu thì thấy bệnh của em giống với trầm cảm.

Có phải em bị bệnh trầm cảm không AloBacsi?Thuốc đã uống: ospen, mipisul, mg B6. Em phải làm sao ạ? Em cần một lời khuyên.


(V. Nhơn, 18 tuổi)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chào em Nhơn,

Những biểu hiện mà em nêu trong thư như cảm giác lo sợ, chán nản, buồn chán mọi thứ, tưởng chừng không thể vui lên được, tim đập nhanh… cho thấy đây là trạng thái lo âu, trầm cảm.

Nếu những biểu hiện này chỉ xảy ra trong lần đầu tiên (trong hoàn cảnh sau khi 3 tháng phải xa nhà trọ học) và sau đó giảm dần rồi trở về bình thường (khi em đã bắt đầu thích nghi dần với cuộc sống mới) thì tình trạng của em có thể chỉ là một rối loạn thích ứng. Nhưng nếu những biểu hiện này chỉ giảm mà không hết hẳn, đồng thời lại xuất hiện trở lại nhiều hơn khi em trở về nhà chơi lần thứ 2 thì có thể đây là bệnh cảnh rối loạn lo âu trầm cảm.

Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của em, cụ thể là việc học hành và các mối quan hệ xã hội, đồng thời có thể dẫn em đến những suy nghĩ và hành vi tiêu cực một cách không kiểm soát (lạm dụng chất gây nghiện, tự gây thương tích cho bản thân, tự tử…).

Muốn cải thiện được tình trạng trên, bệnh cần được điều trị đúng và sớm. Việc điều trị bao gồm sử dụng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu. Để quá trình điều trị hiệu quả, thuốc được chọn phải phù hợp với tình trạng mức độ bệnh lý, thể chất và quan trọng là phải duy trì ở 1 liều thích hợp (có hiệu quả và không có tác dụng phụ) trong một thời gian đủ lâu để tránh tái diễn và tái phát bệnh.

Toàn bộ quá trình điều trị nên được theo dõi chặt chẽ bởi 1 BS chuyên khoa tâm thần. Những thuốc em đang sử dụng có thể giảm bớt các triệu chứng một cách tạm thời nhưng không giải quyết triệt để căn bệnh này.

Do vậy, tốt nhất lúc này em nên đến khám với BS chuyên khoa để được đánh giá chính xác và có phương cách điều trị thích hợp.

Chúc em sớm cải thiện được tình trạng trên!

BS-CK2 Phạm Quỳnh Diệp

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X