Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc trẻ vào mùa đông đúng cách theo lời hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đưa ra những lới khuyên cho cha mẹ để chăm sóc trẻ nhỏ vào mùa đông để con không bị ốm.

Cách chăm sóc trẻ vào mùa đông, phòng tránh bệnh thường gặp

Các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ nước ta đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Tại thời điểm này, trẻ em cần được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cẩn thận, đặc biệt đối với trẻ có tiền sử mắc bệnh suyễn hoặc dị ứng đường hô hấp.

Thời tiết lạnh giá vào mùa đông dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ - Ảnh minh họa: Internet
Thời tiết lạnh giá vào mùa đông dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

BS Trương Hữu Khanh cho biết cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, bú mẹ đầy đủ nhằm nâng cao sức đề kháng, nâng cao khả năng phòng bệnh vào mùa lạnh.

Đối với những trẻ đang bú mẹ, mẹ nên chú ý cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn. Mục đích nhằm đảm bảo có được nguồn sữa chất lượng cho bé, nâng cao sức đề kháng, phòng tránh các bệnh đường hô hấp thông thường.

Khi cho trẻ ra ngoài, nên cho trẻ giữ ấm các bộ phận đầu, cổ, bàn chân. Đặc biệt chú ý không cho trẻ hít không khí lạnh trực tiếp vào phổi.

Cha mẹ nên giữ ấm cơ thể trẻ khi đi ra ngoài - Ảnh minh họa: Internet
Cha mẹ nên giữ ấm cơ thể trẻ khi đi ra ngoài - Ảnh minh họa: Internet

Tắm cho trẻ vào mùa lạnh, cha mẹ cũng cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, nước pha ấm ở nhiệt độ thích hợp. Sau khi tắm xong, cha mẹ chú ý lau khô người trẻ nhanh chóng, thay nhanh quần áo, không đột ngột ra ngoài trời. Thời gian tắm cho trẻ dao động khoảng 5 – 10 phút.

Nếu trẻ đi bơi tại các khu vực hồ bơi công cộng, chỉ nên cho trẻ tắm khi trời ấm và mặc nguyên quần áo, thời gian tắm không quá 30 phút. Nên chọn hồ sạch, lau khô người sau khi trẻ tắm xong, nhỏ mũi, mặt bằng nước muối sinh lý và tắm lại bằng nước sạch. Tốt nhất cha mẹ nên trang bị kiếng và nút tai cho trẻ khi đi bơi.

Ngăn ngừa hiện tượng khô da vào mùa đông cho trẻ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết trẻ em bị khô da mùa đông có thể do bị chàm. Hiện tượng này vào mùa lạnh sẽ phổ biến, chủ yếu xuất hiện trên vùng da mặt.

Tình trạng khô da nặng có thể khiến trẻ bị nứt nẻ da gây chảy máu, khó chịu, khó ăn, khó ngủ. Tắm quá lâu cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khô da ở trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Nhiệt độ nước ấm vừa phải sẽ giúp giữ nhiệt, ngăn ngừa tình trạng khô da vào mùa đông ở trẻ em - Ảnh minh họa: Internet
Nhiệt độ nước ấm vừa phải sẽ giúp giữ nhiệt, ngăn ngừa tình trạng khô da vào mùa đông ở trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, trẻ có dấu hiệu khô da cha mẹ nên tắm nhanh không quá 5 phút. Trời lạnh nên cho trẻ tắm cách ngày. Sau khi tắm nên dùng kem dưỡng ẩm có độ pH trung tính bôi lên mặt và cơ thể trẻ.

Cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại kem dưỡng môi phù hợp dành cho trẻ nhằm hạn chế tình trạng nứt nẻ môi.

Sau khi tắm, cha mẹ nên dùng khăn bông vải mềm lau nhẹ người trẻ, tránh chà xát quá mạnh gây khô da - Ảnh minh họa: Internet
Sau khi tắm, cha mẹ nên dùng khăn bông vải mềm lau nhẹ người trẻ, tránh chà xát quá mạnh gây khô da - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ dùng máy sưởi làm giảm độ ẩm cũng bị khô da, độ ẩm cao cũng gây khô da. Do đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên phụ huynh nên duy trì độ ẩm trong phạm vi ở mức 40 – 60%.

Nếu trẻ thường xuyên gặp các vấn đề về da liễu khi thời tiết chuyển mùa do nhiều nguyên nhân, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để biết cách điều trị và chăm sóc.

Theo Phụ nữ sức khỏe

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X