Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc thân tâm bằng liệu pháp 4T

Có thể chăm sóc thân tâm bằng phương pháp dưỡng sinh theo y học cổ truyền, cụ thể là liệu pháp 4T. Trong đó, T1 là tinh thần - tâm lý - tâm linh; T2 là thực phẩm; T3 là tập dưỡng sinh; T4 là thuốc.

Mỗi con người đều được cấu tạo bởi hai phần: “thân” và “tâm”. Thân là thể xác hữu hình; còn tâm là tinh thần - tâm lý - tâm linh thì vô hình. Một khuynh hướng nổi trội của chúng ta là thường chăm sóc kỹ lưỡng phần thể xác vì nó cụ thể, rõ ràng, thiếu chăm sóc sẽ thấy hậu quả ngay. Còn phần tâm tuy quan trọng nhưng lại trừu tượng nên dễ bị bỏ sót. Vấn đề ở chỗ nếu thiếu chăm sóc tâm sẽ gây ra những rối loạn ảnh hưởng trực tiếp lên thân và ngược lại. Do vậy, cần liên tục chăm sóc cả thân và tâm, tiến đến cân bằng thân - tâm để có cuộc sống an lạc.

Có thể chăm sóc thân tâm bằng phương pháp dưỡng sinh theo y học cổ truyền, cụ thể là liệu pháp 4T. Trong đó, T1 là tinh thần - tâm lý - tâm linh; T2 là thực phẩm; T3 là tập dưỡng sinh; T4 là thuốc.

T1: Tinh thần - Tâm lý - Tâm linh

Đầu tiên, chăm sóc tâm bằng T1. Bản chất tâm là cần yên ổn, do đó, cần hướng về lối sống đơn giản, vị tha.

Vị tha được thể hiện cụ thể qua cách đối nhân xử thế theo quy tắc: tôn trọng, tương trợ, tha thứ, thân thương. Trong đó, yếu tố tôn trọng là cực kỳ quan trọng, cần luôn được thực hiện mọi lúc mọi nơi. Tôn trọng cái gì? Đó là tôn trọng luật lệ xã hội (luật pháp, môi trường, nội quy, sự công bằng), tôn trọng con người (sự riêng tư, tự do cá nhân, chỉ có thể vận động, thuyết phục, dạy dỗ chứ không ép buộc, cưỡng bách). Chỉ có lối sống tôn trọng một cách tự nguyện tự giác thì tâm mới an được.

Còn nói về thân thương, yếu tố thân thương luôn được đề cao, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo. Nhưng nếu chỉ thân thương mà thiếu tôn trọng thì hậu quả nhiều khi cũng vô cùng bi đát, cả người trao gửi sự thân thương lẫn người được thương đều bất an. Thí dụ như cha mẹ rõ ràng là rất thương con cái, nhưng nếu ép buộc con trong vấn đề hôn nhân (do thiếu tôn trọng con cái) thì có thể sẽ gây ra thảm cảnh.

Lối sống vị tha sẽ giúp giải quyết một nguyên nhân gây bất an trong xã hội văn minh hiện tại, đó là stress. Ngừa stress là cần thiết, nhưng nếu như stress xảy ra thì liệu pháp hóa giải stress hữu hiệu chính là tư duy tích cực. Cần nhớ là mỗi hành động, mỗi phản ứng đều là thể hiện của cảm xúc (lo, buồn, giận, sợ, vui, kể cả an bình). Cảm xúc thì xuất phát từ suy nghĩ - tư duy. Hãy nhớ rằng ta có thể không thay đổi được con người hay hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi suy nghĩ, hành động của chính mình. Tư duy tích cực là một cách chăm sóc tâm hiệu quả.

Và như trên đã nói, chăm sóc tâm còn cần hướng tới lối sống đơn giản. Sống càng phức tạp, cầu kỳ thì nguy cơ tâm bất an càng cao. Ngoài ra, tâm còn cần được bồi dưỡng bằng những kiến thức tìm về lối sống bình an, như đọc các cuốn sách về học làm người hay các triết lý Phật giáo.

Cuối cùng, tâm làm việc nhiều thì cũng cần được nghỉ ngơi. Hãy thực hành thiền định. Ngoài tác dụng cho tâm nghỉ ngơi, yên bình, thiền còn giúp phát huy năng lực vô hạn của não bộ con người.

T2: Thực phẩm

Thân mà bị yếu bệnh cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm. Thực phẩm giúp chăm sóc thân. Thực phẩm ngoài ngon còn phải bổ, lành và cân bằng âm dương (axid-kiềm). Lối sống hiện tại thường chỉ chú ý đến ngon chứ ít hiểu biết như thế nào là cân bằng axit-kiềm hay phải ăn như thế nào mới là bổ dưỡng; còn yếu tố lành của thực phẩm thì cũng phó mặc cho nông dân hay thương lái.

Cần nhớ, lành là yếu tố quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày. Cũng giống như xây nhà phải mất ba tháng, còn đập phá nhà thì chỉ cần một ngày, dù cho có ăn ngon, bổ, cân bằng acid-kiềm nhưng thức ăn không lành thì chẳng khác gì là phá nhà!

T3: Tập dưỡng sinh

Sau thực phẩm, thân cần tập dưỡng sinh. Một nguyên tắc bất hủ của y học cổ truyền là “thông bất thống, thống bất thông” (khí huyết lưu thông tốt thì không bệnh, còn đã bệnh thì chắc chắn khí huyết đã bị ứ trệ toàn thân hay một chỗ nào đó). Tập dưỡng sinh giúp khí huyết lưu thông, tăng oxy trong máu, thải CO2 nhiều hơn, nhờ vậy, máu bớt axit, tăng kiềm. Mà theo lý thuyết của Otto Warburg, môi trường máu nếu nhiều oxy và kiềm là điều kiện tốt cho tế bào hoạt động bình thường, tăng sức khỏe và ức chế tế bào ung thư. Ngược lại, nếu máu bị axit, thiếu oxy thì đó là “điều kiện tuyệt vời” cho tế bào ung thư phát triển.

Có nhiều cách tập luyện dưỡng sinh. Kiểu tĩnh như thiền, thư giãn. Kiểu động như luyện võ, tập thể dục nhịp điệu, gym, xoa bóp, luyện thở... Kiểu tĩnh trong động như tập yoga, thái cực quyền... Trên thực tế, tập môn nào cũng được, chỉ cần liên tục mỗi ngày từ 30-60 phút, kết hợp hô hấp sâu và hoàn toàn chú tâm vào các thế tập.

T4: Thuốc

Có thể nói nếu thực hành tốt T1, T2, T3 thì thân và tâm đã được quan tâm chăm sóc đầy đủ, bệnh khó xảy ra. Đó là cách phòng bệnh tích cực nhất, tiến tới “lối sống không bệnh”, nếu có bệnh thì chỉ bệnh nhẹ hoặc cấp tính và được giải quyết bằng T4 (thuốc hoặc không dùng thuốc như xông hơi, châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt...).

Tóm lại, cả thân và tâm phải được chăm sóc đồng thời chứ không bên trọng bên khinh. Khi thân - tâm được cân bằng thì cuộc sống mới chính là an lạc thực sự.
 
Ăn sao cho khỏe...

Chế độ ăn uống để duy trì sức khỏe cần bốn yếu tố: ngon, bổ, lành và cân bằng âm dương.

Về ba yếu tố ngon, bổ, lành thì nên dùng thực phẩm tự nhiên (hữu cơ), thô (toàn phần), tươi, sống.

Riêng về việc cần tiến tới một chế độ ăn quân bình âm dương (axit-kiềm), theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng và lý thuyết Otto Warburg, cơ thể con người (huyết dịch) có tính hơi kiềm là tốt nhất (pH=7,35-7,4). Nếu cơ thể con người có khuynh hướng axit thì hoạt động tế bào kém, các chức năng yếu đi, chất thải khó bài tiết, sự chuyển hóa cũng chậm theo, tăng gánh nặng cho gan, thận, suy giảm sức đề kháng...

Tình trạng axit cũng làm cho cơ thể mau già yếu, dễ mệt mỏi, tâm thần không ổn định. Trong khi đó, phần lớn những thức ăn ngon, hấp dẫn đều mang tính sinh axit, như thịt, lòng đỏ trứng, đường trắng, hóa chất phụ gia thực phẩm...; trái lại, các loại rau, củ, đậu, rong biển, trái cây mang tính sinh kiềm. Cần lưu ý là tình trạng axit cũng thường xuất hiện khi lo lắng thái quá hay lao động quá sức.

Một cách chi tiết hơn trong chế độ ăn uống hàng ngày, xin có vài lưu ý như sau:

- Chế độ ăn thịt: Có nhiều loại đạm động vật không ở dạng đơn thuần mà ở dạng liên hợp như nucleoprotein, lipoprotein..., trong quá trình chuyển hóa sẽ sinh axit, cho ra nhiều sản phẩm độc hại cho cơ thể như urê, axit uric, nitrit, nitrat... Chính lượng nitrit, nitrat cao trong máu sẽ phối hợp với các gốc oxy tự do sẵn có trong cơ thể tạo thành nitrosamin - chất gây ung thư (có nhiều trong thịt nướng-chiên-hun khói). Do đó, đối với người trưởng thành, lượng đạm động vật ở mức 25-30% tổng lượng đạm là thích hợp.

- Chế độ ăn chay: Ăn chay có ưu điểm kiềm hóa máu. Nếu bữa ăn chay được thay gạo trắng bằng gạo lứt, có đậu, mè, nấm thì không sợ thiếu chất đạm và khoáng chất. Đặc biệt, một số nấm ngoài chứa nhiều đạm còn có những hoạt chất chống ung thư (như nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm hầu thủ). Đối với người ăn chay trường thì trong mỗi bữa ăn cần có đủ bốn nhóm: rau-củ-quả, bột-đường, đạm thực vật (đậu, nấm) và dầu thực vật. Ăn gạo lứt muối mè kèm thức ăn chay thì rất tốt cho sức khỏe.

Cần chọn các thức ăn, uống có chứa các vitamin kháng ung (vit A, B, C, E), có khoáng chất chống ung thư (magie, kẽm, germanium, selenium). Nước uống có phẩm chất tốt là khi có chất khoáng với lượng thích hợp, không chất có hại, độ cứng vừa, chứa nhiều oxy, chứa ion bicarbonat, có tính kiềm. Giới hạn dùng nước đá, kem lạnh vì dễ bị rối loạn tiêu hóa, viêm họng.

Về cách ăn, cần nhai kỹ trước khi nuốt. Khi nhai kỹ, thức ăn đã được tiêu hóa một phần và được kiềm hóa một phần nhờ nước bọt. Chính cuộc sống hiện đại đầy khẩn trương khiến người ta thường phải ăn vội vàng, không có thì giờ nhai, chắc chắn ảnh hưởng không tốt đến bộ máy tiêu hóa.

- Chế độ ăn trở về thiên nhiên:

• Kiêng hẳn mỡ động vật (heo, gà, bò).

• Hạn chế ăn thịt (nướng - chiên - hun khói), muối, đường, sữa bò, trứng, hóa chất (phẩm màu, hương-vị thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia...), thực phẩm công nghiệp - đồ hộp.

• Nên ăn thực phẩm hữu cơ-tươi-chưa tinh chế: cơm gạo lứt, rau củ, đậu, nấm, rong tảo biển, trái cây, tỏi, hành tím, rau thơm, mè đen; uống đủ nước khoáng kiềm, nước trà xanh, nước trái cây, nước gạo lứt rang, nước đậu đen, sữa đậu nành tươi (mới nấu).

• Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể 1-4 đợt/năm, từ 1-3 ngày/đợt.


 Theo ThS Quan Vân Hùng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X