Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc người già: Mô hình Tây học ta

Nhân loại ngày càng lụ khụ, vì không chỉ thế giới thứ nhất có xu thế đẻ ít đi và thọ lâu thêm. Đột nhiên mọi hệ thống an sinh xã hội, nhất là bảo hiểm hưu trí quen dựa trên những tính toán cách đây nửa thế kỷ, trở nên đáng ngờ. Người ta bắt đầu hối hận vì đã có thời dè bỉu cấu trúc tam đại đồng đường của những nước phương Đông.

Ảnh: Lize Prins

Cái rủi trong cái may

Tính toán của Liên Hiệp Quốc cho thấy dân số thế giới sẽ liên tục tăng trong mấy thập kỷ tới để đạt đỉnh điểm 9,8 tỉ người vào năm 2050, sau đó đồ thị sẽ đổi hướng đi xuống. Cũng dễ hiểu thôi: cuộc sống vật chất khá lên với thời gian, ngày càng nhiều người được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn nên sẽ sống lâu hơn, đó là điều đáng mừng.

Nhưng mức sống cao hơn cũng khiến việc sinh nhiều con hòng có chỗ nương cậy tuổi già không còn hấp dẫn. Đó là một trong những kết luận cốt yếu từ thống kê nói trên. Quan trọng nhất không phải là có bao nhiêu người sống trên quả đất này, mà năm 2050 chính là thời điểm số người già (trên 60 tuổi) sẽ vượt số người trẻ (dưới 15).

Hiện tại số người già toàn cầu là 630 triệu, cứ theo đà tăng tuổi thọ và bớt sinh sản như hôm nay thì lượng người già vào năm 2050 là 2 tỉ, chiếm 1/5 dân số.

Dĩ nhiên đó chỉ là con số tuyệt đối, chứ sự phát triển ấy không đồng đều. Tiến bộ trong y học và an ninh lương thực sẽ khiến gia tốc tăng tuổi thọ tại các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á cao gấp 4 lần so với Tây Âu vốn đã phồn vinh (cũng phải nói thêm, thảm họa HIV/AIDS ở châu Phi cũng là nhân tố đáng kể, vì nó chủ yếu giết chết người trẻ).

Song các nước đang phát triển phải đối mặt với một hệ quả khác: người già chủ yếu sống ở vùng nông thôn, trong khi người trẻ đổ xô ra thành phố vì lý do kinh tế, nói cách khác là các nước nghèo sẵn lại thiếu hụt lao động để sản xuất lương thực thực phẩm. Bác sĩ Go Harlem Brundtland - cựu tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - tóm gọn ý đó trong công thức: “Các nước công nghiệp giàu rồi mới già, còn các nước đang phát triển già rồi mới giàu”.

Nói cái rủi hay lồng vào cái may là vậy. Thuở các Cristoforo Colombo rẽ sóng đi tìm bờ cõi mới, châu Âu được mặc định là cựu thế giới. Tình cờ trong đa số ngôn ngữ châu Âu, cựu cũng có nghĩa là già, và chưa bao giờ lục địa châu Âu già như hôm nay. Và tỉ lệ già/trẻ lệch lạc ấy đem lại nhiều hệ lụy, chỉ xét riêng về quỹ hưu trí là đủ thấy sốt vó.

Lật kèo bất đắc dĩ

Ở Đức từ 1957 có khái niệm Generationsvertrag (khế ước giữa các thế hệ) để chỉ tình trạng người đi làm đóng bảo hiểm nuôi người về hưu, đồng thời mua được quyền lĩnh lương hưu khi hết tuổi lao động. Luật không cho phép quỹ bảo hiểm xã hội đem tiền quỹ đi đầu tư mạo hiểm, do đó số tiền đóng vào cũng xấp xỉ khoản chi ra.

Năm 1962 cứ một người lĩnh tiền già thì có 6 người đi làm để trích tiền đóng bảo hiểm hưu - tức là khá xông xênh, 10 năm sau còn 4, và hôm nay chỉ có 2 người nuôi quỹ bảo hiểm cho một cụ về hưu đủ sống!

Kết quả là một số quốc gia châu Âu đang rục rịch bước vào lộ trình tăng dần tuổi hưu, đang từ 60-65 lên 65-67 nếu không muốn vỡ quỹ. Bất kể biện pháp đó có kết quả ra sao, không ai dám dùng cụm từ “khế ước thế hệ” nữa. Nhiều nhà nghiên cứu dân số tin rằng sau năm 2030, sẽ phải tiến dần đến ngưỡng tuổi 70 mới được lĩnh tiền già.

Ở Đức, quốc gia được coi là có hệ thống an sinh xã hội khá cao, hàng trăm ngàn người về hưu đi làm thêm, đa phần là vài tiếng mỗi ngày. Nhiều người thích thế, những người khác bắt buộc phải thế.

Bà Maria Watt, 65 tuổi, mỗi ngày làm vệ sinh tầng 28 và nửa tầng 30 ngôi nhà chọc trời của Ngân hàng Deutsche Bank tại Frankfurt, tổng cộng khoảng 1.000 thước vuông. Đồng hồ báo thức của bà réo rắt lúc 3 giờ sáng. Sau bữa sáng bà ra khỏi nhà để kiếm thêm 400 euro mỗi tháng, vì lương hưu 634 euro không cho phép bà đi nhà hát hoặc sở thú, kỳ nghỉ mát của bà cũng đều đặn diễn ra ngoài bancông nhà, chứ không phải bên bờ Địa Trung Hải.

Bà thuộc vào đội quân khoảng 760.000 người hưu trí làm thêm để có cuộc sống tạm gọi là đầy đủ. Theo tờ Sueddeutsche Zeitung, con số ấy tăng gấp đôi so với năm 2000, và ít nhất 120.000 người trong diện này đã qua tuổi 75.

Xã hội càng nhiều người già thì đến lúc nào đó phải nghiêm túc đặt vấn đề chăm sóc người già, khi quỹ bảo hiểm xã hội không thể cáng đáng được nữa. Từ 1-1-1995, Đức bắt buộc người đi làm phải đóng thêm một khoản gọi là bảo hiểm điều dưỡng, bởi quỹ bảo hiểm y tế rõ ràng đã kiệt sức. Loại bảo hiểm này dần xuất hiện ở các nước châu Âu khác, dù còn rất nhiều chênh lệch về quy mô cũng như cấp tài chính.

Ở quy mô châu lục, công tác điều dưỡng dài hạn dựa nhiều vào các hình thức phi chính thống, tức là không phải do nhà nước đảm nhiệm. Gia đình, họ hàng, mạng lưới xã hội đóng vai trò quan trọng. Nhà nước biết, nhưng không thể đảm đương được hết các yêu cầu đặt ra và cũng không thể có đủ nhân lực chuyên nghiệp, dù đã vơ vét cả từ các nước dư thừa lao động như Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc, Đông Âu...

Do đó, người ta nhắm mắt trước những ôsin bán chuyên. Các quốc gia Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy... đảm đương lĩnh vực này khá hơn. Ireland, Anh, Úc tổ chức rất tốt hình thức hỗn hợp công tư. Như ở nhiều lĩnh vực xã hội, nhà thờ Kitô đóng vai trò đặc biệt quan trọng, họ có hệ thống nhà trẻ, bệnh viện và nhà dưỡng lão riêng, cáng đáng phần nào cho xã hội và nhà nước.

Không thể không nhắc đến một sự chuyển đổi tư duy của châu Âu. Ở một giai đoạn nhất định, người Âu dạy con tự lập sớm, và đủ tuổi là cho con cái ra ở riêng. Lối sống này có nhiều mặt tích cực vì tránh được các đụng chạm thế hệ, song đã đến lúc cũng phải nhìn thấy mặt trái.

Nhiều thế hệ lớn lên không được nghe ông bà kể chuyện cổ tích trước khi đi ngủ, cuộc sống công nghiệp tất bật khiến con nít phải dậy từ 5 giờ sáng để còn đi nhà trẻ cho bố mẹ đi làm, người già sống quạnh hiu và chiều đến đi dạo cùng con chó, thay vì được quây quần bên con cháu.

Những năm gần đây ở châu Âu, người ta nhận ra xu hướng người già không thích vào nhà dưỡng lão như trước, tiếc rằng nhiều nước quá bất ngờ và chưa kịp đưa ra chiến lược mới để củng cố trào lưu này, trừ vài quốc gia có tiềm lực kinh tế như Đức, Pháp, Anh, Luxemburg, Đan Mạch. Các nước Nam Âu và Đông Âu thì sẵn có truyền thống chăm sóc người già ở nhà. Hungary, Latvia và Litva còn đưa vào luật để điều tiết trách nhiệm của gia đình. Thụy Sĩ, Phần Lan, Ireland và Anh hỗ trợ tài chính thẳng cho cá nhân trực tiếp chăm sóc người già.

Tam đại đồng đường

Khái niệm an sinh xã hội còn chưa có trong từ điển tiếng Việt thì xã hội Việt Nam từ ngàn đời đã tự hình thành hệ thống bảo hiểm của mình. Người ta đẻ nhiều con để lấy nhân lực và làm nguồn sống khi cao tuổi. Cũng khó có lựa chọn khác khi phần đông dân số ở nông thôn và không có bảo hiểm xã hội. Một cách rất trực tiếp, xã hội Việt Nam chỉ biết đến những gia đình chung sống giữa ông bà, cha mẹ, cháu chắt.

Tình hình ở thế giới thứ ba cũng tương tự, thậm chí ngay cả ở khu vực Nam Âu, Nam Mỹ. Sự tách bạch đại gia đình thành các đơn vị riêng biệt là một bước hợp lý ở một giai đoạn phát triển, song ít nhất là hôm nay đang có một tư duy mới.

Thoạt tiên cũng rất tiện: lúc nào cũng có người ở nhà trông con khi bố mẹ đi làm thêm giờ, đi xem phim..., hoặc nhận bưu kiện gửi đến trong giờ hành chính. Ông bà với kinh nghiệm sống của mình thường có tác động tích cực đến giáo dục trẻ em, không bị coi là thừa hay vô dụng.

Liên quan đến vấn đề sức khỏe người cao tuổi, trẻ em sớm được giáo dục về trách nhiệm với gia đình và xã hội. Thực ra đây là phương thức sống mang tính lịch sử và truyền thống, và có lẽ tự nhiên hơn, bởi con người xuất phát là một động vật bầy đàn, chứ không phải loài sống đơn lẻ.

Cuộc sống chung dĩ nhiên có mặt trái của nó, nhưng bù lại người ta học được tinh thần bao dung, chia sẻ, bỏ bớt cái tôi ngày càng xấu xí. Không chỉ ở thế giới thứ ba, ngày xưa khắp nơi, các thế hệ đều ở chung dưới một mái nhà, cho đến khi cuộc sống khá lên và dần dần mỗi người vươn tới một khoảnh “giang sơn” riêng. Người độc thân, vợ chồng có hay không có con, cha mẹ độc thân nuôi con, người già ở riêng...

Ở Đức trung bình trong mỗi nhà có 2,03 người! Cổng thông tin bất động sản immonet.de mới đây có cuộc thăm dò dư luận và nhận được 2.800 thư trả lời. 36% hoàn toàn có thể hình dung ra các lợi thế khi ở trong một ngôi nhà với nhiều lứa tuổi khác nhau. “Một ngôi nhà với ba thế hệ có nhiều mặt tích cực, người trẻ và người già học hỏi lẫn nhau và cũng hỗ trợ nhau”.

Đó là kinh nghiệm của ông Jürgen Dawo, sáng lập viên tập đoàn xây nhà Town & Country Haus với doanh số đứng đầu nước Đức từ thương hiệu nhà cao cấp. Người già ở nhà nhiều, giảm tải áp lực cho các con đang đi làm và góp tay trông cháu, làm vườn, thay vì cô đơn trước tivi.

Tuyên chiến với “nhà tập thể cho người già”

Ở Marienrachdorf (Đức) có một nông trại của gia đình nông dân Guido Pusch. Ngoài ra, còn 14 cụ hưu trí. Họ sống hạnh phúc giữa đám gia súc và giúp một tay, tùy sức lực, thay vì vào một nhà dưỡng lão và đợi người phục vụ. Không chỉ trên đất Đức, ở Đan Mạch và Hà Lan đã có nhiều mô hình kiểu này.

Các chuyên gia tin rằng môi trường này giúp người cao tuổi vẫn sống năng động được dài hơn. Mỗi người trả 1.600 euro/tháng cho Pusch, trong đó 450 euro là tiền nhà, khoản còn lại dành cho việc chăm sóc 24/7. Cũng nhờ nguồn thu nhập này, nông trại có thể tiếp tục tồn tại mà không cần phải chuyển sang nuôi gia súc kiểu công nghiệp. Pusch hứa, không ai phải rời bỏ nơi này khi già yếu: họ sẽ được chăm sóc đến ngày cuối cùng.


Theo Lê Quang - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X