Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc cơ bản

Chăm sóc cơ bản là chăm sóc trực tiếp, toàn diện ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên...

1. ĐẠI CƯƠNG

1.1. Định nghĩa

Chăm sóc cơ bản là chăm sóc trực tiếp, toàn diện ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, khi vào viện, trong suốt thời gian nằm viện, tới khi ra viện cho từng cá nhân, bệnh nhân và do người điều dưỡng đảm nhận.

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, những người làm công tác chăm sóc như điều dưỡng, bác sỹ, hộ lý… luôn tìm cách để thời gian tiếp xúc với bệnh nhân được nhiều nhất, để chăm sóc y tế cho họ được tốt nhất. Vào những năm 1950 - 1960, các tổ, nhóm, điều dưỡng có vai trò nhất định trong chăm sóc bệnh nhân. Từ những năm 1970, hình thành khái niệm “chăm sóc cơ bản”, việc áp dụng mô hình chăm sóc này vào thực tế đã làm hiệu quả chăm sóc tăng lên một cách đáng kể. Đồng thời, xuất hiện thêm nhiều mô hình chăm sóc để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho bệnh nhân, người dân và cộng đồng.

1.2. Đặc điểm chăm sóc cơ bản

- Điều dưỡng là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

- Người điều dưỡng chịu trách nhiệm về chất lượng chăm sóc trong suốt 24/24 giờ, trong thời gian bệnh nhân nằm viện và mọi vấn đề liên quan đến bệnh nhân.

- Các mối quan hệ với nhân viên y tế khác do người điều dưỡng thiết lập, đồng thời các nhân viên y tế khác cũng có trách nhiệm trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

- Chăm sóc cơ bản cho phép người điều dưỡng phát huy được chức năng chủ động và chức năng phối hợp trong thực hành chăm sóc.

1.3. Nhiệm vụ của điều dưỡng trong chăm sóc cơ bản

Nguồn nhân lực của bệnh viện, khoa, nhu cầu của bệnh nhân, số lượng bệnh nhân chi phối hoạt động chăm sóc của điều dưỡng. Bình thường, 1 điều dưỡng có thể trực tiếp chăm sóc từ 4 - 10 bệnh nhân, tốt nhất là 1 điều dưỡng chăm sóc 3 - 4 bệnh nhân. Trường hợp đặc biệt, 1 điều dưỡng chỉ chăm sóc 1 bệnh nhân như với bệnh nhân khoa hồi sức tích cực, bệnh nhân sau mổ ghép tạng, mổ tim… cần nhiều điều dưỡng chăm sóc hơn. Tuy nhiên, với mỗi bệnh nhân cụ thể, điều dưỡng có các nhiệm vụ sau:

- Tiếp xúc với bệnh nhân ngay sau khi nhập viện, nhận định được các nhu cầu của bệnh nhân để lập kế hoạch chăm sóc nhằm đáp ứng thoả mãn các nhu cầu đó.

- Phối hợp với bác sỹ điều trị, chủ động chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ.

- Tiếp xúc với thân nhân bệnh nhân để tạo điều kiện cho họ tham gia vào kế hoạch chăm sóc.

- Phải nhận định lại tình trạng bệnh nhân để đánh giá kết quả chăm sóc.

- Khi điều dưỡng vắng mặt, phải bàn giao cho điều dưỡng thay thế chăm sóc bệnh nhân.

- Có trách nhiệm hướng dẫn khi bệnh nhân ra viện, vận chuyển bệnh nhân, bàn giao, cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh tặt cho gia đình, cơ quan y tế để tiếp tục theo dõi.

2. NỘI DUNG CÁC THÀNH PHẦN CHĂM SÓC CƠ BẢN

Theo Virginia Henderson, có 14 nội dung chăm sóc chăm sóc cơ bản.

2.1. Đáp ứng các nhu cầu về hô hấp

Bệnh nhân được hít thở không khí trong sạch, buồng bệnh thoáng mát, đủ oxy. Tư thế nghỉ ngơi thích hợp, đảm bảo lưu thông đường thở, chống ùn tắc đờm rãi, nếu cần phải cho thở oxy, thở máy. Trung bình mỗi giờ con người tiêu thụ 25 lít oxy. Đáp ứng thoả mãn các nhu cầu về hô hấp cho bệnh nhân là hành động đầu tiên, quan trọng nhất của mọi nhân viên y tế.

2.2. Giúp đỡ bệnh nhân về ăn uống, dinh dưỡng

Người trưởng thành cần 40ml nước/kg trọng lượng cơ thể, trẻ em có nhu cầu về nước tăng từ 2 - 2,6 lần so với người lớn.

Dinh dưỡng đủ cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đủ 2000 - 3000kcal/ngày, đủ lượng protid, gluxit, lipid và các chất khoáng, sinh tố, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn theo chế độ bệnh lý. Khi có chỉ định ăn uống thực hiện qua ống thông dạ dày, truyền dịch dinh dưỡng.

2.3. Giúp đỡ bệnh nhân trong bài tiết

Quá trình bài tiết qua đường tiết niệu, hô hấp, tiêu hoá, da xảy ra liên tục hàng giờ, hàng ngày. Khi có chỉ định cần thông tiểu, thụt tháo, chăm sóc tốt các trường hợp bệnh nặng nằm viện nhiều ngày. Theo dõi, nhận định số lượng, tính chất phân, nước tiểu, chất nôn, đờm, mồ hôi… của bệnh nhân trong ngày để kịp thời điều chỉnh quá trình bài tiết.

2.4. Giúp đỡ bệnh nhân về tư thế, vận động và luyện tập

Hầu hết bệnh nhân đều có khó khăn trong vận động, điều dưỡng hỗ trợ họ vận động nhẹ nhàng, dần dần; vận động, thay đổi tư thế phù hợp với tình trạng bệnh lý; giúp bệnh nhân trong quá trình di chuyển trong buồng bệnh cũng như khi chuyển khoa, đi làm xét nghiệm, làm thủ thuật, phẫu thuật.

Vận động luyện tập để phòng chống loét, phục hồi di chứng, chống teo cơ cứng khớp, chống dính ở bệnh nhân sau phẫu thuật.

2.5. Đáp ứng nhu cầu ngủ và nghỉ ngơi

- Tạo giấc ngủ thoải mái, hợp lý theo lứa tuổi.

- Trẻ sơ sinh cần ngủ 20 - 22 giờ/ngày.

- Người già cần ngủ 4 - 6 giờ/ngày.

- Người trưởng thành cần ngủ 7 - 8 giờ/ngày.

- Thời gian ngủ và nghỉ ngơi cũng cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sứckhoẻ.

2.6. Giúp bệnh nhân mặc và thay quần áo

Quần áo sạch, gọn, đẹp phù hợp với từng mặt bệnh, với phong tục tập quán. Có kế hoạch thay quần áo định kỳ, giúp đỡ bệnh nhân nặng, người già, trẻ em trong việc mặc, thay quần áo.

2.7. Giúp bệnh nhân duy trì thân nhiệt


Đảm bảo đủ quần áo ấm, đủ chăn khi nằm viện vào mùa đông, thoán mát vào mùa hè. Khi có tăng hoặc giảm thân nhiệt, có biểu hiện bệnh lý cần phải theo dõi và xử trí kịp thời. Cùng với mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ cơ thể là những dấu hiệu sinh tồn, duy trì chức năng sống của bệnh nhân.

2.8. Giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân hàng ngày

Vệ sinh răng miệng hàng ngày giúp bệnh nhân ăn ngon miệng, phòng chống viêm răng lợi, lưỡi, chống ùn tắc đờm rãi. Vệ sinh thân thể giúp bài tiết qua da được tốt, giúp bệnh nhân tắm khi cần thiết đảm bảo đủ nước dùng, có nước nóng trong mùa đông. Điều dưỡng cần giúp bệnh nhân nặng, bất động về đại tiểu tiện hàng ngày.

2.9. Giúp bệnh nhân tránh được mọi nguy hiểm trong khi nằm viện

Bảo đảm an toàn về thân thể và tài sản, đề phòng lây chéo, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống. Ngăn ngừa phòng tránh các tai biến, biến chứng trong chăm sóc và điều trị.

2.10. Giúp bệnh nhân trong giao tiếp

Chủ yếu là giao tiếp bằng lời với thái độ ân cần, cởi mở, chân tình. Bệnh nhân nặng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em thường gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Điều dưỡng cần biết những khó khăn của bệnh nhân trong giao tiếp để giúp đỡ họ hàng ngày.

2.11. Giúp bệnh nhân thoải mái về tinh thần và tự do tín ngưỡng


Khuyên nhủ bệnh nhân yên tâm điều trị, tin tưởng vào chuyên môn, không quá lo lắng về bệnh tật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của bệnh nhân, tạo môi trường chăm sóc thích hợp.

2.12. Giúp bệnh nhân lao động, tránh mặc cảm là người vô dụng


Lao động cũng là nhu cầu của con người: lao động chân tay, lao động trí óc. Bệnh nhân có thể tham gia vào vệ sinh cải tạo môi trường bệnh viện, khoa phòng, đọc sách, tài liệu trong chừng mực nhất định để tránh mặc cảm là người vô dụng.

2.13. Giúp bệnh nhân trong các hoạt động vui chơi, giải trí

Bệnh viện có những hoạt động văn hóa xã hội, tổ chức cho bệnh nhân tham gia, có nhận xét khen thưởng và khuyến khích bệnh nhân xây dựng chương trình giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao. Tạo điềukiện để bệnh nhân đọc báo, nghe đài, xem vô tuyến truyền hình.

2.14. Giúp bệnh nhân có kiến thức về y học

Bệnh nhân quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, cách điều trị bệnh và phòng tránh. Một số bệnh nhân tìm kiếm tài liệu để tìm hiểu các đặc điểm lâm sàng của bệnh cũng như các phương pháp chăm sóc, điều trị. Điều dưỡng có nhiệm vụ giúp bệnh nhân hiểu biết về các nội dung cơ bản của bệnh tật cũng như cách chăm sóc điều trị bệnh, tiên lượng bệnh để bệnh nhân giảm bớt lo lắng, yên tâm, tin tưởng vào chuyên môn, vào cách chữa bệnh của bệnh viện.

Biết được các thành phần của chăm sóc cơ bản sẽ lập được kế hoạch chính xác trong chăm sóc bệnh nhân. Tại các tuyến điều trị các bác sỹ cũng cần nắm chắc các thành phần chăm sóc cơ bản để có kế hoạch điều trị, chăm sóc hợp lý, phối hợp với điều dưỡng, giúp bệnh nhân hồi phục sức khoẻ một cách nhanh nhất.

3. CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TẠI BỆNH VIỆN

Chăm sóc bệnh nhân nói chung được chia thành: chăm sóc trực tiếp và chăm sóc gián tiếp.

- Chăm sóc trực tiếp: là những công việc mà người điều dưỡng thực hiện trước sự có mặt của bệnh nhân.

- Chăm sóc gián tiếp: là các công việc hành chính, giấy tờ, giao ban, lĩnh thuốc phục vụ cho chăm sóc bệnh nhân.

Chế độ chăm sóc bệnh nhân phụ thuộc vào số lượng bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân, yêu cầu chăm sóc trên từng bệnh nhân cụ thể và chịu ảnh hưởng của các yếu tố như thời tiết, thời vụ, địa lý, phương tiện giao thông… Để việc chăm sóc được thuận lợi và hiệu quả, chế độ chăm được phân cấp theo tình trạng nặng, nhẹ của bệnh nhân.

3.1. Chăm sóc cấp I

Chăm sóc cấp I gồm những bệnh nhân nặng có yêu cầu chăm sóc, theo dõi, điều trị thường xuyên, liên tục: bệnh nhân suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, bệnh nhân hôn mê, bệnh nhân sau phẫu thuật lớn, bệnh nhân chấn thương, vết thương sọ não, bệnh nhân cấp cứu nội khoa như chảy máu đường tiêu hoá, đột quỵ, mổ tim, ghép tạng…

Thời gian chăm sóc trực tiếp trung bình cho mỗi bệnh nhân là 4 giờ/ngày.

3.2. Chăm sóc cấp II

Chăm sóc cấp II gồm những bệnh nhân có yêu cầu chăm sóc ở mức trung bình, bệnh nhân cần đến sự hỗ trợ của người điều dưỡng trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản như các bệnh nhân cần uống thuốc, tiêm, truyền trước mổ, bệnh nhân qua giai đoạn cấp tính…

Thời gian chăm sóc trực tiếp trung bình cho mỗi bệnh nhân là 2 giờ/ngày.

3.3. Chăm sóc cấp III

Chăm sóc cấp III gồm những bệnh nhân nhẹ, tự đáp ứng được nhu cầu cho bản thân đòi hỏi việc điều trị theo dõi ở mức tối thiểu.

Thời gian chăm sóc trực tiếp cho mỗi bệnh nhân là 1,5 giờ/ngày.

Thời gian chăm sóc gián tiếp không phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân và tương đối ổn định với mọi bệnh nhân, thời gian chăm sóc gián tiếp trung bình cho mỗi bệnh nhân là 30 phút/ngày.

Việc phân cấp chế độ chăm sóc giúp cho người quản lý, điều hành cân đối nhân lực điều dưỡng làm việc hàng ngày, biết được khối lượng công việc để phân công điều dưỡng làm việc hợp lý, tránh chồng chéo, tránh bỏ sót các công việc trong khoa.

Nguyên tắc chăm sóc cơ bản là đề cao vai trò chăm sóc của người điều dưỡng và xác định vị trí của người điều dưỡng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ. Để việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân có hiệu quả thì các bác sỹ, điều dưỡng cần thực hiện đúng các nội dung chăm sóc cơ bản, tức là phải nắm vững nhu cầu cơ bản của con người, biết cách đáp ứng nhằm thoả mãn nhu cầu của bệnh nhân, bằng các kỹ thuật điều dưỡng cơ bản và chuyên khoa cho từng bệnh nhân cụ thể.

Theo Bệnh viện Quân y 103

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X