Hotline 24/7
08983-08983

Chăm người già có quá khó?

Vì sao người già luôn đổi tính đổi nết khiến những người chăm sóc mất kiên nhẫn? Câu trả lời có lẽ khá phức tạp.

Cham nguoi gia co qua kho?
Ảnh: Shutterstock

Vì sao người già luôn đổi tính đổi nết khiến những người chăm sóc mất kiên nhẫn? Câu trả lời khá phức tạp, nhưng có lẽ lý do lớn nhất xuất phát từ những suy giảm có tính tự nhiên khi con người bước vào đoạn cuối đường đời.

Có thể liệt kê dưới đây một danh sách các vấn đề về sức khỏe của người già:

- Suy giảm chức năng của toàn bộ hệ thống sinh học: Hoạt động của tim yếu đi vì phải vất vả bơm máu cho cơ thể. Cơ và xương trở nên yếu và không còn linh hoạt, dẫn đến việc đi lại và làm việc khó khăn.

Hệ tiêu hóa và hệ bài tiết thường xuyên trục trặc, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và giấc ngủ của người già. Giảm sút khả năng và hứng thú sinh hoạt tình dục…

- Suy giảm chức năng nhận thức: Cùng với các vấn đề về thính giác và thị giác, khả năng suy nghĩ và ghi nhớ chậm, khó khăn hơn. Quá trình xử lý thông tin không rành mạch như trước; và có thể có các bệnh đặc biệt về trí nhớ như chứng hay quên.

- Các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần: Gia tăng nguy cơ bị trầm cảm và âu lo; dễ bị tổn thương; dễ buồn chán và thất vọng, nhất là khi cảm thấy mình vô dụng; mất dần các mối quan hệ xã hội…

Với những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực trong hầu hết các chức năng sinh học và tâm thần như trên, chúng ta có thể hiểu hẳn người già đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Họ cũng sẽ có những nhu cầu đặc biệt hơn so với thời còn sung sức.

Những người chăm sóc (con, cháu) nếu không hiểu hoặc đơn giản là không thích ứng được với những nhu cầu của người già, sẽ nhận thấy họ trở nên "trái tính trái nết".

Tuy vậy, chính người già lại không hề nhận thấy những hành vi hay lời nói của mình là khác thường. Nhiều người già trở nên mất hoặc giảm sút đáng kể khả năng kiểm soát hay xử lý được các vấn đề khó khăn của mình, nhất là đối với những người thiếu cơ hội hoặc không đủ các điều kiện cần thiết để chăm lo cho đời sống cá nhân.

Những người già có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế và cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ tốt hơn rất nhiều so với những người không có cơ hội hoặc điều kiện.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi con cháu không thông hiểu hoặc không có điều kiện để thường xuyên ở bên người già.

Lúc ấy, người già có thể rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng, cảm thấy mình vô dụng, nhất là khi con cháu không dành nhiều thời gian thăm hỏi hoặc có những thể hiện tiêu cực như càu nhàu, hỗn hào.

Ngoài ra, cũng phải kể đến cảm nhận của người già về thành quả cuộc đời của mình. Rất nhiều người cảm thấy mình là người thất bại trong cuộc sống và từ đó có thể trở nên dễ bất mãn hoặc chán nản, liên tục chửi bới cuộc đời hoặc chê trách con cháu khi nhìn thấy con cháu không chấp nhận những lời răn dạy của mình nữa.

Mặc dù không thể hứa hẹn được một giải pháp thần kỳ nào có thể giúp cho người già trở nên "dễ thương", tuy vậy những gợi ý dưới đây sẽ phần nào giúp cho những người chăm sóc thấy "dễ thở" hơn, đồng thời giúp gia tăng chất lượng sống của người già:

- Tìm hiểu kỹ về các vấn đề liên quan đến sự giảm sút sức khỏe thể lý và tâm lý của người già và giúp họ tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc càng sớm càng tốt, càng chất lượng càng tốt.

- Tạo cơ hội để người già tham gia vào các hoạt động cộng đồng hoặc các hoạt động có tính đồng đẳng với những người già khác. Con cháu rất có thể nghĩ rằng khi già thì nhu cầu sẽ giảm hoặc không còn, tuy nhiên các nghiên cứu về tâm lý học cho thấy những nhu cầu của người già không hề giảm đi mà chỉ tiếp tục với một hình dạng khác hoặc đặc biệt hơn.

Những nhu cầu về một cuộc sống vui tươi, nhu cầu về các mối quan hệ xã hội, nhu cầu được quan tâm yêu thương, nhu cầu về quyền lực… vẫn không hề thay đổi.

- Giúp người già có cơ hội để theo đuổi các sở thích. Điều này giúp người già gia tăng niềm vui và sự phấn khởi trong cuộc sống.

Tạo cho người già có cơ hội và không gian để thực hiện được những công việc có ý nghĩa đối với cuộc sống và giá trị của họ, chẳng hạn về thăm quê, thăm bạn bè, tham gia các hội đoàn, câu lạc bộ, tập thể dục, và các hoạt động có tính trí tuệ khác như viết lách, chơi trò chơi đố chữ, tập đàn hoặc một môn nghệ thuật bất kỳ theo ý thích.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất, năng lượng và bổ sung vitamin, canxi. Tránh ăn thức ăn có quá nhiều đường hoặc ăn vặt các món ăn không đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.

- Giữ một không gian yên tĩnh, an toàn và thuận tiện cho sự nghỉ ngơi và sinh hoạt của người già, chẳng hạn có thể tạo sự thuận tiện cho người già khi phải đi vệ sinh nhiều lần hơn trong đêm.

- Tăng cường việc thăm hỏi, nói chuyện và bàn bạc công việc với người già. Điều này giúp người già cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng và có ích.

- Tạo cơ hội để người già có thể chăm sóc thú nuôi, cây cảnh. Một con vật nuôi có thể bầu bạn với người già rất tốt. Việc đi dạo cùng chú cún là bài thể dục hiệu quả vô cùng và cũng là cách rất hay để gặp gỡ người khác.

Theo Ngô Minh Uy - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X