Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ thường xuyên cãi vã, xô xát: "ám ảnh" tuổi thơ con dữ dội

Cha mẹ thường xuyên cải vã ấu đả nhau trong một thời gian dài sẽ để lại dấu ấn bạo lực sâu đậm trong đầu con trẻ. Dần dần, trẻ sẽ xem chuyện giải quyết các mâu thuẫn bằng bạo lực là chuyện bình thường.

“Con không hề biết tình cảm gia đình ấm áp là như thế nào. Suốt ngày con phải chứng kiến những và trận cãi vã xô xát của ba với mẹ. Và bao giờ cũng vậy, trong khi mẹ vật vã khóc than thì ba đùng đùng bỏ đi có khi một buổi, có khi một ngày, cũng có khi cả tuần liền. Ba bỏ đi, bao nhiêu bực tức, oán giận, mẹ đều trút hết lên đầu con. Những trận đòn nhừ tử thường trực không biết nguyên nhân là nỗi sợ hãi, ám lấy con. Hạnh phúc nhất với con là khoảng thời gian ở trường, được vui chơi, chạy nhảy, có bạn bè, không phải hồi hộp phập phồng lúc nào sẽ hứng những trận mưa roi ngẫu hứng của mẹ”.

Mỗi ngày trôi qua trong gia đình tôi là một ngày của mặt trận không bình yên. Nhẹ nhất là lời qua tiếng lại. Căng hơn một chút là cãi vã. Cao trào là xô xát

Đó là tâm sự của một cô bé 13 tuổi trong một lần gọi cho tôi. Nhiều năm làm công việc chuyên môn của mình, tôi từng được nghe không biết bao nhiêu là câu chuyện kể với nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng lần này câu chuyện của cô bé mang đến cho tôi một cảm xúc thật sự khác biệt bởi vì nó giống hệt câu chuyện thời thơ ấu của tôi.

Trong thực tế, không ít trẻ em phải sống trong ngôi nhà mà ở đó, cha mẹ chúng thường xuyên bất hòa, gây gổ, cãi vã thậm chí xô xát nhau.

Sau này lớn lên, tôi mới biết ba mẹ tôi là sự kết hợp bị lỗi của tạo hóa. Hai người không hề trùng khớp nhau về bất cứ một điểm nào từ nếp sống, gia phong, đến tính cách, sở thích…

Mẹ tôi tuy không sắc nước hương trời nhưng đó là một người phụ nữ tài hoa, tinh thông cầm kỳ thi họa, bà sinh ra và lớn lên ở thành phố. Trong khi ba tôi là anh nhà quê chân chỉ hạt bột, thô vụng và kém cõi.

Những thứ mẹ tôi cần là sự tinh tế, hiểu biết, chia sẻ và nhẹ nhàng thì cha tôi không có. Những thứ cha tôi cần là sự thực tế, đơn giản, dễ hiểu, xuề xòa thì mẹ tôi không đáp ứng được.

Giữa hai người là một sợi dây. Mẹ cố níu cha lên, cha cố níu mẹ xuống. Cái tôi và sĩ diện của hai người mạnh đến nỗi sợi dây căng ra và đứt luôn. Thế là, họ tung hê hết thảy.

Mỗi ngày trôi qua trong gia đình tôi là một ngày của mặt trận không bình yên. Nhẹ nhất là lời qua tiếng lại. Căng hơn một chút là cãi vã. Cao trào là xô xát (nói là xô xát chứ toàn mẹ tôi bị ăn đòn).

Quãng thời gian hai anh em tôi sống trong cái cảnh khủng khiếp ấy phải tính bằng con số chục năm. Cho đến khi anh trai tôi lên thành phố học đại học, tôi mới hết cấp hai và quyết tâm thi đỗ bằng được vào trường chuyên của tỉnh để được ra khỏi nhà.


Cha mẹ thường xuyên cãi vã, xô xát là nỗi ám ảnh tuổi thơ dữ dội của bất kỳ một đứa trẻ nào.

Benjamin Bloom, một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ trong một nghiên cứu trên hơn 1.000 trẻ đã nêu ra các thay đổi tâm lý của những đứa trẻ khi chứng kiến sự mâu thuẫn của bố mẹ.

Nổi rõ hơn hết là sự lo lắng, buồn rầu và cảm giác cô đơn, mất tự tin, trở nên hung hăng… Nhiều trường hợp trẻ dần chuyển thành tự kỷ, trốn tránh ít giao tiếp, xa cách cuộc sống.

Cũng theo Benjamin Bloom, ở ngưỡng tâm lý cực đoan nhất, thậm chí trẻ có xu hướng tìm đến cái chết để mong muốn giải thoát hoặc mong muốn thức tỉnh bố mẹ. Đây là hệ lụy đau lòng nhất của việc bố mẹ thường xuyên cãi vã, xô xát nhau trước mặt con cái.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý các bậc phụ huynh về những ảnh hưởng phổ biến mà đại đa số trẻ có cha mẹ hay cãi vã xô xát nhau mắc phải khi trong quá trình hình thành tính cách của chúng. Đó là:

Trẻ luôn có cảm giác sợ hãi bất an khi chứng kiến cha mẹ gây gổ, đánh nhau từ đó hình thành ở trẻ những cảm xúc tiêu cực.

Trẻ trở nên yếu đuối thậm chí nhát gan vì luôn phải chứng kiến vẻ mặt dữ tợn của bố mẹ, thường xuyên nghe những âm thanh gào thét và những ngôn từ thô tục, cay nghiệt của họ.

Trẻ dễ tự ti, xấu hổ với bạn bè lối xóm, ngại có bạn trai/bạn gái thậm chí ngại cả chuyện yêu. Trẻ trưởng thành trong một gia đình bất hòa sẽ khó hòa nhập với xã hội và không có cơ hội tiến xa trong sự nghiệp.

Trẻ dễ trở nên nóng nảy. Tính khí nóng nảy của trẻ do ảnh hưởng từ việc bất hòa thường xuyên của bố mẹ. Khi bố mẹ không thể nói chuyện với nhau một cách từ tốn, thì làm sao có thể nuôi dạy một đứa trẻ có thể ăn nói dịu dàng mềm mõng với mọi người?

Tóm lại, cha mẹ thường xuyên cải vã ấu đả nhau trong một thời gian dài sẽ để lại dấu ấn bạo lực sâu đậm trong đầu con trẻ. Dần dần, trẻ sẽ xem chuyện giải quyết các mâu thuẫn bằng bạo lực là chuyện bình thường. Trẻ dùng bạo lực để tạo sự chú ý, để khẳng định mình. Trẻ càng chứng kiến cảnh bạo lực, càng bị đòn nhiều càng dễ hành xử bạo lực với người khác. Sau này lớn lên, trẻ cũng sẽ hành xử với vợ/ chồng, con cái giống như vậy.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X