Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ cần chú ý gì khi trẻ mắc bệnh sởi?

Theo số liệu liệu trên được cung cấp bởi Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến thời điểm ngày 28/11/2018, toàn thành phố đã có 521 ca nhập viện do dịch sởi bùng phát mạnh, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Sởi là căn bệnh thường gặp, rất dễ tạo thành dịch và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Thời gian gần đây, dịch sởi hiện tại đang có xu hướng gia tăng.

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), các dấu hiệu của bệnh sởi ban đầu rât dễ nhầm với triệu chứng sốt phát ban thông thường. Trẻ sốt phát ban thông thường sẽ phát ban sau khi giảm sốt, ban nổi đồng loạt và sau khi bay thường sẽ không có dấu tích gì.

Vậy cha mẹ cần làm gì để phòng ngừa và điều trị bệnh, giúp con không gặp nguy hiểm?

Bệnh sởi là gì?

Như chúng ta đã biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Virus này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy, kiến thức về bệnh sởi là điều mà ai cũng cần phải nắm được để tránh gặp nguy hiểm, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Nguyên nhân gây bệnh sởi

Nguyên nhân gây bệnh sởi là do một loại virus thuộc nhóm paramyxovirus tác động. Loại virus sởi này thường tồn tại ở hầu họng và máu của người bệnh từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến sau khi phát ban.

Sởi thường gặp ở trẻ nhỏ và dễ gây nên biến chứng nguy hiểm

Bệnh sởi lây qua đường nào?

Sởi là bệnh lây truyền từ người sang người. Khi virus sởi đã xâm nhập được vào cơ thể con người, chúng sẽ nhanh chóng sinh sôi, nảy nở tại vòm họng và trong phổi trước khi lan ra toàn bộ cơ thể. Con đường lây nhiễm của bệnh sởi chủ yếu qua:
- Lây truyền qua đường hô hấp;

- Lây truyền trực tiếp khi nói chuyện với người bệnh. Trong quá trình giao tiếp, dịch tiết nước bọt từ mũi, miệng,… của người bệnh bắn ra hoặc ho hay hắt hơi,… khiến bạn dễ dàng hít phải mà không hề hay biết.

- Bệnh sởi có thể lây nhiễm khi bạn tiếp xúc tay mình với bề mặt có nguồn bệnh, sau đó vô tình đưa tay lên miệng hoặc mũi. Virus sởi có thể tồn tại ở môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ.

Giai đoạn lây nhiễm sởi xảy ra khoảng từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể tạo thành đại dịch. Một người mắc sởi có thể lây truyền cho khoảng 20 người khác.

Triệu chứng bệnh sởi

Khi trẻ nhiễm virus sởi, ở từng giai đoạn cụ thể, chúng sẽ có những biểu hiện tương ứng. Cụ thể như sau:

- Giai đoạn ủ bệnh: 10 -12 ngày, trẻ thường có biểu hiện hơi mệt, biếng ăn và biếng chơi.

- Giai đoạn khởi phát: Ở giai đoạn này thường xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn, sốt từ 38,5 đến 40 độ C, trẻ quấy khóc, hắt hơi, sổ mũi, ho khan, dễ bị lả đi…; Khi trẻ ăn vào dễ bị nôn, trớ, tiêu chảy; Xảy ra hiện tượng xuất tiết niêm mạc, mắt có hiện tượng đỏ, phù mí, chảy nước mắt và trẻ rất sợ ánh sáng; Trên mặt bắt đầu nổi hồng ban li ti, chấm trắng, nhỏ.

- Giai đoạn toàn phát: Trẻ sốt cao 39 – 40 độ C không hạ, kèm theo mê sảng, co giật và phát ban rầm rộ. Tại vị trí các ban lúc này có màu đỏ hoặc đỏ tía, cảm giác rát sần, xuất hiện thành từng mảng hình bầu dục, ấn nhẹ các ban có thể chìm đi, sau đó lại nổi lên.

Ở giai đoạn này, dấu hiệu bệnh sởi được chia làm 3 thứ ban mọc:

+ Ngày thứ nhất: Ban sởi mọc ở chân tóc, sau tai, sau gáy, trán, má đầu, mặt, cổ.

+ Ngày thứ hai: Ban mọc tới ngực lưng và hai tay.

+ Ngày thứ ba: Ban mọc xuống bụng và hai chân.

Ban sởi tồn tại hai đến ba ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc, để lại trên da những vết thâm vằn thô ráp. Khi ban lặn, các dấu hiệu lâm sàng khác cũng giảm dần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nếu không can thiệp chữa trị sớm bệnh sẽ tiến triển nặng và trẻ dễ gặp biến chứng nguy hiểm, cần đưa đi cấp cứu.

Trước thắc mắc về vấn đề bệnh sởi nguy hiểm như thế nào, các chuyên gia Y tế cho biết, sởi là bệnh có tiến triển rất nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm cho con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn non yếu.

Những trẻ cơ địa suy dinh dưỡng hoặc có bệnh nền như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính hay những bệnh suy giảm hệ miễn dịch thì việc mắc sởi là điều khó tránh khỏi.
Khi nhiễm phải virus sởi, trẻ có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như:

- Tiêu chảy hoặc ói mửa: Tiêu chảy sau sởi thường nguy hiểm và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với tiêu chảy cấp do virus thông thường.

- Viêm phổi: Có thể xảy ra khoảng 1/20 trẻ mắc bệnh. Trẻ có thể khó thở, sốt rất cao.

- Viêm thanh quản: Thường xuất hiện ở giai đoạn khởi phát của bệnh, gây đau họng, khó thở do co thắt thanh quản. Hoặc có những trường hợp bội nhiễm khiến người bệnh sốt cao, khản tiếng, khó thở, tím tái…

- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa: Có thể xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A. Đặc biệt, đối với trẻ ở những vùng khó khăn, thiếu cơ sở y tế (ở Châu Phi sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa).

- Viêm tai giữa: Đây là biến chứng thường gặp của người bị sởi, xảy ra ở 1/10 trẻ mắc bệnh sởi.

- Viêm não: Xảy ra khoảng 1/1000 trẻ mắc bệnh: Đây là biến chứng rất nguy hiểm và để lại di chứng cao. Viêm não có thể khiến trẻ bị hôn mê, co giật, gây tử vong hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất với trẻ sống sót.

- Viêm màng não: Có thể viêm màng não thanh dịch hoặc viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Thy Quỳnh tổng hợp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X