Hotline 24/7
08983-08983

Câu hỏi thường gặp với bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi

Chúng tôi đã có bài phỏng vấn PGS. TS. Vũ Thị Thanh Huyền, là chuyên gia về Nội Tiết – ĐTĐ, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương...

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Biến chứng của bệnh đái tháo đường vô cùng nguy hiểm, như mù lòa, cắt cụt chân, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và chạy thận nhân tạo. Vậy làm sao để phòng ngừa và điều trị ĐTĐ hiệu quả?

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi.

Câu hỏi thường gặp trên ở bệnh nhân ĐTĐ cao tuổi

Chúng tôi đã có bài phỏng vấn PGS. TS. Vũ Thị Thanh Huyền, là chuyên gia về Nội Tiết – ĐTĐ, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương về những câu hỏi thường gặp trên lâm sàng ở bệnh nhân mắc ĐTĐ cao tuổi.

1. Tôi bị ĐTĐ vậy con tôi có nguy cơ bị ĐTĐ không?

Trả lời: Với người có bố hoặc mẹ bị ĐTĐ như con bác sẽ bị tăng nguy cơ mắc ĐTĐ cao hơn gấp 1,5 lần so với người bình thường khác.

Để giảm thiểu nguy cơ này, con bác cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, giảm đồ ngọt và tinh bột, nên tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày tối thiểu 5 ngày mỗi tuần. Đồng thời cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng tiền ĐTĐ hay rối loạn dung nạp glucose.

Đặc biệt nếu con bác là con gái thì cần kiểm tra tình trạng đường huyết trong quá trình mang thai kỳ để điều trị sớm nhằm giảm nguy cơ do tăng đường huyết (nếu có) cho mẹ và thai.

2. Với người cao tuổi thì mức đường huyết bao nhiêu là ổn định?

Trả lời:  Người cao tuổi có tình trạng sức khỏe rất khác nhau nên không có mức đường huyết ổn định chung cho tất cả mọi người. Bác sỹ điều trị là người xác định được ngưỡng này và quyết định chế độ điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Tuy nhiên với người cao tuổi khỏe mạnh thì mức đường huyết lúc đói trước ăn khoảng 7 mmol/L và đường huyết sau khi ăn 2 giờ khoảng 10 – 11 mmol/L

3. Tôi bị đái tháo đường thì nên và không nên ăn những loại đồ ăn nào?

Trả lời: Nếu bác chỉ mắc ĐTĐ thì không nên ăn đồ ăn làm tăng đường huyết nhanh (trừ khi bị hạ đường huyết) như miến dong, xôi, bánh mỳ trắng, đồ ngọt nhanh (bánh kẹo, mứt, nước ngọt, đường, sữa có đường,…), hoa quả ngọt (dưa hấu, nhãn, vải, na,…).

Cần đặc biệt lưu ý là cách chế biến đồ ăn cũng ảnh hưởng tới đường máu sau ăn. Nên ăn đồ ăn thô hơn là đồ ăn chế biến tinh (như nên ăn gạo lứt hơn gạo trắng, nên ăn ngũ cốc nguyên hạt hơn dạng bột nghiền,…); nên ăn đồ luộc hơn đồ nướng.

4. Tôi có nên sử dụng các loại thuốc thảo dược để điều trị ĐTĐ không?

Trả lời: Có một số loại thảo dược đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ điều trị ĐTĐ (như chè giảo cổ lam đã được nghiên cứu tại bệnh viện Lão khoa trung ương). Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị thì cần sử dụng các loại thảo dược này với liều lượng đúng và theo dõi hiệu quả điều trị cũng như tác dụng phụ của chúng giống như khi dùng các thuốc tây y điều trị ĐTĐ.

Vì vậy,việc quan trọng nhất là bác cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ trong quá trình điều trị để tránh việc đường huyết không được kiểm soát tốt dẫn tới xuất hiện sớm hơn các biến chứng.

5. Nhiều khi tôi quên ăn trước khi tập thể dục hay nhịn đói thì thường bị mệt mỏi, vã mồ hôi, chóng mặt vậy tôi phải làm gì lúc đó?

Trả lời: Biểu hiện đó có thể do hạ đường huyết. Tình trạng này thường do nhịn đói, dùng thuốc quá liều, tập thể dục quá mức, tiêu chảy, bữa ăn không điều độ, bỏ bữa… Khi có các triệu chứng như bồn chồn, mệt, vã mồ hôi, chóng mặt thì tốt nhất bác nên đo đường huyết ngay lập tức, nếu đường huyết thấp dưới 4 mmol/l thì bác ăn ngay đồ ăn nhanh (kẹo, nước đường, sữa có đường ,…).

Nếu bác tập thể dục ngoài công viên hoặc một mình thì nên luôn mang theo vài cái kẹo để dự phòng trường hợp bị hạ đường huyết đột ngột.

6. Tôi có thể ngưng uống thuốc ĐTĐ khi đường huyết của tôi ổn định không?

Trả lời: ĐTĐ là bệnh không thể chữa khỏi. Việc điều trị ĐTĐ bao gồm thực hiện chế độ ăn, vận động và dùng thuốc. Đối với một số người, đặc biệt là người cao tuổi có thể đạt được mức đường huyết ổn định bằng thực hiện phương pháp điều trị bằng chế độ ăn và vận động phù hợp theo chỉ định của bác sỹ.

Trong trường hợp đó, bệnh nhân dù không dùng thuốc vẫn cần theo dõi định kỳ đường huyết ít nhất 3 tháng 1 lần để bác sỹ quyết định chế độ điều trị tiếp theo.

Hy vọng bài phỏng vấn trên đây đã giúp bạn đọc có nhiều thông tin hữu ích hơn về bệnh ĐTĐ. Chúng tôi cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!

Theo Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X