Hotline 24/7
08983-08983

Câu chuyện cảm động đằng sau ca phẫu thuật u gan không cần truyền máu

Với khối u gan 10cm và yêu cầu không truyền máu trong phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ của BV Quốc tế City đã phải đưa ra quyết định “liều lĩnh” bởi nếu chậm trễ, bệnh nhi chỉ sống được một thời gian và có khả năng tử vong.

“Cân não” quyết định phẫu thuật khối u gan không truyền máu hiếm gặp


BS John Loius Lucas (trái) và BS.CK1 Trần Thị Mỹ Loan - GĐ Y Vụ - Đối Ngoại BV Quốc tế City thăm hỏi tình trạng sức khỏe của bé B. sáng 19/9

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường - BS Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật Tụy và ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân - Khoa Gây mê Hồi sức - Chăm sóc giảm nhẹ BV Quốc tế City tham gia trong ê-kíp mổ cho bé B. Ảnh: BV cung cấp

BS John Loius Lucas - Tổng Giám đốc BV Quốc tế City đã phải thốt lên khi chia sẻ về trường hợp của bé G.B mắc bệnh u gan là câu chuyện cảm động và phi thường. Bởi với ông cậu bé chỉ mới 11 tuổi, dáng hình nhỏ nhắn nhưng lại rất dũng cảm, chịu đựng khối u lớn trong thời gian dài.

Trong 6 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, bé B. đi khám nhiều bệnh viện chờ đợi cơ hội được phẫu thuật nhưng tất cả đều từ chối vì yêu cầu tôn giáo của người nhà không cho truyền máu trong quá trình phẫu thuật là quá nguy hiểm.

Lo lắng, bồn chồn, ngủ không yên giấc và hạnh phúc khi tìm thấy tia hy vọng là đầy đủ các sắc thái mà vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm (sn 1978) đã trải qua trong thời gian chạy khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong thành phố và phép màu xuất hiện khi PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường - chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật Gan Mật Tụy, BV Quốc tế City gật đầu đồng ý điều trị.

Để đưa ra quyết định “liều lĩnh” này, PGS Cường đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều. Đôi mắt của bé B. như điều gì thôi thúc khiến ông phải luôn tìm kiếm tài liệu, tìm hiểu thật kỹ trong y văn và nhận thấy rất nhiều trường hợp đã thực hiện thành công ca mổ bằng phương pháp truyền máu hoàn hồi. Ông chợt nghĩ, đồng nghiệp ở các nước đã làm được, tại sao mình lại từ chối bệnh nhân trong khi máy móc, thiết bị y tế đầy đủ, thậm chí về kinh nghiệm bác sĩ Việt Nam có phần nhỉnh hơn vì thực tiễn trên người bệnh còn nhiều hơn như thế.

Nghĩ là làm, ông nhận trọng trách này với gia đình bé B. Ngay sau đó, một cuộc hội chẩn đa chuyên khoa đã diễn ra để tìm phương án điều trị.

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường chia sẻ về những khó khăn mà ê-kíp đã cùng nhau vượt qua để mang lại hy vọng cho gia đình bé B.

Điều khó khăn thứ nhất về đáp ứng yêu cầu không truyền máu đã được giải quyết nhưng “cửa ải” tiếp theo, PGS Cường phải đưa ra những lý luận chắc chắn, rõ ràng để thuyết phục các đồng nghiệp tham gia vào ca mổ. Việc phẫu thuật cắt gan không truyền máu trong điều trị ung thư gan là một thách thức lớn trong y khoa bởi nếu phẫu thuật gặp chấn thương vỡ gan, vỡ lách, không cho truyền máu thì không thể có dịch truyền nào thay thế máu được và gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Trước yêu cầu khẩn thiết của gia đình bệnh nhân, và với lương tâm của người thầy thuốc, đội ngũ y bác sĩ đã quyết tâm dốc hết tâm sức và chuyên môn để cứu chữa, phẫu thuật cắt u gan cho bệnh nhi.

Trước khi phẫu thuật, PGS Cường đã trao đổi kỹ với gia đình bé B. về những ưu điểm, rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi. Ảnh: BV cung cấp

Kỹ thuật truyền máu hoàn hồi - cứu tinh cho bệnh nhân u gan


PGS Nguyễn Tấn Cường cho biết: “Sau 34 năm trong nghề bác sĩ phẫu thuật gan mật tụy, đây là ca đầu tiên mà tôi cắt gan không cần truyền máu. Khi bệnh nhân đến khám, khối u đã tăng lên 7-10 cm so với phim chụp CT lúc mới phát hiện. Nếu không mổ, khối u sẽ phát triển ngày càng lớn và có nguy cơ vỡ ra gây đột tử, tiên lượng bé chỉ sống được vài tháng”.

Kíp mổ thống nhất phương án sử dụng máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) khi phẫu thuật. Đây là phương pháp dùng chính máu của người bệnh truyền qua một hệ thống máy rồi truyền trả lại cho bệnh nhân.

Hệ thống máy này cho phép thực hiện tự động các khâu của quá trình thu gom máu bao gồm: lấy máu chảy từ phẫu trường, hòa trộn với chất chống đông máu, thực hiện chu trình lọc rửa hồng cầu, thu lại lượng hồng cầu sau quá trình rửa để truyền lại cho bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện một cách nhanh chóng từ khi máu được hút về hệ thống máy tự động, nhờ vậy lượng máu chảy do vỡ các mạch máu của bệnh nhân gần như được lấy truyền lại ngay lập tức cho chính họ.

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường chia sẻ thêm: “Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung”.

Máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) ứng dụng tại BV Quốc tế City. Ảnh: BV cung cấp


2 giờ 10 phút phẫu thuật cũng là khoảng thời gian nghẹt thở đối với gia đình, bệnh viện và ê-kíp phẫu thuật. Trong đó, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh phải nghiên cứu kỹ phân bố mạch máu nuôi khối u từ động mạch mạc treo tràng trên (10-20%) thay vì từ động mạch thân tạng. Với Khoa Gây mê hồi sức, các ekip bác sĩ phải thực hiện các thao tác như pha loãng máu trong mổ, hạ huyết áp chủ động khi cắt gan và truyền máu hoàn hồi bằng máy Cell Saver. Suốt cuộc mổ, lượng máu mất khoảng 200 ml được thu hồi, lọc và truyền lại cho bệnh nhi. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan. Theo BS Cường, thể tích gan này sẽ tăng sinh lại và có kích thước như bình thường sau 2-3 tháng.

PGS Cường kiểm tra vết mổ cho bé B. Ảnh: BV cung cấp


Được các bác sĩ tận tình chăm sóc, bé đã hồi phục kỳ diệu, 30 phút sau ca mổ bé đã tỉnh và uống nước được, 1 ngày sau đó bé có thể ăn nhẹ, không đau đớn. Đến nay, sức khỏe của bé đã hồi phục tốt và trở lại bệnh viện tái khám vào sáng 19/9/2018, tiếp đó BV Quốc tế City sẽ kết nối với các bác sĩ tại bệnh viện Nhi có khoa Ung Bướu để tiến hành hóa trị cho bé.

Trải lòng về những khó khăn khi phẫu thuật cắt u gan mà không truyền máu, BS Cường cho biết, khi mổ u gan, khả năng chảy máu nhiều cần truyền máu là điều chắc chắn phải làm. Thêm vào đó là rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra như: tử vong, suy thận, rối loạn đông máu, khả năng phải lọc máu… Tuy nhiên, vì tôn trọng quyết định của gia đình bệnh nhân không cho truyền máu nên bệnh viện chọn phương pháp truyền máu hoàn hồi.

Chị Trần Thị Mỹ Kiều - mẹ bé B xúc động chia sẻ: “Khi đưa bé B. đi các bệnh viện nhưng bị từ chối, gia đình tôi hoang mang và lo lắng lắm, nhiều lúc cả gia đình ôm nhau khóc. May mắn, gia đình tôi được giới thiệu đến gặp BS Cường. Bác nồng hậu và chịu lắng nghe khiến chúng tôi yên tâm phần nào. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ trong ê-kíp phẫu thuật đã hết sức giúp đỡ cho gia đình tôi và cả các anh chị điều dưỡng, nhân viên của BV Quốc tế City nữa, ai cũng yêu mến và chăm sóc bé B. như con cháu trong gia đình”.

Anh Nguyễn Văn Lâm và chị Trần Thị Mỹ Kiều gửi lời cảm ơn đến ê-kíp các bác sĩ phẫu thuật cùng đội ngũ nhân viên của BV Quốc tế City

Ban lãnh đạo BV Quốc tế City tặng hoa chúc mừng bé G.B và các bác sĩ trong kíp mổ.

Sử dụng máy truyền máu hoàn hồi có làm tế bào ung thư phát tán?

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường - BS Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật Tụy BV Quốc tế City: Sử dụng máy truyền máu hoàn hồi trong điều trị khối u ác tính là chống chỉ định nhưng chỉ tương đối chứ không phải là tuyệt đối.

Trước đây, nhiều người e ngại ở những trường hợp người bệnh ung thư nếu sử dụng máy truyền máu hoàn hồi, trả lại máu cho người bệnh thì sẽ làm phát tán tế bào ung thư nhưng qua nhiều nghiên cứu chứng minh phương pháp này không làm tăng tỷ lệ ung thư di căn, ung thư tái phát, hay phát tán tế bào ung thư. Do đó, hiện nay đã có các khuyến cáo sử dụng đối với những trường hợp mổ u ác tính.

Đây cũng là lý do mà ê-kíp bác sĩ chúng tôi sau khi thăm khảo các tài liệu đã mạnh dạn sử dụng máy truyền máu hoàn hồi để điều trị cho bé B. Lợi ích của nó vượt xa bất lợi nếu có.

Chỉ định và chống chỉ định của máy truyền máu hoàn hồi?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân - Khoa Gây mê Hồi sức - Chăm sóc giảm nhẹ - Phó Giám Đốc Y Khoa BV Quốc tế City: Máy truyền máu hoàn hồi thường được ứng vào những ca phẫu thuật có nguy cơ mất máu lớn, đặc biệt là các ca phẫu thuật cấp cứu mạch máu, tim mạch, vỡ gan, vỡ lách, cắt gan, cắt tụy, chấn thương… Nó sẽ giúp tiết kiệm được nhiều lượng máu.

Chống chỉ định tuyệt đối: phẫu thuật có nước ối, mổ bắt con, trường hợp sử dụng chất keo dán sinh học, xi măng sinh học thì không thể sử dụng máy truyền máu hoàn hồi vì những chất này máy không xử lý được, nếu chúng ta truyền lại sẽ vào tuần hoàn, gây thuyên tắc mạch máu.

Ngoài ra, với những bệnh nhân nhiễm trùng nặng tại khu vực phẫu thuật hoặc tại phẫu trường nơi chúng ta mổ mà có mủ đang khu trú thì không thể sử dụng. Vì khi lấy máu ra và truyền trả lại trên mấu nhiễm trùng rất nguy hiểm, khiến tình trạng người bệnh nặng hơn.

Hiện chưa nhiều bệnh viện trang bị được hệ thống này. Tại TPHCM, hiện chỉ có các bệnh viện như: BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Nhi đồng 2… được trang bị máy truyền máu hoàn hồi.



Phương Nguyên - Ảnh: Thanh Thảo
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X