Hotline 24/7
08983-08983

Cấp cứu vì thuốc diệt côn trùng

Quá khiếp đảm và “không thể sống nổi” với các loại mối cánh bám đầy đặc trên trần nhà, rụng lả tả vào mâm cơm đang ăn, bà Liên (HN) cấp tốc mua về một bình xịt diệt côn trùng.

Thuốc xịt xong, mối chết nhưng người nhà bà Liên cũng phải cấp cứu vì cái lọ thuốc “hạ gục nhanh tiêu diệt gọn” ấy.

Côn trùng chết, người cũng liêu xiêu

Các bác sĩ cho biết, các loại thuốc xịt dạng hóa lỏng rất nguy hiểm vì hóa chất tồn dư trong không khí dễ dàng thâm nhập vào cơ thể qua da và đường hô hấp. Thuốc càng mạnh, côn trùng càng nhanh chết thì khả năng gây độc cho người tiếp xúc càng lớn. Đặc biệt khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng (như loại thuốc bà Liên sử dụng) mức độ nguy hiểm rất cao.

Hầu hết các loại thuốc diệt côn trùng như Mosfly, Raid Max, SantUSA (các sản phẩm này đã được Bộ Y tế công nhận về độ an toàn) thường có những hoạt chất tương tự nhau, chủ yếu là các hoạt chất thuộc nhóm Pyrethroids. Pyrethroids được chiết xuất từ hoa cúc, nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng, khi tiếp xúc với môi trường sẽ bị ôxy hóa, chuyển thành các chất ít độc hại. Nhưng điều đáng nói là nhiều người đang tự ý dùng loại thuốc này một cách vô tội vạ và không đúng cách, dẫn đến các trường hợp ngộ độc đáng tiếc như trên.

Côn trùng kháng thuốc

Tùy tiện trong sử dụng, pha chế liều lượng cộng với thói quen gặp đâu xịt đấy (chứ không phun toàn khu vực) không những không hiệu quả còn gây ra tình trạng kháng thuốc ở côn trùng. Tệ hại hơn, một số người bán còn “tư vấn” cho khách hàng nếu nhà nhiều muỗi, gián thì “pha đặc hơn cho nhanh chết”.

Chưa kể, các loại thuốc này thường được pha thêm hương liệu khiến người sử dụng chủ quan, quên đi những yêu cầu an toàn tối thiểu (sử dụng găng tay, mặt nạ phòng độc) khi tiến hành phun, xịt thuốc. Thế nên mới có chuyện, dùng thuốc diệt côn trùng, côn trùng chưa chết người đã nhập viện.

Các chuyên gia cho biết, hóa chất có trong thuốc diệt côn trùng có thể đe dọa tính mạng nạn nhân nếu hít vào một lượng đáng kể (30ml trở lên). Thuốc kích thích phế quản tiết dịch và gây co thắt cơ trơn dữ dội, tác động ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm tri giác hay hôn mê, tụt huyết áp, ngứa trên da, đỏ da... Một số trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến ngất xỉu, tụt huyết áp, khó thở, nôn ói, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

“Xịt” đúng cách

Có hai cách phun thuốc diệt côn trùng là phun tồn lưu (phun lên bề mặt tường, tẩm màn) và phun sương. Khi phun cần chú ý:

- Đến các cơ sở có uy tín để được tư vấn về loại thuốc, liều lượng.

- Nên phun theo định kỳ 3-6 tháng.

- Không để người già và trẻ nhỏ vào phòng mới xịt/phun thuốc.

Lưu ý riêng khi phun sương:

- Dọn dẹp sạch sẽ trước khi phun thuốc.

- Phun xa nguồn nước, không phun vào bếp ăn; phun từ 2m trở xuống.

- Sử dụng găng tay, khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc khi phun.

- Sau khi phun thuốc khoảng 1 giờ nên mở cửa cho thoáng khí.

Với bình xịt:

- Phun từ trên cao, lan tỏa ra ngoài để các hạt thuốc phủ đều trên diện tích cần phun.

- Phun giật lùi, cách khoảng 0,5-1m để tránh các hạt thuốc bay vào mắt.

- Rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt.

Theo Thảo Ly - Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X