Hotline 24/7
08983-08983

Cao huyết áp - 10 lý do trở nặng

Việc dùng thuốc hạ áp năm này qua tháng khác theo toa thuốc cũ là sai lầm nghiêm trọng.

Mặc dù có nhiều tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị nhưng bệnh tim mạch vẫn tiếp tục đứng đầu về tỉ lệ tử vong. Một trong các lý do hiển hiện là vì bệnh cao huyết áp hoặc không được phát hiện đúng lúc hoặc không được điều trị đúng bài bản. Trên thực tế bệnh dễ trở nặng vì:

1. Bệnh nhân không biết là huyết áp thay đổi theo nhịp sinh học trong ngày, nếp sinh hoạt, trọng lượng, cũng như tuổi đời của mỗi đối tượng cá biệt. Do đó, nếu có người lo lắng thái quá dù huyết áp mới ngấp nghé ngưỡng bệnh lý thì cũng không thiếu người thờ ơ vì chỉ dựa vào trị số ở định mức bình thường trong một lần đo huyết áp ngẫu nhiên.

2. Gọi là cao huyết áp khi huyết áp nhiều lần vượt quá trị số 140/90 sau khi nghỉ ngơi nhưng đừng chỉ dựa vào tiêu chuẩn 140/90 để đánh giá bệnh cao huyết áp. Định mức này thấp hơn ở người bệnh tiểu đường (130/80), thậm chí thấp hơn nữa (125/85) nếu đã có biến chứng ở thận hay mắt.

3. Ít khi cao huyết áp biểu lộ qua triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, cáu kỉnh, mất ngủ... nên cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc dễ bị lừa. Muốn đánh giá huyết áp một cách chính xác và khách quan cần đo huyết áp nhiều lần trong ngày nhưng đúng giờ nhất định trong 3 ngày liên tục và ghi tất cả kết quả để thầy thuốc đánh giá diễn tiến, qua đó thay đổi phác đồ điều trị nếu như thầy thuốc chắc chắn là việc giảm thuốc an toàn cho người bệnh.

4. Bên cạnh yếu tố di truyền còn có một số điều kiện thuận lợi khiến bệnh bộc phát như xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, hút thuốc, béo phì, nghiện rượu, ít vận động, stress, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp... Huyết áp của đối tượng thuộc các nhóm vừa kể vì thế cần được kiểm soát định kỳ, mỗi khi mỏi mệt thay vì xuân thu nhị kỳ!

5. Không dùng thuốc dù biết huyết áp đã tăng hay ngưng thuốc dù đang được điều trị chỉ vì không có triệu chứng gây khó chịu là sai lầm nghiêm trọng. Đừng quên cao huyết áp nếu không được điều trị đến nơi đến chốn là lý do dẫn đến nhiều biến chứng như viêm tĩnh mạch, viêm cầu thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Một khi đã dùng thuốc hạ áp, phải dùng thuốc liên tục để tránh tình trạng huyết áp tăng bất ngờ. Đừng dùng thuốc chỉ mỗi khi ghi nhận huyết áp đã tăng; cũng đừng dùng thuốc chỉ khi có cảm giác khó chịu vì thường là quá trễ!

Khám tim mạch tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa (Medic) Ảnh: Hồng Thúy
Khám tim mạch tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa (Medic) Ảnh: Hồng Thúy

6. Vì tính cảm ứng cũng như thể tạng riêng của mỗi bệnh nhân nên không thể giữ nguyên liều lượng thuốc hạ áp trong suốt liệu trình. Việc dùng thuốc hạ áp kiểu năm này qua tháng khác theo toa thuốc cũ là sai lầm nghiêm trọng.

7. Kết hợp với dược thảo trong phác đồ điều trị là điều nên làm. Nhưng bệnh nhân không được tự điều trị để tránh trường hợp tương tác bất lợi. Tệ hơn nữa là bệnh nhân tự ngưng thuốc đặc hiệu để thay bằng cây thuốc theo lời đồn!

8. Việc áp dụng các phương pháp không dùng thuốc, như châm cứu, dưỡng sinh, thiền định … là điều rất đáng khuyến khích, nếu được áp dụng đúng bài bản, nhưng chỉ là nhân tố đi kèm trong phác đồ điều trị, nghĩa là không thể thay thế thuốc đặc hiệu.

9. Việc lạm dụng thuốc canxi có thể làm mất tác dụng của một số thuốc hạ áp, nhất là thuốc thuộc nhóm chẹn beta. Bệnh nhân vì thế không nên uống thuốc hạ áp cùng lúc với sữa. Cũng đừng tự ý dùng thuốc canxi liều cao vì sợ loãng xương mà không hội ý với thầy thuốc. Tương tự, nước ép bưởi nếu dùng gần giờ uống thuốc cũng là lý do khiến nhiều loại thuốc hạ áp hoặc khởi động tác dụng chậm hơn hoặc mất tác dụng nhanh hơn khiến huyết áp dễ dao động.

10. Không thuốc nào có thể triển khai tác dụng như mong muốn nếu thiếu nước. Người dùng thuốc hạ áp vì thế đừng quên chất phụ gia tối quan trọng của thuốc, đó là uống nước cho đủ trong ngày thay vì chỉ lo uống thuốc!

Cao huyết áp sở dĩ nhiêu khê không hẳn vì bệnh khó chữa mà lắm khi chỉ vì thầy thuốc chưa huy động được sự cộng tác của người bệnh và thân nhân. Muốn được vậy, biện pháp cơ bản chính là làm sao để mọi người hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hiểu để đừng sợ, biết để đừng tránh né. Tri thức y học nhiều khi quan trọng hơn viên thuốc. Chính vì thế mà nhà điều trị còn có tên là "thầy thuốc" vì vừa làm thuốc vừa làm thầy.

AloBacsi.vn
Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X