Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh giác nhiễm bệnh uốn ván từ vết thương đơn giản

Uốn ván là một nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao và rất dễ mắc chỉ từ vết thương đơn giản.

Đôi khi bệnh uốn ván đến từ những vết thương tưởng như đơn giản

Mắc bệnh uốn ván chỉ vì tăm xỉa răng

Vừa qua BV Nhi TPHCM đã điều trị cho một bệnh nhi 9 tuổi bị bệnhuốn ván nặng. Gia đình bệnh nhi cho biết, cách đây 1 tuần, trong một lần tắm mưa, bé đạp phải cây tăm xỉa răng nhưng giấu không cho người lớn biết. Đến khi bé lên cơn sốt thì bàn chân đã sưng to, mưng mủ, hàm, lưng, cổ cứng, không thể cử động.

Theo các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 200 trường hợp mắc bệnh uốn ván, hầu hết bệnh nhân đều phát bệnh sau khi bị rách da chảy máu và nhiều người chưa tiêm phòng.

Bệnh uốn ván là gì?

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó khoa Cấp cứu - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra.

Biểu hiện của bệnh uốn ván là bệnh nhân bị cứng cổ, hàm, lưng

Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát, bụi; phân trâu, bò, ngựa và gia cầm; nơi cống rãnh hay dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ… Trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là trầy xước.

Tại sao bệnh uốn ván lại nguy hiểm

Vi khuẩn gây uốn ván có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường và chỉ bị tiêu diệt trong nước sôi 30 phút, trong môi trường dung dịch sát khuẩn 20 phút.

Bệnh uốn ván có tỉ lệ tử vong cao

Sau khi vào cơ thể, vi trùng uốn ván tiết ra độc tố tác động vào hệ thần kinh với các biểu hiện như đột ngột mỏi hàm, nói khó, cứng cổ. Nặng hơn, bệnh nhân bị cong ưỡn người ra sau như cây đòn gánh (nên bệnh uốn ván còn được gọi là phong đòn gánh), thẳng cứng người như tấm ván, co giật, suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến tử vong.

Cách phòng tránh bệnh uốn ván

- Các chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện phòng chống bệnh uốn ván bằng cách tốt nhất là tiêm phòng với trẻ nhỏ tiêm vắc xin DPT hoặc DT. Người lớn cần tiêm Td/UV.

- Phụ nữ có thai bắt buộc phải tiêm phòng uốn ván để phòng uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con.

Tiêm phòng đầy đủ là cách đơn giản nhất để phòng tránh uốn ván

- Đối với vết thương kích thước nhỏ, không dính đất cát, không có mủ, chỉ cần chăm sóc tại chỗ với nước muối sinh lý và nước oxy già.

Nếu vết thương rộng, sâu, dính đất cát, có mô dập, có mủ hoặc bị thương, xây xước bởi đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván.

- Kể cả những người đã từng mắc uốn ván cũng không có miễn dịch tự nhiên nên vẫn cần phải tiêm chủng.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X