Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo: Nhiễm trùng bệnh viện ngày càng trầm trọng!

Sự việc 4 trẻ sơ sinh tử vong ở BV Sản - Nhi Bắc Ninh là lời cảnh báo nhiễm trùng bệnh viện (NTBV) đang ngày càng trầm trọng!

Ngày 20/11, ở BV sản nhi tỉnh Bắc Ninh có 4 trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đã tử vong. Tối 21/11, có 5 trẻ chuyển về khoa Sơ sinh, BV phụ sản TƯ và hết ngày 22/11, đã có 18 trẻ sơ sinh của BV này chuyển tuyến TƯ do nghi ngờ nhiễm khuẩn. Khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận 3 trẻ đều đều nặng. Theo BS Nguyễn Thành Nam, Quyền trưởng khoa, hai trẻ 4 ngày tuổi đều suy hô hấp, nhiễm khuẩn.

Trẻ 11 ngày tuổi, phải thở máy vì rất nặng: Xuất huyết não, tim to, bụng trướng; gan tổn thương rất nặng, hạ đường huyết liên tục, vàng da ứ mật; mẹ có tiền sử sản khoa, sinh con lần đầu, mổ đẻ suy thai; cấy máu phát hiện vi khuẩn kháng đa kháng sinh (KS). Khoa đánh giá mức độ nhiễm khuẩn và can thiệp nhanh để chống tiến triển đến sốc... Ngày 1/12, hai bé ra viện, bé nặng nhất bỏ được thở máy.

Ở BV Nhi TƯ, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, 10 trẻ chuyển đến đây có 4 cháu tình trạng nặng, đang điều trị phác đồ nhiễm khuẩn huyết và cách ly. Hiện có 2 bé phải thở máy; 2 bé tự thở oxy, kiểm soát được hô hấp và tuần hoàn. Cấy máu 2 trẻ nặng, xác định nhiễm khuẩn máu là vi khuẩn Acinetobacter, kháng đa KS nên phải sử dụng phác đồ điều trị tối đa. Hy vọng với điều trị tích cực, dùng KS mạnh nhất và thuốc tăng cường miễn dịch, trẻ sẽ qua được.

Về 4 trẻ sơ sinh tử vong, Hội đồng chuyên môn 7 người, có bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, PGS.TS Trần Minh Điển, PGĐ BV Nhi TƯ và PGS.TS Trần Danh Cường, PGĐ BV Phụ sản TƯ... đánh giá: Bốn trẻ đều sinh non (một trẻ 7 tháng, một trẻ 8 tháng thai kỳ), nhẹ cân so với tuổi thai (từ 1,6 - 2,3kg), đều phải nằm lồng ấp, thở máy; mẹ các bé có tiền sử sản khoa bệnh lý; không phải các cháu tử vong lúc mới sinh mà có cháu đã điều trị tại BV 14 ngày, lại có bệnh bẩm sinh và BV đã tiên lượng trước với gia đình.

Các trẻ đều xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn sau 3 - 5 ngày điều trị, tiến triển đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn; không đáp ứng các biện pháp chống sốc... Hội đồng kết luận, 4 trẻ sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai, đều có tình trạng suy hô hấp sau sinh, được xử trí cấp cứu và điều trị tích cực. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến tình trạng NTBV.

Hội đồng chuyên môn đã yêu cầu kiểm soát lại toàn bộ môi trường đã cấy vi khuẩn (VK) mẫu lấy từ bàn tay nhân viên chăm sóc và bề mặt giường, lồng ấp các bé nằm, BV đã giảm bớt số trẻ ở phòng sơ sinh, giải phóng giường bệnh để diệt khuẩn môi trường.

Nhiễm trùng bệnh viện (NTBV - nosocomial infection) là nhiễm trùng sau khi nhập viện 48 giờ (tối thiểu) hiện đang là vấn đề lớn, nan giải của y học toàn cầu. Thủ phạm gây NTBV là vi khuẩn (90%); virus (8%); còn lại là nấm và các loại ký sinh trùng khác.

Ví dụ, VK Acinetobacter phát hiện ở trẻ 11 ngày tuổi nói trên, hiện là loại nguy hiểm vì kháng đa KS, đã phát hiện ở nhiều BV; xâm nhập cơ thể từ dụng cụ (nhất là mở khí quản) hoặc qua vết thương; VK này có thể cư trú ở người nhưng không gây bệnh, nếu có điều kiện (bệnh nặng, phải thở máy, nằm viện kéo dài, chịu nhiều thủ thuật, suy giảm miễn dịch...) sẽ gây viêm phổi và nhiểm khuẩn huyết hoặc nhiễm trùng vết thương, viêm màng não...

Lây nhiễm Acinetobacter thường xảy ra ở các khoa chăm sóc đặc biệt (hồi sức cấp cứu), có nhiều bệnh nhân nặng hoặc khoa Nhi và lây lan cho những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Ngoài Acinetobacter, phải kể đến Tụ cầu khuẩn, đặc biệt là Tụ cầu vàng (Staphylococus aureus - “vô địch” kháng KS hiện thời); Liên cầu khuẩn; E.Coli; Klebsiella...

Các loại virus gây bệnh hô hấp như cúm; virus họ Corona (gây viêm phổi, suy hô hấp cấp (SASR) và các thể cúm ác tính khác...); viêm gan B, C; HIV cũng thường thấy lây nhiễm mạnh trong BV. Staphylococcus epidermatis (một trong 5 loại VK cư trú ở da, hiện là một trong những “thủ phạm” nhiễm trùng huyết hàng đầu ở BV và ngày càng kháng mạnh KS); nấm (Candida, Aspergillus); đơn bào (Clostridium difficile) là những loại gây NTBV cơ hội (chỉ gây bệnh khi cơ thể suy yếu)...

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ước tính khoảng 1,7 triệu ca NTBV/năm, là nguyên nhân hoặc góp phần cho 99.000 ca tử vong. Trong 25.000 tử vong mỗi năm do nhiễm trùng ở Châu Âu, ước tính 2/3 ca do NTBV gây ra bởi các loại VK Gram âm (nhuộm màu bằng phương pháp Gram, VK Gram âm có màu hồng; VK Gram dương có màu tím). WHO thống kê ở 47 BV của 14 nước thiếu nguồn lực y tế thấy từ 3 - 21% người ra viện bị NTBV.

Các BV Trung Đông và Đông Nam Á có tỉ lệ mắc cao hơn các BV Châu Âu. Năm 1994, 72 BV ở CHLB Đức có 14.966 bệnh nhân nhiễm khuẩn vết mổ (1,61%). Hiện tại, WHO thống kê, 5 - 10% người nằm viện ở các nước phát triển nhiễm ít nhất một loại VK BV; các nước đang phát triển gấp 2 - 20 lần! NTBV do tự nhiễm hoặc nhiễm chéo qua tiếp xúc và không khí...

Cụ thể: Tiêm truyền, phẫu thuật, thở máy, thủ thuật thai sản, ăn xông... (xâm lấn) làm VK tự thân xâm nhập cơ thể; dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước nhiễm khuẩn; nhân viên y tế nếu không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn sẽ là nguồn lây nhiễm cho bệnh nhân. Lây nhiễm ngược lại, như dịch Ebola ở Nam Mỹ gần đây làm gần 1.000 nhân viên y tế mắc bệnh và gần 500 trong số đó tử vong; lây nhiễm giữa bệnh nhân; người thăm nuôi với bệnh nhân... BV càng lớn, càng nhiều phương tiện, thiết bị, NTBV càng nhiều!

Tại hội thảo hồi tháng 8, TS.BS Trương Anh Thư, Phó trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn BV Bạch Mai công bố thống kê ở các BV đại diện khu vực thấy, NTBV ở Việt Nam hiện 6 - 8%; hầu hết NTBV phát hiện ở các khoa hồi sức cấp cứu... Trong 146 chủng vi sinh vật phân lập được ở 102 bệnh nhân NTBV, VK Acinetobacter baumanii, Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) và Candida chiếm trên 70%...

Những bệnh cảnh NTBV thường xảy ra

Hàng đầu là viêm phổi: (54,4% NTBV, thống kê của Bộ Y tế), là một nguyên nhân gây nhiều tử vong, chủ yếu do trực khuẩn Gram âm (E.coli, Klebsiela) và S.aureus từ họng khi dùng ống thở hay nôn và ho nhưng không đẩy được chất nôn hay đờm ra ngoài; những người có sẵn bệnh phổi (viêm, giãn phế quản, phế nang...) hoặc ứ máu do suy tim dễ mắc bệnh cảnh này…

Nhiễm trùng tiết niệu: Do đưa dụng cụ vào niệu đạo, bàng quang, thận, tạo điều kiện nhiễm trùng ngược dòng. Có khoảng 10 - 15% bệnh nhân “bị” đặt ống xông niệu đạo, nhưng trong đó nhiều ca không cần thiết!? Nhiễm trùng tiết niệu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết nhiều nhất và thường do vi khuẩn Gram âm…

Nhiễm khuẩn huyết: Có thể xảy ra ở mọi BV, từ những ống không được tiệt trùng đưa vào mạch máu (5% NTBV và 10% các ca cấy máu dương tính), thường do S. epidermatis, S. aureus, trực khuẩn Gram âm và Liên cầu ruột (Enterococus). Có thể nhiễm khuẩn huyết do những vi khuẩn ít độc lực như Enterobacter (Serratia, Citrobacter freundii...). Ngoài những “cửa ngõ” tiết niệu và xâm lấn nói trên, còn nhiều ca khi bệnh nặng, suy yếu, không xác định được “cửa ngõ” VK vào máu, do khả năng đề kháng suy giảm…

Nhiễm trùng vết thương: Hầu hết do VK “bị đưa” trực tiếp vào mô khi phẫu thuật, nhiều nhất là VK tự thân hoặc từ phẫu thuật viên (sát trùng trước mổ không tốt); nhiễm nhiều nhất là Liên cầu khuẩn nhóm A (có nhiều ở họng) và S. aureus. Mô chết (do mổ); vùng mang khuẩn (ruột, hệ sinh dục nữ...); người cao tuổi; dinh dưỡng kém; có ổ nhiễm trùng trong cơ thể (có thể không biểu hiện lâm sàng); tiểu đường, suy thận và dùng thuốc dòng steroid (Methylpresnisolon, Dexamethasone...); vết bỏng (thường nhiễm Trực khuẩn mủ xanh), loét (do nằm lâu; tắc động, tĩnh mạch) là những điều kiện thuận lợi cho NTBV; 44,6% là tỉ lệ của 3 bệnh cảnh này…

NTBV làm tăng: Biến chứng và tử vong; sử dụng KS; kháng KS; số ngày nằm viện, giá thành điều trị và giảm chất lượng chữa trị. Thống kê gần đây ở BV Chợ Rẫy, TPHCM thấy NTBV làm tăng 15 ngày điều trị, phát sinh viện phí khoảng 2.900.000đ/ca - con số không nhỏ ở nước thu nhập thấp!

VK BV nguy hiểm hơn VK bên ngoài vì “chịu đựng” thường xuyên, tập trung nhiều loại KS nên “có điều kiện” phát sinh khả năng kháng KS và thực tế ở BV đã xuất hiện những chủng VK kháng đa KS, rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, sinh non, người già yếu. Ác hại, có bằng chứng những chủng VK này đã lây lan ra cộng đồng!

Không có cách nào khác, ngành y phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vệ sinh mới hạn chế được số ca bệnh sinh ra do thầy thuốc.

Theo BS Văn Bình - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X