Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo mầm họa phá hủy DNA, gây ung thư từ việc uống rượu

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo việc uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là 7 loại ung thư gồm miệng, cổ họng, thanh quản hoặc vòm miệng, thực quản, vú, gan và ruột.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà khoa học đã cho chuột thí nghiệm uống rượu pha loãng, sau đó sử dụng phân tích nhiễm sắc thể và DNA để kiểm tra tổn hại di truyền do acetaldehyde gây ra.

Giáo sư Ketan Patel của Phòng Thí nghiệm Hội đồng Nghiên cứu Y tế Sinh học Phân tử Anh, đồng phụ trách nghiên cứu, cho biết: "Một số loại ung thư phát triển nhờ các tổn hại của DNA trong các tế bào gốc. Trong khi một số tổn hại xuất hiện ngẫu nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy rằng việc uống rượu, bia làm tăng nguy cơ xuất hiện tổn hại này".

Sử dụng các con chuột được biến đổi gene, nghiên cứu này cung cấp những chứng cứ thuyết phục nhất cho tới nay về việc chất cồn có thể gây ung thư khi làm tổn hại các chuỗi DNA trong tế bào, thậm chí còn có thể dẫn tới những biến đổi chết người.

Cảnh báo mầm họa phá hủy DNA, gây ung thư từ việc uống rượu. Ảnh minh họa

Trong kết quả nghiên cứu được công bố, nhóm của GS Patel đã cho những con chuột uống rượu pha loãng, sau đó phân tích tác động của chất cồn lên DNA của những con vật này. Họ phát hiện chất acetaldehyde có thể phá vỡ và gây hư hại chuỗi DNA trong các tế bào gốc ở máu, làm thay đổi vĩnh viễn chuỗi DNA trong các tế bào này. GS Patel cho rằng khám phá này rất quan trọng bởi khi các tế bào gốc khỏe mạnh bị lỗi, có thể làm tăng nguy cơ tạo ra các tế bào ác tính.

Các nhà nghiên cứu còn xem xét cách thức mà cơ thể tìm cách tự bảo vệ mình trước các tổn hại do chất cồn gây ra. Phòng tuyến bảo vệ đầu tiên của cơ thể là một nhóm các enzyme có tên là aldehyde dehydrogenases (ALDH). Những enzyme này phá vỡ và biến chất acetaldehyde thành acetate, để các tế bào sử dụng làm nguồn năng lượng sau đó.

Trong cuộc khảo sát, khi cho các con chuột thiếu một enzyme ALDH quan trọng uống rượu, nguy cơ chuỗi DNA bị tổn hại trên con chuột này cao gấp bốn lần so với các con chuột có phiên bản enzyme hoạt động bình thường.

Ông Patel khẳng định các tế bào còn có một phòng tuyến bảo vệ thứ hai dưới hình thức một loạt hệ thống sửa chữa DNA. Trong phần lớn các trường hợp, hệ thống này có thể giúp cơ thể sửa chữa và khôi phục các loại tổn hại DNA khác nhau.

Nhưng trong một số trường hợp và một số người, đặc biệt là những người từ Đông Nam Á, hệ thống sửa chữa này không làm việc, đồng nghĩa với việc các tế bào của họ không thể tự sửa chữa một cách hữu hiệu.

Theo GS Patel: "Cần nhớ rằng các hệ thống loại bỏ chất cồn và sửa chữa DNA là không hoàn hảo, và chất cồn vẫn có thể gây ra ung thư theo nhiều cách khác nhau, thậm chí ở cả những người mà hệ thống tự vệ không bị ảnh hưởng". Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu có kế hoạch sẽ tìm hiểu xem tại sao việc uống rượu lại chỉ gây nguy cơ cao đối với một số loại ung thư nhất định mà không có ảnh hưởng đối với các loại khác.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới đã liệt chất cồn là chất gây ung thư Nhóm 1, do có "các chứng cứ thuyết phục" về việc nó gây ung thư ở người. Một nghiên cứu được công bố năm 2011 đã phát hiện rằng chất cồn là nguyên nhân của khoảng 4% số ca ung thư ở Anh, tương đương với khoảng 12.000 ca mỗi năm.

Theo PV - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X