Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo kiến ba khoang "tấn công" cư dân, sinh viên

Gần đây, một số ban quản lý chung cư, ký túc xá các trường đại học tại TPHCM ra thông báo "cảnh giác" với kiến ba khoang.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều nơi

Ngày 30.5, theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, nhiều địa điểm như chung cư, ký túc xá các trường đại học trên địa bàn TPHCM đã đưa ra thông báo, về việc “Phòng chống viêm da do tiếp xúc với côn trùng”, “Khuyến cáo phòng chống dịch kiến ba khoang”,…

Kiến ba khoang chứa độc tính mạnh gây hại cho da. Ảnh: ST.

Theo đó, tại chung cư City Gate Towers (ngày 21.5) khi phát hiện tình trạng cư dân bị kiến tấn công, Ban Quản lý (BQL) đã gửi thông báo khuyến cáo phòng chống dịch kiến ba khoang.

Đại diện chung cư này cho biết, mùa mưa tới là điều kiện thuận lợi cho kiến ba khoang phát triển, được biết loại kiến ba khoang có cánh (Nairobi fly) rất phổ biến ở các vùng có khí hậu ẩm ướt.

“Kiến ba khoang thường xuất hiện ở chung cư, có vài trường hợp kiến đốt, nhưng không bị nặng. Tuy nhiên do độc tố của loài kiến này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em,… nên chung cư đưa ra khuyến cáo để cư dân phòng tránh.

Theo đó, BQL chung cư kêu gọi cư dân hạn chế mở rèm, mở cửa sổ vào ban đêm; mắc màn khi ngủ; vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây cảnh quanh nơi ở; tránh đứng dưới ánh sáng đèn nơi công cộng; giũ mạnh khăn mặt, áo quần trước khi dùng,…

Tương tự, tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cũng thông báo về việc phòng chống dịch bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng: “Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa, thời điểm để côn trùng sinh sôi phát triển.

Ký túc xá với khuôn viên rộng, xung quanh có chức bãi cỏ, hổ thước, công trình đang xây dựng là môi trường lý tưởng để côn trùng trú ẩn và phát triển, đặc biệt là kiến ba khoang

“Buổi tối kiến ba khoang bay vào trong phòng tập trung với ánh đèn và tiếp xúc với những vật dụng trong phòng như: khăn, giường chiếu, mùng mản, quần áo....

Khi da chúng ta tiếp xúc với dịch tiết kiến ba khoang trực tiếp hoặc dinh trên vật dụng thì sẽ làm da bị viêm”, BS Nguyễn Thị Trọng, Trạm y tế Đại học Quốc gia TPHCM cho biết.

Gây nhiều tổn thương cho da

Về loại kiến ba khoang, BS Phan Thị Thùy Thao, Khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 11 TPHCM cho biết, theo Cục Y Tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Khi bị kiến ba khoang đốt có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

“Đặc điểm lâm sàng khi bị kiến ba khoang đốt thường gây viêm da, có thể bị nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay”, BS Thao cho biết thêm.

Theo BS Thao: "Khi bị kiến ba khoang đốt, cần dùng cồn 70 độ hoặc xà phòng dịu nhẹ rửa sạch vùng da bị thương tổn để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da. Sau đó đến ngay BS Da Liễu để được khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng không đáng có.

Không tự ý mua thuốc điều trị theo hướng zona hoặc giời leo, tự ý bôi các thuốc màu, lá cây, các biện pháp dân gian khác làm cho vết thương bị loét, lan rộng thậm chí nhiễm trùng".

Theo Kim Đồng - Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X