Hotline 24/7
08983-08983

Cảnh báo điếc đột ngột

Nhiều người bỗng dưng nghễnh ngãng, thậm chí điếc nặng. Hiện tượng điếc đột ngột có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Sau giấc ngủ trưa, anh Nguyễn Ngọc Tuấn, 30 tuổi, ở Hà Nội, phát hiện bị ù tai. Nghĩ là hiện tượng bình thường nên anh không đi khám. Vài ngày sau, anh thấy tai trái không nghe rõ nên mới đi khám. Tại Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng Trung ương, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị "điếc đột ngột" và phải nhập viện điều trị.

Theo nhiều chuyên gia y tế, điếc đột ngột (mất sức nghe đột ngột và diễn biến nhanh trong vòng vài giờ đến vài ngày) dễ xảy ra ở nhóm người làm việc văn phòng, học sinh, những người làm việc trong môi trường có nhiều tiếng ồn và công việc căng thẳng.

Trước kia, điếc đột ngột thường xuất hiện ở người trưởng thành và người lớn nhưng hiện người trẻ tuổi, thậm chí có trẻ 6-7 tuổi, đã bị mắc bệnh này. Nghễnh ngãng đột ngột thường bắt đầu ở 1 bên tai, chiếm khoảng 85%, số còn lại ở cả 2 tai.

Triệu chứng ban đầu của bệnh điếc đột ngột là ù 1 bên tai, sau đó nghe kém, điếc hẳn và có thể điếc đặc. Ước tính, cứ khoảng 100.000 người thì có 5-10 trường hợp bị điếc đột ngột.

Thống kê tại nhiều BV cho thấy, điếc đột ngột có xu hướng gia tăng. Riêng tại BV Tai Mũi Họng TPHCM, nếu năm 2013, trung bình mỗi tháng, BV chẩn đoán cho khoảng 73 trường hợp điếc đột ngột thì năm 2014 là 93 bệnh nhân/tháng.

TT.jpg Hiện nay có nhiều người bị mắc phải chứng bệnh điếc đột ngột (Ảnh minh họa)

Nguy cơ mất thính giác vĩnh viễn

Hiện các chuyên gia y tế chưa phát hiện nguyên nhân chính gây điếc đột ngột, bệnh có thể do nhiều tác nhân: Tắc mạch máu nhỏ nuôi tai trong; do siêu vi trùng; khối u thần kinh thính giác, nhiễm độc thuốc hoặc uống rượu, hút thuốc thường xuyên. Điếc đột ngột cũng có thể do căng thẳng thần kinh, stress kéo dài, làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn và kéo dài; biến chứng của cảm cúm, sốt siêu vi; chấn thương thần kinh thính giác...

Điếc đột ngột nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ để lại di chứng điếc nặng, điếc vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan, khi bị ù tài, có dấu hiệu không nghe rõ ở 1 trong 2 tai, không đi khám sớm nên bệnh diễn tiến nặng.

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng TƯ, điếc đột ngột là bệnh cần cấp cứu nên việc điều trị phải được tiến hành ngay khi phát hiện bệnh. Điều trị điếc đột ngột càng sớm thì hiệu quả càng cao. Nếu điều trị trong 24 giờ đầu, thính lực có thể hồi phục hoàn toàn. Còn điều trị trong tuần đầu, khả năng khỏi 70%-80%; sau 1 tuần chỉ còn khoảng 20%-30%; nếu để sau 3 tuần mới điều trị, có thể bị điếc vĩnh viễn.

Phòng, tránh bệnh điếc đột ngột:

- Không để bị chấn thương ở vùng đầu, tai;

- Không lấy ráy tai bằng dụng cụ chung hoặc đưa vật lạ vào tai vì dễ gây viêm nhiễm và tổn thương cho tai;

- Tránh stress, cần có chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý;

- Tránh những nơi có tiếng ồn lớn;

- Không để rơi vào trạng thái cảm xúc quá giận dữ, bực tức;

- Hạn chế nghe nhạc bằng tai nghe;

- Giữ gìn sức khỏe, ăn uống đủ dưỡng chất, hạn chế rượu, bia, thuốc lá… để có sức đề kháng với các loại siêu vi trùng...

Nếu chẳng may bị điếc đột ngột, người bệnh cần đến các cơ sở y tế, tốt nhất là BV có chuyên khoa Tai Mũi Họng trong vòng 24 giờ để được điều trị sớm, tránh để lâu vì khả năng phục hội sức nghe giảm, thậm chí có thể mất thính giác vĩnh viễn.

Theo Gia Huy - Thế giới phụ nữ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X