Hotline 24/7
08983-08983

Căng thẳng thường trực với bác sĩ Nhà Trắng

Bác sĩ của tổng thống Mỹ là vị trí rất quan trọng, không phải ai cũng có thể đạt được. Tuy nhiên, ngoài danh tiếng, công việc này còn đem tới sự căng thẳng khủng khiếp.

Khi Tổng thống Mỹ công du, trong lúc các đặc vụ dò tìm bom đạn thì bác sĩ Nhà Trắng truy mầm bệnh và "tránh xa khu vực ám sát".

Bác sĩ Connie Mariano có 9 năm đảm nhận vị trí bác sĩ của tổng thống thời Bill Clinton và cha con Bush. Theo New York Times, bà Connie Mariano là người Mỹ gốc Philippines đầu tiên trở thành chuẩn đô đốc, cũng là người phụ nữ đầu tiên trong quân đội trở thành bác sĩ của Nhà Trắng.

Trong tự truyện The White House Doctor: My Patients Were Presidents - a Memoir, bà Mariano tiết lộ phần lớn nhân viên y tế Nhà Trắng xuất thân từ quân đội. Các bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau và do đích thân tổng thống lựa chọn.

Giải thích điều này, bác sĩ Mariano cho biết ít bác sĩ dân sự có thể đột ngột nghỉ việc bốn năm. Hơn nữa, đội ngũ y tế là những người phản ứng đầu tiên trong các tình huống khẩn cấp nên "chẳng khác nào thực hành quân y".

Ngoài người đứng đầu đất nước, đội ngũ y tế Nhà Trắng gồm 24 nhân viên do bác sĩ Mariano quản lý còn có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho phó tổng thống cùng thân nhân, đôi khi cả nhân viên và khách mời của Nhà Trắng. Tuy nhiên, tổng thống vẫn là ưu tiên số một. Nếu tổng thống hoặc thành viên gia đình cần được trợ giúp, mọi đối tượng khác đều bị bỏ qua, bất kể tình trạng nghiêm trọng đến đâu.

Làm việc với tổng thống - tổng tư lệnh quân đội Mỹ, các bác sĩ ở Nhà Trắng khó tránh khỏi áp lực vì quân hàm thấp hơn bệnh nhân, từ đó khiến mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân trở nên căng thẳng.

"Bất cứ khi nào tổng thống hành xử thái quá, hình ảnh tòa án quân sự lại xuất hiện trong đầu tôi", bác sĩ Mariano thừa nhận.
Năm 1997, bác sĩ Mariano đã nhượng bộ Tổng thống Bill Clinton khi ông nhất định đến Helsinki (Phần Lan) để gặp Tổng thống Nga Boris N. Yeltsin, chỉ bốn ngày sau ca phẫu thuật gân cơ đùi trước. Lần ông Clinton bị viêm dạ dày mà vẫn tiếp tục làm việc, bác sĩ Mariano "quyết định một cách cứng rắn" nói rằng bà sẽ thông báo với đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. "Được, tôi sẽ nghe lời cô", Clinton cuối cùng nghe theo bác sĩ.

Năm 1998, đến lượt bà Cliton gặp vấn đề sức khỏe. Đệ nhất phu nhân khi ấy bị viêm tĩnh mạch đồng thời xuất hiện cục máu đông, song bà từ chối nhập viện. Đội ngũ y tế đành chăm sóc bà Clinton như bệnh nhân ngoại trú và sử dụng một loại thuốc làm loãng máu mới.

Ngoài các sự việc trên, bác sĩ Mariano không gặp mâu thuẫn nào khác với các "bệnh nhân cấp cao". Nếu có, bà khẳng định sẽ nghỉ việc. Các bác sĩ khác thuộc Nhà Trắng cũng đưa ra cam kết tương tự.

Để đảm bảo sức khỏe cho người đứng đầu đất nước, các đặc vụ và nhân viên y tế Nhà Trắng phải cảnh giác cao dù tổng thống cảm thấy ổn. Rich Miller, cựu đặc vụ cấp cao của Tổng thống Bush cha thậm chí bất an đến độ nói với bác sĩ Mariano: "Vấn đề không phải là tổng thống có bị ám sát không, mà là khi nào".

Trước mỗi chuyến đi của tổng thống Mỹ, như các đặc vụ, đội ngũ y tế Nhà Trắng phải khảo sát điểm đến, đánh giá các cơ sở y tế và trao đổi với một số bác sĩ địa phương được tuyển chọn. "Các đặc vụ truy tìm bom đạn còn chúng tôi truy tìm mầm bệnh", bà Mariano nói.

Đội ngũ y tế được huấn luyện tránh xa "khu vực ám sát" xung quanh tổng thống để hạn chế rủi ro dính đạn lạc. Họ cũng mặc thường phục vì quân phục khiến họ dễ trở thành mục tiêu.

"Bạn không thể điều trị cho tổng thống nếu đã chết", bác sĩ Mariano giải thích.

Minh họa thực tế khắc nghiệt của công việc, bác sĩ Mariano cho biết bác sĩ dân sự làm việc tối đa 80 tiếng một tuần, bác sĩ quân y trực tối đa 18 tiếng mỗi lần nhưng bác sĩ Nhà Trắng luôn phải sẵn sàng. Có lần, bác sĩ Mariano làm việc liên tục 50 giờ.

Bác sĩ ở Nhà Trắng lúc nào cũng mang một túi đồ y tế nặng. Họ thường xuyên bị jet lag do thay đổi múi giờ nhưng phải tránh sử dụng thuốc ngủ. Để nhân viên không kiệt sức, bác sĩ Mariano đưa ra quy định "không làm quá 24 giờ mà không nghỉ". Bên cạnh đó, mỗi lần đi nước ngoài, bà sắp xếp lịch trình xoay vòng để các bác sĩ trên chuyến bay có thể tới khách sạn ngủ trong khi đồng nghiệp dưới mặt đất tiếp quản công việc.

Bên cạnh sự mệt mỏi kéo dài, bác sĩ Nhà Trắng còn đối mặt với vô vàn khó khăn cá nhân. Bác sĩ Mariano trì hoãn đi khám bệnh ở cổ cho tới khi cơn đau trở nặng dẫn đến tê dại cánh tay. Cuộc sống hôn nhân của bà cũng đổ vỡ vì chồng cảm thấy vợ vắng nhà quá nhiều, như thể không tồn tại.

Bác sĩ Mariano đi cạnh cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: Dennis Cook/Associated Press

Nếu phạm sai lầm, bác sĩ Nhà Trắng sẽ đánh đổi cả sự nghiệp. Năm 1994, khi Tổng thống Clinton lên kế hoạch cho một chuyến đi nước ngoài, đại tá Bob Ramsey, chuyên gia huyết học tại Nhà Trắng bị sa thải vì gửi nhầm nhóm máu của tổng thống cho bệnh viện nước chủ nhà.

Ngược lại, những hành động anh hùng của đội ngũ y tế Nhà Trắng ít khi được công nhận. Tại bữa tiệc Giáng sinh cuối cùng của Tổng thống Bush cha trước ngày rời nhiệm sở, bà Mariano chứng kiến một người đàn ông đứng gần đột nhiên khò khè sau đó tự ôm lấy cổ họng. Bà nhận ra anh ta bị nghẹn và lập tức thực hiện thủ thuật Heimlich, giúp người đàn ông ho ra một miếng tôm. Khi đã ổn định sức khỏe, anh này liền bỏ đi mà không nói một lời cảm ơn.

Năm 2001, bác sĩ Mariano rời khỏi Hải quân và Nhà Trắng. Hiện bà vẫn tiếp tục hành nghề y tại một cơ sở tư nhân.

Phụ trách chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống Donald Trump hiện tại là bác sĩ Sean Conley.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X