Hotline 24/7
08983-08983

Cẩn trọng khi tự làm... bác sĩ điều trị đau mắt đỏ trong đỉnh dịch

Chỉ trong vòng một tuần, số ca mắc đau mắt đỏ ở Hà Nội tăng đột biến khiến nhiều người hoang mang không biết làm thế nào để phòng bệnh khi sống trong "ổ dịch".

Thậm chí, có những người tự làm bác sỹ đã dẫn đến hậu quả khôn lường.

Thay đổi thời điểm đỉnh dịch

Ngày 24/9, bộ Y tế cho biết dịch đau mắt đỏ đang tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, trong đó số ca mắc nhiều nhất tập trung tại Hà Nội. Theo trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến thời điểm này đã ghi nhận khoảng 6.000 trường hợp bị đau mắt đỏ.

Tính từ đầu vụ (từ tháng 7) đến ngày 14/9 có 1.870 trường hợp mắc. Tuy nhiên, trong khoảng một tuần gần đây đã có thêm hơn 4.000 ca mắc mới.

Tại BV Mắt Trung ương, số bệnh nhân tới khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ cũng tăng rất cao, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 1.400-1.700 bệnh nhân, trong đó có 40% là bệnh nhân đau mắt đỏ.

Cùng với Hà Nội, một số tỉnh thành phía Bắc như: Bắc Ninh, Tuyên Quang... có số người mắc đau mắt đỏ cũng đang tăng nhanh. Theo các chuyên gia y tế, thông thường đỉnh dịch bắt đầu từ tháng 7 tới tháng 11 nhưng năm nay đầu tháng 9, số người bị đau mắt đỏ mới tăng cao.

Cẩn trọng tự làm... bác sĩ điều trị đau mắt đỏ trong đỉnh dịch - Ảnh 1

Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại BV Mắt Trung ương đã có trường hợp bệnh nhân nặng và biến chứng vì do tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Chị Nguyễn Thị Huỳnh (Mê Linh, Hà Nội) buồn rầu kể: Con gái chị được 15 tháng tuổi bị đau mắt đỏ mấy ngày nay.

Chị Huỳnh đã mua thuốc nhỏ mắt cho con. Cháu bé được mẹ và bà chăm cẩn thận chu đáo. Tuy nhiên, sau 4 ngày nhỏ thuốc không đỡ, thấy mắt con sưng húp lại có hiện tượng "chảy máu mắt", chị Huỳnh mới tá hoả đưa con đến bệnh viện. Khi đến bác sỹ cho biết cháu bị viêm kết mạc cấp mật độ nặng dẫn đến xuất huyết niêm mạc.

Chị Huỳnh cũng cho biết thêm, cả nhà chị thay nhau mắc bệnh, thậm chí có gia đình trong khu dân phố mọi người cùng mắc bệnh ở một thời điểm khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn, cuộc sống đảo lộn.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, dịch đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn ngoại thành Hà Nội ghi nhận sự bùng phát của dịch này. Nhiều học sinh phải nghỉ học, nhiều người phải nghỉ làm để tránh lây lan cho cộng đồng. Một số cửa hàng thuốc có hiện tượng "cháy" loại thuốc nhỏ mắt Tobrex, Tobrin.

Trao đổi với phóng viên báo Đời Sống và Pháp Luật, BS Hoàng Cương- BV Mắt Trung ương cho biết: Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.

Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa... là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.

Cũng theo BS Cương, để phòng chống lây lan mạnh và bùng phát thành dịch như năm 2013, bệnh viện đã có chủ trương và hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới, các cơ sở nhãn khoa trên toàn quốc về việc chẩn đoán và điều trị hướng dẫn có các đợt bùng phát lên.

Tuy nhiên, do cơ chế lây bệnh qua hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp qua tay - mắt, tiếp xúc với đồ vật dính nước mắt, dử mắt của người đau mắt đỏ nên người dân phải đặc biệt lưu ý đến cơ chế phòng bệnh.

Tự làm... bác sĩ - nhiều biến chứng nguy hiểm

Sáng 24/9, trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Phu - cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo: "Trong đợt dịch năm 2013, đã có rất nhiều trường hợp bị tai biến nặng do tự mua thuốc về điều trị. Điều đó rất nguy hiểm.

Thậm chí, có những người tự chữa theo phương pháp dân gian xông lá trầu không. Nhưng do bệnh nặng, việc xông lá trầu đã gây phản tác dụng. Bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, giảm tỷ lệ biến chứng.

Bệnh có thể dẫn đến chứng như viêm giác mạc, nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực".

Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có dử. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh.

Theo TS Trần Đắc Phu, khi bị đau mắt đỏ không nên ăn các chất tanh của hải sản như cá, mực, tôm, cua... vì những thực phẩm này sẽ làm cho tình trạng đau mắt đỏ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Kiêng các gia vị cay, nóng, các loại thực phẩm như tỏi, ớt, hành, hẹ... sẽ gây cảm giác rát, cay nóng cho mắt dẫn đến tình trạng làm mắt đỏ hơn. Không nên uống rượu bia vì đây là các chất kích thích có thể làm giảm tầm nhìn, giảm khả năng nhận biết nhạy bén của mắt khiến bệnh càng nặng hơn.

Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid, kháng sinh, thuốc chống phù nề khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng lá cây trầu, lá dâu... để xông mắt và đắp mắt theo cách chữa trị dân gian (cần tham khảo ý kiến của bác sỹ khi chữa bệnh bằng phương pháp này) vì có thể gây bỏng mắt, trợt giác mạc và sưng nề hơn.

Nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh kết hợp

BS Hoàng Cương khuyến cáo: "Thực tế đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên những người bị đau mắt rồi vẫn có thể bị nhiễm lại.

Vì vậy, người dân cần vệ sinh sạch sẽ, lưu ý rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ nhỏ bởi do trẻ có kháng thể yếu, nếu bị nhiễm virus đau mắt đỏ sẽ rất dễ bị mắc các bệnh kết hợp".

AloBacsi.vn
Theo Hạnh Lan - Đời sống và Pháp luật

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X