Hotline 24/7
08983-08983

Cận kề trung thu, cẩn thận trẻ bị hóc, sặc khi ăn hoa quả, chơi đồ chơi

Trung thu là mùa hoa quả dồi dào và là dịp trẻ nhận được nhiều món đồ chơi. Vì thế các bậc phụ huynh cần thận trọng kẻo trẻ bị hóc, sặc khi ăn hoa quả và chơi đồ chơi.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn hóc, sặc

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn hóc, sặc ở trẻ em như cho trẻ ăn lúc đang khóc, trẻ vừa ăn vừa cười đùa, cho ăn không đúng tư thế, trẻ lời ăn nên bóp mũi để trẻ há miệng.

Để trẻ tự ăn hoa quả có hạt bên trong như na, nhãn, vải… hoặc tự xúc các món ăn dễ hóc, sặc như thạch rau câu, hạt lạc, đỗ tương, cá còn xương…

Do người lớn không cẩn trọng cất kín, để cao… những vật dụng nhỏ, nguy hiểm như: đinh ốc, viên bi, thuốc… khiến trẻ tò mò cho vào miệng và nuốt.

Cận kề trung thu, cẩn thận trẻ bị hóc, sặc khi ăn hoa quả, chơi đồ chơi - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Biểu hiện trẻ bị hóc, sặc

Trẻ đang ăn uống hay ngậm chơi những đồ vật nhỏ đột ngột ho sặc sụa để tống dị vật ra ngoài, khó thở, quấy khóc, trợn mắt, mặt tím tái.

Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong.

Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Sau đó trẻ trở lại bình thường, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt ho sặc tương tự trở lại, rất dễ tử vong trong giai đoạn này.

Mức độ nguy hiểm khi trẻ bị hóc, sặc

Khi bị hóc, sặc nhẹ trẻ khó chịu, quấy khóc, đau rát... Mức độ nặng hơn, nếu trẻ bị bít đường thở sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Với dị vật to tuy khó gây sặc hơn nhưng lại nguy hiểm hơn do có thể gây bít tắc đường hô hấp lớn. Những vật này rơi vào đường thở bị kẹt lại làm bít tắc đường hô hấp gây ngạt thở cấp, trẻ không thở được tử vong nhanh hay để lại các di chứng não suốt đời nếu không xử trí kịp thời.

Cận kề trung thu, cẩn thận trẻ bị hóc, sặc khi ăn hoa quả, chơi đồ chơi - ảnh 2Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Các vật sắc nhọn còn đâm thủng gây loét, trầy xước đường thở. Đâm xuyên vào các cơ quan xung quanh, hay vào mạch máu gây chảy máu. Dị vật rơi sâu xuống phế quản, ở lâu gây viêm nhiễm, viêm phổi kéo dài, áp xe phổi,.. ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ rất khó chữa trị.

Cách xử lý

Tùy từng mức độ của trẻ mà quyết định có sơ cứu hay đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để gắp dị vật.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột..

Cách sơ cứu với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực

+ Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.

Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.

Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.

Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện phápép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich

Cận kề trung thu, cẩn thận trẻ bị hóc, sặc khi ăn hoa quả, chơi đồ chơi - ảnh 3Hình ảnh sơ cứu trẻ bị sặc. Nguồn suckhoedoisong.vn

- Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.

Trường hợp hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.

Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.

Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.

Cách phòng tránh tai nạn hóc, sặc ở trẻ

Khi cho trẻ nhỏ ăn, hạn chế nô đùa, hỏi chuyện trẻ; cho trẻ ăn thức ăn thích hợp theo độ tuổi; cho trẻ ăn miếng nhỏ và dừng ngay khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn; khi ăn nên bế trẻ hoặc để trẻ ngồi, không cho ăn khi trẻ đang nằm, khi trẻ còn ngái ngủ, khi đang khóc.

Cận kề trung thu, cẩn thận trẻ bị hóc, sặc khi ăn hoa quả, chơi đồ chơi - ảnh 4Cẩn thận cho trẻ ăn nhãn. Nguồn internet.

Đối với trẻ lười ăn, không chịu há miệng khi cho ăn, một số bà mẹ thường bịt mũi để trẻ phải há miệng ra, điều này hết sức nguy hiểm bởi trẻ sẽ hít vào kèm luôn cả thức ăn qua đường miệng.

Khi cho trẻ ăn hoa quả, nhất là quả có hạt rất dễ nguy hiểm, cần bỏ hết hạt trước khi cho trẻ ăn.

Trong gia đình, tại lớp học mọi đồ vật phải được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, đặc biệt là các vật nhỏ như viên bi, hạt nhựa, cúc áo, đồng xu... và các vật nhỏ khác dễ cho vào miệng phải để xa tầm với của trẻ.

Ngay cả khi cho trẻ chơi các đồ chơi, phụ huynh cần để mắt tới lúc trẻ đang chơi để kiểm soát khi trẻ tháo, cắn, bẻ nhỏ đồ chơi lớn thành bé rồi nuốt cho vào miệng, dễ gây tai nạn và nguy hiểm cho trẻ.

Theo Nhị Xuân - Tổ quốc

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X