Hotline 24/7
08983-08983

Căn bệnh thường chỉ mắc mùa đông xuân giờ hè cũng không hiếm

Bệnh cúm A thường xuất hiện vào mùa đông xuân, nhưng thời điểm này các bệnh viện đã ghi nhận những bệnh nhi mắc cúm A trong ngày hè. Sự bất thường này do đâu và những lưu ý không thể bỏ quan để tránh cúm A trong ngày hè, bạn nên biết.

Bé N.L.T 18 tháng tuổi (ở Tứ Kỳ, Hải Dương) vào viện khám trong tình trạng sốt 39 độ C, kèm ho, chảy dịch mũi. Sau khi được bác sĩ thăm khám và thực hiện các chẩn đoán xác định bệnh, kết quả cho thấy bé bị cúm A. Khai thác sâu hơn về trường hợp bé T, mẹ bé chia sẻ trong gia đình cũng có người mắc cúm, do không áp dụng biện pháp phòng ngừa tại nhà đã lây sang bé T. Điều này khiến cho gia đình rất bất ngờ vì bệnh cúm A thường là dễ mắc ở mùa đông xuân, hiện đang trong những ngày hè nóng nực.


Cúm A giờ không chỉ xuất hiện mùa đông xuân mà ngày hè cũng dễ mắc. Ảnh minh họa
Cúm A giờ không chỉ xuất hiện mùa đông xuân mà ngày hè cũng dễ mắc. Ảnh minh họa

BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A thuộc các chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Bệnh thường gặp ở thời điểm giao mùa đông xuân. Tuy nhiên, gần đây bệnh xuất hiện nhiều ở mùa hè, điều này có thể do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi dịch tễ học của bệnh.

Khi mắc cúm A bệnh diễn tiến dai dẳng. Ở những người khỏe mạnh bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên một số ít trường hợp mắc bệnh không điều trị dễ gây biến chứng nặng có thể đe dọa tới tính mạng. Ở trẻ em, người già yếu hoặc những người mắc những bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch... thường dễ mắc các biến chứng viêm tai, viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng…

Cúm A cũng như các loại cúm B thường có các triệu chứng viêm long đường hô hấp khởi phát cấp tính: ho, sốt, chảy dịch mũi, nên dễ chẩn đoán nhầm.

Người bị cúm A thường có những biểu hiện như sốt trên 38 độ C, có thể kèm theo ớn lạnh và đổ mồ hôi; Ho khan, nghẹt mũi, chảy nước mũi; Nhức đầu, đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân; Mệt mỏi, chán ăn hoặc suy nhược; Nôn ói, tiêu chảy.

Điều quan trọng trong chẩn đoán và điều trị cúm đó là chẩn đoán sớm và phát hiện các biến chứng kịp thời. Khai thác yếu tố dịch tế đúng, tỉ mỉ giúp định hướng chẩn đoán chính xác hơn ngay từ thời điểm ban đầu thăm khám. Vậy nên khi có những biểu hiện bệnh cần đưa đi khám sớm để phát hiện các biến chứng kịp thời.

Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại nhà

Cúm A là bệnh truyền nhiễm, dễ lay lan qua đường hô hấp. Trong khi đó thời tiết nóng nực làm con người ăn, ngủ kém, mất nước, sự thải thân nhiệt khó khăn làm suy giảm sức đề kháng cơ thể. Do vậy, đây là thời điểm dễ nhiễm nhiều loại bệnh nhất, trong đó có cúm A.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cần chủ động phòng ngừa bệnh có thể lây sang người khác bằng cách như:

- Khi người mang bệnh ho/hắt hơi làm phát tán virus vào tay, chân, quần áo, các đồ vật xung quanh; tay trẻ vô tình tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng nói trên, sau đó tay trẻ lại tiếp xúc với mắt, mũi, miệng của mình tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập vào cơ thể.

- Khi người bệnh ho/hắt hơi làm phát tán virus vào không khí và có thể xâm nhập trực tiếp vào đường hô hấp của những trẻ gần đó khi hít phải.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ khi đã được chẩn đoán bệnh cần áp dụng các biện pháp chăm sóc đặc biệt để tránh bệnh nặng thêm và lây truyền cho người khác bằng những cách sau:

- Cách ly: Hạn chế ra khỏi phòng, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang cho trẻ; hạn chế người vào thăm hỏi, tiếp xúc với trẻ nếu không thực sự cần thiết.

- Vệ sinh và chăm sóc:

+ Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

+ Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tăng tiết, sự tím da, môi và đầu ngón tay.

+ Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C.

+ Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.

+ Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi, thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.

- Việc dùng thuốc cần phải theo đúng chỉ định của bác sỹ.

Theo Hà My - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X