Hotline 24/7
08983-08983

Căn bệnh gây cụt chân mù mắt do lối sống

Bà Nguyễn Thị H. Y trú tại Hoàng Mai, Hà Nội 61 tuổi tâm sự về căn bệnh có biến chứng kinh khủng khi bà phải sống chung với nó gần 10 năm nay.

BS Trang đang chăm sóc cho bệnh nhân vừa cắt cụt chi do dẫm phải gai

Mù mắt, cụt chân

Bà Y. làm nghề bán phở hơn 20 năm nay tại Hà Nội, công việc dù vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng lại rất ít vận động đi lại. Chính vì thế, từ 43 kg đến sau thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh bà tăng lên 64 kg rồi càng ngày càng béo, vòng hai phì nộ.

Bà Y. đi kiểm tra và phát hiện tiểu đường tuyp 2 vào năm 2007. Nói về nỗi khổ của căn bệnh này, bà Y. cho biết “không cái gì khổ bằng nó đâu cháu ạ, bị bệnh này sống chung với nó suốt đời đã đành nhưng chỉ cần đứt tay, chai chân thì cũng đủ khổ”.

Cách đây 3 năm, bà Y. có u ở ngực, may là u lành nhưng lại kích thước to nên bác sĩ khuyên bà mổ. Tuy nhiên, đối với người bình thường vào viện mổ chỉ nằm 1 tuần nhưng thời gian bà Y. vào viện mổ đến lúc ra viện tận 1, 5 tháng vẫn không liền được vết thương, không những thế vết thương còn chảy dịch mãi không lành rất khổ sở.

Hơn 1 năm sau, bà lại bị biến chứng giác mạc hành hạ. Từ những mộng mắt đo đỏ lan trong vòng 4 ngày khiến bà Y. không nhìn thấy gì. Bà vào bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán biến chứng võng mạc do tiểu đường và một lần nữa bà lại phải vào viện mổ cấp cứu và may mắn tránh được nguy cơ mù loà.

Còn chân bà Y. hầu như không đi lại được vì vết chai ở chân, không những thế thi thoảng bà lại phải vào viện. Nhìn vết chai chỉ bằng đầu ngón tay, sưng và hơi đau nhưng khi xuống đến viện bác sĩ xem mới biết vết chai này đã bị hoại tử bên trong với lỗ to như lòng bàn tay.

Bác sĩ cho biết, những bệnh nhân như bà không bao giờ liền được vết thương và điều trị dứt điểm được nó nên đôi khi bà Y. cảm thấy chán nản vì tháng nào cũng phải vào viện nằm điều trị mấy ngày.

Vì chân đau nên không tập thể dục được, thêm đường huyết cao, và tăng cân do một số phản ứng của thuốc trị tiểu đường nên cân nặng của bà Y. càng ngày càng tăng không có giảm. Vòng tròn luẩn quẩn bệnh lý như kéo bà xuống “đáy” của niềm tin vào cuộc sống.

Còn trường hợp của ông Trần Văn Đ. trú tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang thì kém may mắn hơn khi ông bị mờ cả đôi mắt do biến chứng của tiểu đường, điều đặc biệt trước đó, ông Đ. không hề biết mình bị tiểu đường, chỉ đến khi mắt mờ, không nhìn xa được, ông nghĩ đó là do tuổi tác nhưng chỉ 1 tuần sau ông đã bị mờ cả hai mắt vì đến viện quá muộn nên các bác sĩ cũng không thể giúp ông nhìn sáng hơn được. Giờ đôi mắt của ông nhìn không rõ, xunh quanh chỉ một màu trắng đục.

Mất chân chỉ vì... cái gai

Theo ThS.BS Đặng Thị Mai Trang - Phụ trách khoa Chăm sóc bàn chân của BV Nội tiết Trung ương, biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường như của bệnh nhân Y. là bình thường vì hầu như 80 % bệnh nhân bị tiểu đường có biến chứng mạch máu ngoại vi gây nên cảm giác tê, mất cảm giác và có thể mất chân khi có vết thương, vết trầy xước trên da mà không điều trị kịp thời.

Khoa Chăm sóc bàn chân đang điều trị cho trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị Nguyệt, trú tại Tuyên Quang cũng phải cắt chân vì bệnh nhân dẫm phải cái gai trong lúc đi làm và chỉ vài ngày sau vết thương sưng lên rồi hoại tử dần.

Khi đến BV Nội tiết Trung ương khám thì bác sĩ cho biết không thể điều trị bảo tồn bàn chân cho bệnh nhân được nữa mà phải cắt bỏ đi. ThS Trang cho biết đây là điều đáng tiếc nhưng không phải bệnh nhân nào cũng biết được biến chứng bàn chân kinh khủng này.

Cùng biến chứng bàn chân, biến chứng võng mạc đang gia tăng kinh khủng ở bệnh nhân tiểu đường, nguy hiểm nhất là các bệnh nhân bị tiểu đường âm thầm không biết, chỉ đến khi xảy ra các biến chứng đi khám mới biết mình đã bị tiểu đường tuyp 2 từ lâu rồi, không quản lý đường huyết tố dẫn đến các biến chứng đáng tiếc như trên.

Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, kết quả từ thiệt hại các mạch máu của mô nhạy sáng ở phía sau của mắt (võng mạc). Lúc đầu, bệnh võng mạc tiểu đường có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có vấn đề tầm nhìn nhẹ. Tuy nhiên cuối cùng, bệnh võng mạc tiểu đường có thể dẫn đến mù loà.

Bệnh võng mạc tiểu đường có thể phát triển ở bất cứ ai có bệnh tiểu đường type 1 hay type 2. Bị tiểu đường và kiểm soát lượng đường máu kém càng có nhiều khả năng có phát triển bệnh võng mạc tiểu đường.

Theo P.Thúy - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X