Hotline 24/7
08983-08983

Cảm giác nóng bao tử sau khi ăn trưa, xin bác sĩ tư vấn cách khắc phục?

Do có việc bận đột xuất nên hôm nay, 22/6, BS Lan Hương trả lời bạn đọc qua email. Mời bạn đọc theo dõi nội dung buổi tư vấn dưới đây.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Jason – hoanghuy…@yahoo.com

Chào BS,

Em hay bị co rút bao tử (đoạn giữa ngực và rốn), cảm giác giống như bao tử co và duỗi ra như vậy nhiều lần, trước hay sau ăn đều bị. Em còn có cảm giác nóng bao tử sau khi ăn trưa nên cũng rất khó ngủ trưa. Mong BS tư vấn giúp em bị bệnh gì và cách trị? Em cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Như vậy là em đang có 2 khó chịu chính, đau quặn vùng dạ dày (bao tử) và nóng rát vùng dạ dày. Triệu chứng của em thường gặp trong bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra còn có thể gặp trong một số bệnh lý khác như bệnh đường mật, bệnh lý vùng gan trái (nằm trước dạ dày)...

Em cần khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để BS chẩn đoán xác định bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm, nếu nghi ngờ bệnh dạ dày thì tốt nhất nên nội soi dạ dày tá tràng xem viêm ở đâu, có loét không, có nhiễm Hp không) và kê thuốc thích hợp.

Song song đó em cần hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, em nhé


- Ngan – ngan…@gmail.com

Xin chào BS,

Chồng cháu đang điều trị bệnh lao được 4 tháng thì 2 vợ chồng có quan hệ, cháu có thai được 2 tháng (cháu không bị bệnh). Liệu cháu mang bầu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Liệu cháu có khả năng bị lây bệnh không? Đứa con cháu mang liệu có bị bệnh gì không ạ? Cháu cảm ơn BS ạ. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Khi bạn quan hệ tình dục, phát sinh những hành vi như hôn sâu, hôn có trao đổi nước bọt thì cũng có thể làm lây bệnh cho người bạn tình. Nó lây ở đường đấy chứ không phải lây ở đường quan hệ tình dục. Dù đã được điều trị đến tháng thứ 4 nhưng nếu trong đờm của chồng em vẫn còn vi khuẩn lao (BK+) thì khả năng lây bệnh cho vợ con rất lớn. Tuy trẻ sơ sinh ra đời được tiêm phòng lao ngay, nhưng cũng khó tránh được bị sơ nhiễm lao vì có nguồn lây nhiễm thường xuyên và gần gũi.

Muốn kết luận chính xác tình trạng bệnh lao của chồng em còn vi khuẩn lao hay không, cần phải đến cơ sở điều trị lao để biết rõ tổn thương lao đã ổn định chưa và trong đờm có còn vi khuẩn lao hay không, đồng thời kiểm tra sức khỏe hiện tại của em xem có nhiễm lao hay không.

Thuốc lao cũng ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng, nhưng chưa có ghi nhận là gây quái thai cho nên không có chống chỉ định mang thai. Nếu em lỡ mang thai rồi thì cách tốt nhất là khám thai định kỳ, theo dõi sát quá trình phát triển của thai, có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng tốt để tránh nhiễm lao (vì khi có thai, khả năng phòng bệnh của người mẹ suy giảm nên dễ nhiễm bệnh, đặc biệt khi gần gũi với nguồn lây).

Hỏi tiếp BS Hương

- Ngan – ngan…@gmail.com

BS ơi cho cháu hỏi tiếp ạ,

Vì cháu không trực tiếp đi khám cùng chồng nên cũng không rõ lắm. Ở trong nhà thì mọi người không nói chi tiết bệnh anh ấy cho cháu nghe. Cháu chỉ biết là xét nghiệm mẫu đờm 3 lần thì cả 3 đều không có, lần cuối cùng có chút đờm thì làm kết quả là AFB âm tính, các triệu chứng của bệnh thì BS có kết luận là lao phổi. 

Cháu muốn hỏi liệu chồng cháu có bị ung thư phổi không, hay là bị một bệnh nào khác? Và tại sao chồng cháu bị amidan hốc mủ bã đậu, uống thuốc nhiều lần mà không đỡ? Các bã đậu đó không hề mất đi mà ngày càng phát triển nhiều lên mặc dù nó không hề gây đau, chỉ thỉnh thoảng nuốt vướng. Liệu chồng cháu có bị ung thư amidan hay không ạ? Có khi nào do bệnh lao phổi gây ra không? Cháu cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp, thì chồng em bị mắc bệnh lao phổi AFB (-), nghĩa là người bệnh lao phổi không mang nhiều vi khuẩn lao trong dịch tiết đường hô hấp - đàm, do đó chưa phát hiện được vi khuẩn lao trong đàm khi xét nghiệm đàm (vi khuẩn lao rất khó phát hiện, đặc biệt khi số lượng ít), vì vậy khả năng lây cho người khác là không cao (nhưng vẫn có thể lây). Bởi vì đường lây chủ yếu của người bị lao phổi là khi người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ, sẽ thải vào không khí các hạt nhỏ li ti từ chất tiết của đường hô hấp, và vi khuẩn lao nằm trong dịch tiết, đàm nhớt này chính là nguồn lây bệnh lao cho người khác.

Ngoài ra, nếu hôn sâu có trao đổi nước bọt thì cũng là đường lây bệnh. Giai đoạn đầu điều trị thì nguy cơ lây bệnh cao hơn giai đoạn sau. Vi khuẩn lao trong bệnh lao phổi không có trong tinh dịch để lây cho vợ và cho thai theo đường quan hệ vợ chồng.

Vấn đề thứ hai của chồng em là viêm amidan mạn hốc mủ, nếu có từ trước khi có bệnh lao thì không phải do bệnh lao gây ra. BS khám hô hấp đã kiểm tra phổi và chẩn đoán là lao phổi, nghĩa là BS loại trừ chẩn đoán ung thư phổi. Còn ung thư họng miệng là một bệnh lý ác tính, rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt ở người không có tiền căn hút thuốc lá hay gia đình bị ung thư họng miệng. Bệnh lý thường gặp hơn cũng có thể gây viêm họng tái đi tái lại là viêm amidan mạn với yếu tố thuận lợi là môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá, bệnh lý răng miệng, trào ngược dạ dày thực quản, stress, dinh dưỡng kém, bia rượu...

Để phân biệt với ung thư họng miệng thì bác sĩ cần nội soi vùng hầu họng, xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Em nên khuyên chồng em đến BV Tai mũi họng để kiểm tra và cố gắng khắc phục các yếu tố thuận lợi gây viêm amidan tái đi tái lại, sau khi khám BS có thể cân nhắc cắt amidan khi có chỉ định.


- Phạm Văn Nhí – sevenhuy…@gmail.com

Thưa BS,

Trong khoảng thời gian em bị tai nạn khoảng 2 tháng nếu chân còn máu bầm thì chụp MRI không được đúng không ạ? Vậy em có thể uống thuốc và gia hạn thêm 6 tháng nữa rồi về chụp được không BS? Em cảm ơn BS nhiều lắm.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bị bầm chân vẫn có thể chụp MRI được em nhé, kết quả vẫn đọc tốt như thường. Ngoài ra, bầm chân thông thường chỉ cần 1-2 tuần là cải thiện đáng kể (có thể nhanh hơn nếu dùng thêm thuốc tan máu bầm, hay chườm ấm, xoa bóp nhẹ nhàng với dầu nóng, rượu thuốc).

Mặc khác, chụp phim MRI khớp gối là để cung cấp thông tin cho phẫu thuật, cho nên khi nào em sẵn sàng và đủ điều kiện làm phẫu thuật thì đến BV nhập viện và chụp MRI cùng thời điểm đó luôn là tiện nhất.


- Manh, 26 tuổi - minhmanh…@gmail.com

Chào BS,

Tự nhiên trong miệng tôi mọc 1 tí thịt màu trắng bằng đầu que tăm, không đau ở phía trong môi trên. Tôi hiện đang là thuỷ thủ, không đi gái gú gì cả. Xin BS cho tôi biết đó là bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Với thông tin em cung cấp, tôi nghĩ nhiều khả năng  đó là mụn nhiệt miệng, thường gặp ở người hay đi biển, nguyên nhân thường gặp là do chế độ ăn uống thiếu nước ngọt, thiếu vitamin và khoáng chất. Do vậy, em có thể theo dõi tiếp tiến triển của nốt trên, kèm với vệ sinh răng miệng đều đặn, tăng cường ăn rau xanh hoa quả, mỗi ngày cần bổ sung thêm viên multivitamin, khoáng chất và acid amin, quan trọng là vitamin PP, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều gia vị, không hút thuốc lá, rượu bia và uống đủ nước.

Tuy nhiên, vì không khám trực tiếp cho em nên mọi tư vấn chỉ mang tính tham khảo, an toàn nhất là em nên khám ck tai mũi họng, đặc biệt khi nốt bất thường trên tiến triển lan rộng và không bớt khi áp dụng các phương pháp kể trên.


- Zoo Shin, 24 tuổi – zooshi…@gmail.com

Chào BS,

Gần đây em có cảm giác nghi ngờ mọi người, không tin tưởng ai cả, dường như em không cần một ai hết. Rất dễ cáu gắt và dễ có hành động bạo lực. Có khi em không cần ngủ 1-2 ngày, rồi lại ngủ li bì nhiều ngày. Ăn uống cũng không cần thiết lắm. Nhưng đôi khi em lại vui vẻ và ăn uống một cách bình thường. Tâm trạng của em rất không ổn định, lúc nói thế này lúc nói thế kia. Hôm qua bạn em bảo là em bị khùng rồi. Hiện giờ em rất lo lắng. Mong BS cho em biết đó có phải là triệu chứng của tâm thần không ạ?     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trước hết, tôi cần nói rõ cho em hiểu về 2 chữ “tâm thần”. Bệnh tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Những biểu hiện mà em tâm sự với chúng tôi, cho thấy hiện tại em đang bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, nếu em không thể tự mình thoát ra và nó gây ảnh hưởng đến cuộc sống của em thì đây là bệnh. Cụ thể là nhóm bệnh nào thì BS cần phải khám và khai thác thêm thông tin mới quyết định được. Em nên khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để BS kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em; theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần và cảm xúc, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Chi phí khám và điều trị thì cũng không cao lắm và có thể sử dụng BHYT, thông tin của em sẽ hoàn toàn được giữ bí mật.


- Gam Do – khangchi…@gmail.com

Cháu chào BS,

Cháu tháo vòng ra, uống liền thuốc tránh thai và kết quả đã chậm kinh những 15 ngày. Cháu vô cùng lo lắng và càng lo lắng hơn khi sang đến ngày thứ 16 mới có kinh thì có 1 cục thịt dài khoảng 7cm ra cùng với kinh. BS có thể giải thích cho cháu được không ạ? Cháu 31 tuổi đã có gia đình và 2 cháu ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

100 người đặt vòng tránh thai vẫn có khoảng 5 người dính thai khi còn mang vòng. Còn đối với hiệu quả của thuốc ngừa thai thì không cũng không đạt được 100%. Đối với loại thuốc tránh thai dùng hàng ngày, thì nếu dùng không đúng (không đúng giờ, có ngày quên ngày không) thì hiệu quả ngừa thai chỉ được 92%, còn nếu dùng tuyệt đối đúng giờ không bỏ ngày nào thì cũng chỉ ngừa được 99%. Đây là thống kê của Mỹ gần đây nhất. chỉ có triệt sản mới ngừa thai 100%.

Như vậy, dù em vừa tháo vòng ra và uống liền thuốc tránh thai, nhưng vẫn có khả năng em có thai (dù trường hợp này hiếm). Việc chậm kinh và thải ra cục thịt dài 7 cm có thể là do thai sẩy. Do vậy, hiện tại em nên khám chuyên Phụ khoa để BS xem buồng tử cung sạch chưa, hay là xuất huyết âm đạo bất thường do bệnh lý khác (ví dụ như viêm nhiễm), và cũng chọn phương pháp ngừa thai khác phù hợp hơn cho em.


- Mai – pcd…@yahoo.com.vn

Thưa BS,

Em có bầu được 2 tháng nhưng không biết nên đã sử dụng dầu gừng Thái Dương để cạo gió hai lần cách nhau 3 ngày. Vì trong dầu gừng có thành phần tinh chất long não, xin hỏi thai nhi có bị ảnh hưởng không? Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trên các loại dầu gió thông thường đều có ghi hướng dẫn sử dụng: Không dành cho phụ nữ có thai và đang cho con bú. Bởi vì các thành phần như tinh dầu bạc hà, long não, methanol… có trong dầu gió có thể được hấp thụ qua da, thông qua nhau thai thâm nhập vào cơ thể thai nhi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bé.

Nếu thai phụ lỡ dùng dầu gió thì khi khám thai nên báo cho bác sĩ biết để được theo dõi thai kỹ hơn vì hiện không có nghiên cứu nào cho thấy là dùng dầu gió bao nhiêu lần, trong thời gian bao lâu thì đủ gây vấn đề cho thai vì mỗi cơ địa khác nhau. Do vậy cũng không ai khuyên bỏ thai chỉ vì lỡ dùng dầu gió. Cách tốt nhất vẫn là theo dõi sát thai kỳ ở trung tâm hay phòng khám sản khoa uy tín theo đúng quy trình mà BS chỉ định, em nhé.


- Dinh Dinh, 27 tuổi – noohuyn…@gmail.com

Chào BS,

Không biết tại sao gần đây da mặt em nổi rất nhiều mụn đỏ và mụn li ti? Em không biết có phải do em bị dị ứng không? Vì gần đây em có đổi sang 1 loại sữa rửa mặt khác và bắt đầu mặt nổi mụn ạ. Em nên làm như thế nào đây BS? Xin BS cho em một lời khuyên. Cảm ơn AloBacsi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp, có khả năng là em bị viêm da dị ứng với loại sản phẩm mới dùng, cũng có khả năng là loại sản phẩm trước có thành phần corticoid (nên khi dùng thì da láng mịn, ngưng dùng là do bị nổi mụn, nhưng càng thì sẽ càng có tác dụng phụ như giãn mạch da, da mỏng, nám da...)

Cách xử trí hiện tại bao gồm:

+ Ngưng ngay loại sản phẩm đang dùng.

+ Đeo khẩu trang khi ra đường để giảm thiểu tiếp xúc với khói bụi

+ Tạm thời không sử dụng mỹ phẩm

+ Chọn loại sữa rửa mặt trung tính phù hợp với da mặt, không có corticoid.

+ Sử dụng kem làm ẩm (lotion) để thoa mặt vào buổi chiều tối

+ Hạn chế bia rượu, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và dễ dị ứng như thịt rừng, cá biển.

Nếu không bớt thì phải dùng thuốc uống chống dị ứng và thuốc bôi, vấn đề này cần khám chuyên khoa Da liễu để BS kê toa thích hợp.


- Minh Tran – tranvan…@gmail.com

Chào BS,

Kết quả xét nghiệm của tôi:

1, HBsAg: Dương tính

2, HBeAg: Âm tính

3, Anti HBs: Âm tính 3.94 4, HBeAb: Dương tính >4.5 5, HBV DNA Taqman: 451860

Xin BS cho biết rõ hơn về tình trạng bệnh gan của tôi và mong được nhận lời khuyên từ BS. Chân thành cảm ơn.    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Kết quả này cho thấy bạn đang bị nhiễm virus viêm gan B. Thông tin cần thiết phải xác định tiếp theo là “viêm gan B” hay “nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động”. Hai cái này người dân hay nhầm lẫn, và chúng hoàn toàn khác nhau về bệnh lý cũng như điều trị.

Nếu chỉ nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động thì tế bào gan không bị tổn thương, men gan không tăng, không cần điều trị, chỉ theo dõi định kỳ men gan, tầm sóat ung thư gan (AFP, siêu âm bụng) và sống lối sống lành mạnh, hạn chế các chất độc gan (bia rượu, thuốc uống bừa bãi, thuốc đông nam không rõ loại).

Còn viêm gan B, tức là vừa nhiễm virus viêm gan B và virus này đang làm tổn thương gan, men gan sẽ tăng và cân nhắc điều trị thuốc đặc trị virus. Trong các xét nghiệm bạn cung cấp cho chúng tôi, không có xét nghiệm men gan và chức năng gan, nên chúng tôi chưa thể kết luận là viêm gan hay nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động. Đối với viêm gan B, giá trị bình thường của men gan là dựa vào giá trị tiêu chuẩn của Quốc tế, cụ thể là 19 UI/L đối với nữ và 30 UI/L đối với nam. Định lượng HBV-DNA của bạn là rất cao, khả năng lây bệnh cho người khác cao.

Tốt hơn hết bạn nên khám tại chuyên khoa Gan mật, để BS tầm soát thêm về chức năng gan của bạn, gan có bị xơ hóa chưa (qua xét nghiệm fibroscan, ARFI) để đánh giá bệnh sớm và điều trị thích hợp, chứ không nên tự đi xn từ nơi này đến nơi khác.


- Phú Duy - TPHCM

Em chào BS,

BS cho em hỏi, mỗi lần đi nhậu về là hôm sau em bị đau bụng, đi cầu là do đâu? Có phải viêm đại tràng không? Nếu em bị thì phòng tránh như thế nào? Khám ở đâu là tốt nhất? Em làm văn phòng nên phải tiếp khách nhiều. Em xin cảm ơn BS!        

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng mà em mô tả thường gặp trong hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này thường xuất hiện khi ăn uống không điều độ, nhất là uống rượu bia nhiều, ăn các thức ăn dầu mỡ hoặc bị stress căng thẳng thường xuyên. Hay nói cách khác là cơ thể em “không dung nạp” với bia rượu. Có thể do bản thân bia làm dị ứng, do chất lượng bia không đảm bảo, do em uống nhiều quá, cũng có thể do cách ăn uống mỗi lần uống bia (ví dụ uống bia kèm mồi chua, sống...).

Ngoài ra, người bệnh viêm đại tràng thường bị rối loạn tiêu hóa với nhiều loại thực phẩm khác nhau, không chỉ với duy nhất bia rượu.

Do vậy, trước hết em nên điều chỉnh lại cách ăn uống, sinh hoạt và hạn chế rượu bia. Triệu chứng có thể cải thiện khi uống các thuốc điều chỉnh co bóp nhu động ruột và men vi sinh ruột. Em nên đi khám lại tại các phòng khám chuyên khoa tiêu hoá để được kê toa thích hợp, như BV Quận Thủ Đức, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định... bệnh này rất dễ trị, quan trọng là ở chính em, sức khỏe của mình là quan trọng hơn cả, phải không em?


- Dung, 28 tuổi – tulip…@yahoo.com

BS ơi,

Con có bị hở van hai lá ¼. Cách đây mấy tháng con thấy vùng ngực nặng, đau tức, cho hỏi con có bị liên quan gì đến phổi không? Nên đi khám chuyên khoa nào? Xin cảm ơn.     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hở van 2 lá ¼ là hở van nhẹ, có thể gặp ở người khỏe mạnh (còn gọi là hở van sinh lý) không gây ra triệu chứng hay biến chứng gì. Vậy, nguyên nhân gây đau ngực trái của em không phải do hở van hai lá ¼ đơn thuần gây ra.

Triệu chứng nặng ngực, đau tức ngực có thể do nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý tim mạch (bệnh lý mạch vành, bệnh cơ tim...), hô hấp (phổi, màng phổi...), tiêu hóa, thần kinh cơ đến tâm lý.

BS cần khai thác kỹ triệu chứng đau ngực (đau như thế nào, khi đang làm gì, kéo dài bao lâu, có lan không...) và kết hợp thăm khám và xét nghiệm kiểm tra (chụp xquang phổi, đo điện tim, kiểm tra lại siêu âm tim...) thì mới định được bệnh. Em nên đi khám chuyên khoa Tim mạch - hô hấp, em nhé.


- Chu Van Chien – chientrang…@gmail.com

Thưa BS,

Mẹ tôi năm nay 57 tuổi. Vào tháng 10 năm 2015, mẹ tôi có biểu hiện vàng da và vàng lòng trắng mắt. Tôi đưa mẹ lên BV Bạch Mai khám, BS kết luận trong gan và trong mật có khối tăng âm, men gan cao nên đã cho mẹ tôi nhập viện, vào khoa chống độc điều trị 2 tuần thì men gan đã giảm và giải độc trong gan xong. BS cho xuất viện và cho đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.

Đến ngày 15/6/2016, mẹ tôi đi khám dịch vụ ngoài thì BS kết luận trong gan và mật vẫn xuất hiện khối tăng âm.

Vậy thưa BS, khối tăng âm là gì, có phải là u không? Có nguy cơ dẫn đến ung thư gan và mật không? Xin BS giải đáp giúp tôi. Tôi xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khối tăng âm trong gan có thể là u lành cũng có thể là u ác tính (ung thư). Siêu âm vùng gan có thể thấy hình ảnh ung thư rất đa dạng: khối tăng âm, khối giảm âm, khối hỗn hợp âm…

Chúng tôi rất tiếc khi chưa thể đưa ra kết luận cho bạn nếu chỉ dựa vào mỗi thông tin “khối tăng âm” trong gan và mật. Tuy nhiên, dựa theo bệnh sử bạn cung cấp thì tôi có thể phân tích như sau: lúc mẹ bạn vàng da vàng mắt mà BS yêu cầu nhập khoa chống độc để điều trị, chứng tỏ là bệnh gan nặng (viêm gan nặng, ứ mật nhiều...), sau 2 tuần điều trị bệnh nhân ổn định trở lại, nếu BS nghi ngờ bệnh nhân có thể có ung thư gan, BS ắt sẽ cho chuyển khoa tiêu hóa - gan mật để theo dõi và xét nghiệm chuyên sâu để định rõ bệnh, hoặc căn dặn tái khám tại khoa tiêu hóa - gan mật sau khi xuất viện. Ngoài ra, trong giấy ra viện ắt hẳn sẽ còn chẩn đoán của BS và tại thời điểm nhập viện điều trị, BS đã tư vấn bệnh cho người nhà ra sao?

Nếu như vì 1 lý do nào đó mà bạn không rõ chẩn đoán và tư vấn của BS trước, thì mối quan tâm hiện tại của gia đình vẫn nên tập trung vào người bệnh, và vì thế bạn nên đưa mẹ bạn đến kiểm tra lại tại ck tiêu hóa - gan mật, kiểm tra sâu hơn để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp (VD, chụp CTscan ổ bụng, xét nghiệm AFP, kiểm tra lại chức năng gan, men gan...).

Sau đây là lịch tư vấn tuần này (từ thứ hai ngày 20/6 đến chủ nhật ngày 26/6), AloBacsi trân trọng cập nhật để bạn đọc tiện theo dõi.

Trân trọng thông báo:

Thứ

Bác sĩ phụ trách

Thời gian tư vấn

Ghi chú

Hai

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Ba

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Năm

BS Cao Thị Lan Hương

17g30 - 19g30

 

Sáu

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Bảy

BS Trần Thị Thu Cúc

17g30 - 19g30

 

Chủ nhật

BS Cao Thị Lan Hương

 

Tư vấn qua email

 


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X