Hotline 24/7
08983-08983

Cách sơ cấp cứu người bị đuối nước

Thời tiết nóng bức vào mùa hè khiến số người đi bơi tăng lên. Không chỉ đến các bể bơi, nhiều người còn tìm đến các ao hồ sông suối. Thời gian gần đây liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra.

Trang bị kỹ năng cần thiết khi đi bơi, tìm đến những nơi có thể bơi lội an toàn... sẽ giúp giảm tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó còn một vấn đề nữa vô cùng quan trọng. Đó là trang bị kỹ năng sơ cứu khi bị đuối nước. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, việc cứu người bị tai nạn đuối nước còn nhiều bất cập hay thậm chí sai lầm.

Các tình huống ngạt nước

Một số tình huống gây nên tình trạng ngạt nước là ngạt nước do kiệt sức hoặc không biết bơi; Ngạt nước (nước giật, sốc nước) do ngất khi tiếp xúc với nước; Ngạt nước do chấn thương; Ngạt nước do nhiệt hoặc chênh lệch nhiệt; Ngạt nước do dị ứng (hiếm gặp); Ngạt nước do sợ hãi (thường ở trẻ em); Ngạt nước trong khi lặn (ngất do chấn thương áp lực tai, phản xạ hít vào sau khi nhịn thở kéo dài, thiếu máu não do kiềm hô hấp, tai biến do giảm áp quá nhanh...).

Đuối nước thường dẫn đến tử vong


Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu ôxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Người ta thống kê thấy khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước. Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu ôxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô. Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

Cách cấp cứu người bị đuối nước.

Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ

Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:

Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao... ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người đến cứu.

Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

Chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi, nếu không biết bơi cần gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

Cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Những việc làm không đúng cần tránh

Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Lời khuyên của thầy thuốc

Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Đặc biệt, trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài... Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em. Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm. Đáng lưu ý trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Thời gian vàng để cứu sống trẻ bị đuối nước, đó chính là lúc sơ cứu trẻ. Vậy mà trong dân gian vẫn còn tồn tại những cách sơ cứu sai lầm khiến trẻ bớt đi cơ hội sống.

Theo Bs. Nguyễn Đức Thường - Viện Y Học Ứng Dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X