Hotline 24/7
08983-08983

Cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Bệnh viêm phế quản ảnh hưởng đến trẻ như thế nào và cách phòng ngừa?

Trả lời
Trẻ bị viêm phế quản. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Trẻ bị viêm phế quản. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới, dân gian còn gọi là sưng cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi, tuy nhiên khi viêm cuống phổi thì sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi. 

Thông thường, bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh khá lành tính và trẻ có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, viêm phế quản ở trẻ em gây ra khá nhiều phiền toái và sự khó chịu cho bé và cho cả cha mẹ nữa. Trong vài trường hợp, nếu bé không được chăm sóc và điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như trẻ khó thở (viêm tiểu phế quản); suy hô hấp. Nếu không chữa trị kịp thời để bệnh tiến triển nặng sẽ dẫn đến tử vong (viêm phế quản phổi, viêm phế quản cấp),… Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy.

Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu thường thấy ở trẻ nhỏ khi bị viêm phế quản là ho, sổ mũi, viêm họng, ho có đờm… Sau đó nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virus có thể lây lan tới hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi , gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch.

Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 - 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản. Tiếp sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra trẻ có thể có cảm giác đau ngực, mệt mỏi, chán ăn hoặc nôn ói.

Việc điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nặng, vừa hay nhẹ của từng trẻ. Những trường hợp viêm phế quản nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Khi đó, cần tiếp tục cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi 2 - 3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen sau này. Cần đi tái khám đúng hẹn của bác sĩ.

Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi… thì cần được nhập viện sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa bệnh, cha mẹ cần tránh để trẻ bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Về mùa lạnh, khi cho trẻ đi học, cha mẹ cần lưu tâm nhờ các cô bố trí giờ chơi, giờ tập luyện ngoài trời hay trong nhà cho trẻ phù hợp với thời tiết trong ngày. Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA... cần điều trị kịp thời.

Thân mến!

Mời tham khảo thêm:



Viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng hoặc viêm các đường dẫn không khí lớn đến phổi. Các đường hô hấp này gọi là phế quản. Khi con bị cảm lạnh, đau họng, cảm cúm hoặc nhiễm trùng xoang mũi, virus gây bệnh có thể xâm nhập phế quản. Đây là nguyên nhân khiến đường hô hấp bị viêm, sưng lên và bị dịch nhầy làm tắc.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài từ vài tháng tới nhiều năm, trong khi đó viêm phế quản cấp ở trẻ em thường diễn ra trong thời gian ngắn.

Viêm thanh khí phế quản thường do virus gây ra, thông thường nhất là do virus influenza. Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi là nhóm tuổi thường rất dễ mắc bệnh này.

Viêm phế quản thường do virus gây ra, chẳng hạn như virus hợp bào hô hấp, virus parainfluenza, sởi, virus adeno (gây co thắt phế quản, phổi dẫn đến hoại tử phổi) và cúm. Bé có thể bị nhiễm các virus này trong không khí, đồ chơi và các bề mặt khác.

Ngoài virus là thủ phạm phổ biến nhất gây bệnh ở trẻ nhỏ thì tình trạng nhiễm khuẩn, dị ứng và việc hít phải khói thuốc lá, khói bụi… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Nhiều ca bệnh viêm phế quản ở trẻ em sẽ tự hết trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh vẫn còn tồn tại sau đó khoảng 2 tuần.


BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Nguyên Trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X