Hotline 24/7
08983-08983

Cách phân biệt sởi và sốt phát ban ở trẻ em

Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm ở trẻ em, nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc không đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nặng nề, đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Nhưng làm thế nào để phân biệt sởi với sốt phát ban thông thường ở trẻ nhỏ?

1. Sởi

Nguyên nhân gây bệnh

Sởi là do virus thuộc giống Morbillivirus. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát của sốt phát ban và bệnh sởi (trung bình khoảng 1 tuần) thường có biểu hiện khá giống nhau thể hiện qua những triệu chứng như bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ than đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, trẻ biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

Sự khác biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi rõ rệt nhất là vào giai đoạn toàn phát với phát ban rất đặc trưng của bệnh sởi.

Trẻ bị sốt phát ban thông thường sẽ không có viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, ban mọc khắp người như sởi.

Phát ban do sởi ban mọc ngày thứ 4 – 6, ban dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3 – 6 mm. Ban mọc theo thứ tự:

Ngày 1: mọc ở sau tai, lan ra mặt.
Ngày 2: lan xuống đến ngực, tay.
Ngày 3: lan đến lưng, chân.

Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự trên.

Toàn thân: khi ban bắt đầu mọc, phản ứng toàn thân nặng lên, sốt cao hơn, mệt hơn. Khi ban mọc đến chân nhiệt độ giảm dần, triệu chứng toàn thân giảm dần rồi hết. Đặc biệt, trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ.

Thường vào ngày thứ 6 ban bắt đầu bay. Ban bay theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phân hay vảy cám. Những chỗ da thâm của ban bay và chỗ da bình thương tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu “vằn da hổ” đó là dấu hiệu để truy chẩn đoán.

Biến chứng nguy hiểm

Phát ban do virus sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhất là những trẻ có sức đề kháng quá kém như trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ đang sử dụng thuốc kháng viêm dạng corticosteroids (như Prednisolone, Dexamethasone, Medrol…) liên tục và kéo dài.

Những biến chứng của sởi thường xảy ra bao gồm:

Viêm tai giữa cấp chiếm khoảng 10%.

Biến chứng viêm phổi nặng chiếm khoảng 5%.

Một số biến chứng nguy hiểm khác tuy ít gặp hơn như biến chứng viêm não chiếm khoảng 1‰, viêm loét giác mạc có thể gây mù lòa và suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi cũng là những biến chứng nặng do bệnh sởi gây ra.

2. Sốt phát ban

Nguyên nhân gây bệnh

Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus thông thường (70% – 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.

Dấu hiệu bị bệnh

Sốt phát ban thông thường: sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban thường sau ngày thứ 3 – 4, ban có thể mọc không theo thứ tự, là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ.

Biến chứng nguy hiểm

Sốt phát ban do nhóm siêu vi thông thường hầu hết đều là bệnh lành tính.

Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và cách giữ gìn vệ sinh thân thể thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

Theo Y Học Cộng Đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X