Hotline 24/7
08983-08983

Cách nhận biết sốt rét ác tính trẻ em để xử trí phù hợp

Khi bị nhiễm bệnh, nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dễ dàng dẫn đến sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong.

Đặc điểm sốt rét ở trẻ em

Tùy theo lứa tuổi của trẻ em, các đặc điểm khi mắc sốt rét có những diễn biến khác nhau. Cần có sự phân biệt để giúp cho việc chẩn đoán xác định.

Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi ít bị nhiễm bệnh sốt rét và ít tử vong do bệnh sốt rét vì còn mang huyết sắc tố F (fetal hemoglobin), còn có kháng thể được thụ hưởng từ người mẹ và do còn bú mẹ nên cơ thể trẻ thiếu chất PABA (para-amino benzoic acid) vì vậy, ký sinh trùng sốt rét không tổng hợp được acid folic để phát triển.

Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên sống tại vùng sốt rét lưu hành có tỷ lệ mắc sốt rét và tử vong do sốt rét thường cao hơn người lớn, cao nhất ở nhóm trẻ em từ 4 - 5 tuổi.

Đặc điểm nhóm trẻ em từ 1 - 4 tuổi thường hay bị cơn co giật khi có sốt cao; triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, bụng đầy trướng hơi xảy ra khá phổ biến; có dấu hiệu thiếu máu nhanh, sớm bị lách sưng to; rối loạn dinh dưỡng phát triển nhanh.

Chu kỳ cơn sốt xảy ra thường không đều đặn, đôi khi không có giai đoạn rét run. Đồng thời có biểu hiện đường huyết giảm, hiếm gặp biến chứng nặng ở gan với dấu hiệu bilirubin, men SGOT (serum glutamic oxaloacetic transaminase) /SGPT (serum glutamic pyruvic transaminase) cao và ở thận với dấu hiệu suy thận cấp thực thể. Bệnh nhi thường hay ho và bị viêm khí quản, phế quản. Tỷ lệ chuyển vào sốt rét ác tính thể não thấp hơn so với trẻ lớn và người lớn.

Với những đặc điểm sốt rét ở trẻ em đã được nêu trên, trong theo dõi diễn biến lâm sàng cần thận trọng để nhận biết các trường hợp sốt rét ác tính ở trẻ em nhằm xử trí can thiệp biện pháp kịp thời, phù hợp.

Cách nhận biết sốt rét ác tính trẻ em để xử trí phù hợp

Trẻ em sống trong vùng sốt rét dễ có nguy cơ mắc bệnh sốt rét

Nhận biết sốt rét ác tính ở trẻ em

Trên thực tế lâm sàng, sốt rét ác tính xảy ra ở đối tượng trẻ em thường có triệu chứng nôn mửa kèm theo ho nên có thể làm cho việc phát hiện, chẩn đoán dễ bị lạc hướng. Một số trường hợp trẻ em bị sốt cao, co giật và sau đó thường bất tỉnh khoảng nửa giờ trở lại không thể chẩn đoán ngay là sốt rét ác tính mà cần khám kỹ hơn, xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu. Thường sau một cơn co giật, bệnh nhi đi vào tình trạng hôn mê ít nhất 30 phút trở lên mới có giá trị nghi vấn về sốt rét ác tính.

Việc đánh giá mức độ hôn mê ở trẻ em khó hơn người lớn, chủ yếu thường dựa vào đáp ứng đau, đáp ứng gọi-hỏi, phản xạ gân xương, phản xạ giác mạc, đồng tử và vận động nhãn cầu. Cần chú ý những trường hợp hôn mê xuất hiện nhanh ở trẻ em để phân biệt với cơn hạ đường huyết.

Triệu chứng co giật ở bệnh nhi bị sốt rét ác tính thể não không phải trường hợp nào cũng là biểu hiện của thể não vì có khi là cơn co giật của biến chứng hạ đường huyết hoặc là cơn co giật của sốt cao.

Vì vậy, trên lâm sàng, cần phân biệt để xử trí cấp cứu một cách chính xác. Đặc điểm ở các bệnh nhi là cơn co giật thường xuất hiện trong hôn mê nhưng cũng có trường hợp xảy ra trước khi hôn mê. Một số bệnh nhi bị mắc bệnh nặng có triệu chứng tăng trương lực cơ với tư thế duỗi cứng, thậm chí bị lật ngược nên dễ nhầm lẫn với bệnh uốn ván, viêm màng não.

AloBacsi.vn
Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X