Hotline 24/7
08983-08983

Cách khử mùi hôi cơ thể mùa nắng nóng

Biết “gốc rễ” của việc tạo ra mùi có thể tìm được cách khử mùi hiệu quả.

Mùi hôi cơ thể thường phát ra từ những vùng kín như nách, háng. Mỗi người lại có một mùi đặc trưng riêng của mình. Mùi của mọi người có thể xếp thành thang bậc từ nhẹ đến nặng - nặng đến mức ta phải thốt lên "hôi nách quá.

Vì sao mỗi người lại có một mùi riêng? Bởi vì trên da và các lỗ tự nhiên của mỗi người có một số loại vi khuẩn khác nhau "cư ngụ", lập nên một khuẩn chí riêng ở từng người. Mùi hôi là do vi khuẩn lên men mồ hôi.

Mỗi loại vi khuẩn nói riêng và mỗi tập hợp khuẩn chí nói chung trên da của một người sẽ tạo ra một mùi đặc trưng. Mùi do vi khuẩn gây nên còn kết hợp với mùi "sẵn có" của mồ hôi làm cho mùi của bạn không lẫn với người khác.

Mùi "sẵn có" của mồ hôi là do thức ăn, bệnh tật của bạn tạo ra. Như vậy biết "gốc rễ" của việc tạo ra mùi có thể tìm được cách khử mùi hiệu quả.

Vùng dưới cánh tay

Nách là bộ phận có tuyến mồ hôi làm việc "tích cực" nhất trên cơ thể chúng ta. Đồng thời, đó cũng là vị trí kém "thông thoáng", khiến mồ hôi chảy ra dễ "tỏa hương" hơn so với các bộ phận khác. Đặc biệt, khi trời nóng hoặc khi các bạn hoạt động mạnh, mồ hôi càng chảy nhiều hơn khiến cho tình trạng "rau mùi" ở nách cũng trở nên nghiêm trọng hơn.

Để hạn chế mùi hôi ở nách khi trời nóng, các bạn nên mặc những chiếc áo rộng, có chất liệu thoáng mát để tránh lưu lại mùi khó chịu. Ngoài ra, chúng mình cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của lăn khử mùi. Tuy nhiên, các bạn chỉ nên dùng lăn khử mùi khi cơ thể đang sạch sẽ, khô ráo, tránh dùng khi nách đã chảy mồ hôi vì nó khiến bạn sẽ "bốc mùi" khủng khiếp hơn!

Da đầu

Khi trời nóng, da đầu của chúng ta bài tiết chất thải ra bên ngoài một cách thường xuyên hơn. Tuy nhiên, khác với những vị trí khác, các chất thải, mồ hôi sẽ lưu lại trên tóc. Cùng với đó, việc tiếp xúc với không khí cũng khiến cho bụi bẩn, vi khuẩn ngoài không khí vương lại trên da đầu của các bạn. Điều này chính là nguyên nhân khiến da đầu hay có mùi khó chịu khi trời nóng.

Cách tối ưu nhất để hạn chế mùi ở da đầu chính là gội đầu thường xuyên hơn. Đặc biệt, các bạn nên chọn loại dầu gội ngăn ngừa bã nhờn, nhất là với những bạn có da đầu nhờn, tiết nhiều dầu. Bên cạnh đó, khi đi ngoài trời nắng hoặc phải tiếp xúc với khu vực nhiều bụi bẩn, chúng mình cũng nên bảo vệ da đầu bằng các phụ kiện như mũ hoặc khăn…

Cách khử mùi hôi cơ thể mùa nắng nóng - Ảnh 1

Bàn chân

Bàn chân cũng là một trong những bộ phận tiết nhiều mồ hôi nhất trên cơ thể. Không những thế, chân của chúng ta còn thường xuyên bị bưng bít kín bằng những đôi giày, tất. Vì thế, vào mùa nóng, bàn chân sẽ rất dễ bị "bốc mùi" khó chịu hơn.

Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc vệ sinh chân sạch sẽ, ngâm chân thường xuyên, các bạn cũng cần chú ý tới việc vệ sinh tất, giày… Một lưu ý nhỏ cho chúng ta là nên đi những đôi dép thông thoáng khi trời nóng đề hạn chế tiết mồ hôi và "bốc mùi" ở chân.

Vùng "tam giác"

"Tam giác" hay chính là vùng kín của chúng ta cũng là bộ phận dễ bị "bốc mùi" khi trời nóng. Nguyên nhân là do "cô bé" hay "cậu bé" bị bít kín cả ngày, mồ hôi tiết ra sẽ lưu lại, cùng với đó là sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ khiến "vùng bí mật" có mùi khó chịu.

Do vậy, các bạn nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín mỗi ngày. Điều này không chỉ hạn chế tình trạng mùi hôi mà còn giúp chúng mình ngăn ngừa bệnh tật.

Cách khử mùi hôi cơ thể mùa nắng nóng - Ảnh 2

Ngoài ra để cơ thể luôn thơm tho bạn nên áp dụng những "bí kíp" dưới đây:

nên chọn các loại trang phục bằng chất liệu khô thoáng, nhẹ, dễ thấm hút như cotton, để giúp cơ thể thông thoáng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mặc các loại quần áo chật, bó sát người, vì dễ làm cơ thể bị bí hơi, bốc mùi.

Không nên mặc quần áo quá một lần. Sử dụng nước xả vải và phơi khô ngoài nắng để khử mùi hôi trên quần áo.

Hạn chế dùng các loại gia vị như tỏi, hành ớt, bột cà-ri… bởi chúng sẽ khiến cơ thể đổ mồ hôi và đậm mùi hơn. Ngoài ra, các loại thịt có màu đỏ, thực phẩm nhiều mỡ, tinh bột cũng là tác nhân làm cơ thể nặng mùi. Thay vào đó, bạn nên chọn khẩu phần ăn có nhiều rau quả và nước ép trái cây, đặc biệt là những loại thực phẩm, rau quả như quất, cam, bưởi hay rau mùi, xà lách. Chúng sẽ giúp cơ thể khử mùi hôi hiệu quả.

Tắm rửa thường xuyên, ít nhất là 2 lần/ngày là điều bạn nên làm để cơ thể được khô thoáng, sạch sẽ. Thỉnh thoảng, bạn có thể ngâm mình vào bồn nước có pha các loại tinh dầu như bưởi, cam, sả, bạc hà hoặc tinh dầu trà xanh. Các loại tinh dầu này có khả năng ức chế các loại vi khuẩn gây mùi trong mồ hôi, giúp cơ thể khô thoáng, thơm tho hơn.

Giữ vệ sinh các vật dụng cá nhân, đồ dùng trong phòng tắm như khăn tắm, khăn mặt để mùi hôi, vi khuẩn không có cơ hội trở lại cơ thể.

Ngâm chân vào nước ấm có pha gừng hoặc phèn chua trước khi đi ngủ nếu mùi hôi tập trung ở chân. Ngoài ra, bạn có thể chà khoai tây nghiền vào gan bàn chân để giảm mùi hôi. Nếu hay đổ mồ hôi chân, bạn nên mang những loại tất mỏng, thoáng khí khi đi giày. Dùng chai xịt hút ẩm cho chân cũng là cách tốt giúp bạn khử mùi hôi.

Giảm mùi hôi cơ thể bằng cách sử dụng các loại nước hoa và lăn khử mùi. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng các sản phẩm này sau khi cơ thể được vệ sinh sạch sẽ.

Tránh trường hợp dùng nước hoa khi cơ thể đang đổ nhiều mồ hôi, nóng bức. Vì như thế, mùi nước hoa liên kết với mùi hôi sẽ làm cho cơ thể bạn càng nặng mùi hơn.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào độ nhờn bóng của da, bạn nên sử dụng loại lăn khử thích hợp. Tốt hơn hết, trước khi sử dụng, bạn nên nhờ các chuyên viên tư vấn kỹ càng.

Gừng là thảo dược thiên nhiên rất hiệu quả trong việc chữa trị mùi hôi cơ thể. Trước và sau mỗi bữa ăn, bạn có thể nhấp môi một ngụm trà gừng. Ngoài ra, bạn có thể nấu nước lá gừng non hoặn giã nhỏ gừng tươi, ngâm vào nước. Sau đó, bạn dành 15 phút ngâm mình trong bồn nước. Phương pháp này khử mùi hôi hiệu quả và giữ độ khô thoáng lâu hơn. Nếu không có sẵn gừng tươi, bạn có thể dùng các gói trà túi lọc gừng để ngâm.

Nếu mùi cơ thể quá nặng, bạn nên thực hiện các thủ thuật cắt hạch giao giảm, tiêm botox, dysport hoặc phẫu thuật lấy hết tuyến mồ hôi để giải phóng cơ thể. Tuy nhiên, các thủ thuật này chỉ mang tính chất tương đối, có hiệu quả ở vùng da nhỏ, trong thời gian nhất định. Hiện vẫn chưa có phương pháp nào loại bỏ triệt để mùi hôi của cơ thể.

AloBacsi.vn
Theo Anh Ngọc - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X