Hotline 24/7
08983-08983

Cách dùng đúng các thuốc kháng acid chữa đau dạ dày

Khi dạ dày có quá nhiều acid sẽ gây ra hiện tượng đau, viêm loét hệ tiêu hóa... Các thuốc kháng acid là những thuốc có tác dụng trung hòa acid trong dịch vị của dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho tái tạo niêm mạc.

Vì vậy, những loại thuốc kháng acid được dùng để giảm đau và khó chịu trong các rối loạn về hệ tiêu hóa. Tuy nhiên tác dụng của các thuốc này nhanh nhưng ngắn và chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau.

Các thuốc chứa magiê

Thuốc được dùng trong trường hợp tăng tiết acid ở dạ dày với các triệu chứng như đau, đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua... ở người có loét hoặc không có loét dạ dày - tá tràng; người bệnh bị trào ngược dạ dày - thực quản. Khi dùng người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn do thuốc như hiện tượng miệng đắng chát, buồn nôn, nôn, cứng bụng, tiêu chảy.

Không dùng thuốc cho trẻ nhỏ (đặc biệt ở trẻ mất nước và suy thận), người mẫn cảm với thuốc, người suy thận nặng... Do thuốc có tương tác bất lợi với một số thuốc dùng cùng nên cần phải thận trọng. Ví dụ, thuốc kháng sinh tetracyclin, thuốc trợ timdigoxin, thuốc giảm đau, chống viêm indomethacin, các muối sắt, thuốc chống lao isoniazid, thuốc an thần benzodiazepin... sẽ bị giảm hấp thu khi dùng cùng thuốc kháng acid. Ngược lại, một số thuốc lại tăng tác dụng (do giảm thải trừ) khi dùng cùng thuốc này như amphetamin, quinidin...

Thuốc chứa nhôm

Nhôm hydroxyd có tác dụng trung hòa acid yếu nên không gây phản ứng tăng tiết acid hồi ứng. Ở ruột, nhôm kết hợp với phosphat từ thức ăn, tạo phosphat nhôm không tan, hầu như không hấp thu, thải trừ theo phân, không gây base máu. Vì phosphat bị thải trừ, cơ thể phải huy động phosphat từ xương ra nên dễ gây chứng nhuyễn xương. Vì vậy, khi dùng thuốc cần ăn chế độ nhiều phosphat và protein.

Khi dùng thuốc có thể xảy ra hiện tượng cảm giác như chát miệng, buồn nôn, cứng bụng, táo bón, phân trắng, giảm phosphat máu. Nguy cơ nhuyễn xương khi chế độ ăn ít phosphat hoặc điều trị lâu dài. Tăng nhôm trong máu gây bệnh não, sa sút trí tuệ, thiếu máu hồng cầu nhỏ. Không dùng thuốc này cho người mẫn cảm với thuốc; giảm phosphat máu; trẻ nhỏ (đặc biệt trẻ bị mất nước và suy thận); rối loạn chuyển hóa porphyrin; chảy máu trực tràng hoặc dạ dày - ruột chưa chẩn đoán được nguyên nhân; viêm ruột thừa.

Hình ảnh mô tả dạ dày bị viêm loét

Thuốc phối hợp nhôm và magiê

Khi dùng đơn lẻ, thuốc kháng acid chứa magiê gây tiêu chảy, còn  thuốc chứa nhôm có thể gây táo bón. Các chế phẩm kháng acid chứa cả hai muối magiê và nhôm có thể làm giảm tác dụng không mong muốn này trên ruột của hai thuốc, khắc phục được bất lợi của thuốc khi dùng đơn độc. Ở người có chức nặng thận bình thường, ít nguy cơ tích lũy magiê và nhôm.

Những lưu ý khi dùng thuốc

Dùng thuốc kháng acid tốt nhất là sau bữa ăn 1-3 giờ và trước khi đi ngủ, 3-4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày. Không nên uống thuốc ngay trước hay ngay sau bữa ăn.

Về dạng thuốc, thuốc kháng acid có dạng hỗn hợp, gel, bột, thuốc cốm. Nếu là viên nén nên nhai trước khi chiêu nước. Các chế phẩm dạng lỏng có hiệu quả hơn dạng rắn nhưng thời gian tác dụng ngắn hơn.

Do làm tăng pH dạ dày, các thuốc kháng acid làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc khác nên phải dùng các thuốc này cách xa thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ. Một số chế phẩm phối hợp thuốc kháng acid với simeticon (chất chống sủi bọt) để làm giảm sự đầy hơi hoặc làm nhẹ triệu chứng nấc khi sử dụng.

Trong điều trị bệnh đau dạ dày, bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cần có chế độ làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress, lo âu...; có chế độ dinh dưỡng đủ chất, tránh ăn no quá hoặc để đói quá mới ăn; tránh dùng các chất kích thích làm tăng tiết acid dịch vị như thuốc lá, rượu, gia vị cay...

Theo DS Hoàng Thu Thủy - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X