Hotline 24/7
08983-08983

Cách chữa gãy xương bằng... gà con của thầy lang Long An

"Thầy" Mười Chương vốn là nông dân, có 3 đời làm nghề chữa trị trật, gẫy bằng cách bó thuốc. Ông này tiếp tục nối nghiệp cha ông nhưng lại sử dụng gà con mới nở.

Từ TP.HCM về huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đến ngã ba Tân Lân rồi theo đường lên Chợ Đào, người dân hai bên đường ai cũng biết tiếng "thầy" Mười Chương ở ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ,  chuyên về bó xương gãy.

Tuy nhiên, "thầy" Mười Chương không bó bằng những loại thuốc Nam, thuốc Bắc như vẫn thường thấy ở một số lương y chuyên trị trặc, đả, mà "thầy" bó bằng cách giã nát 2 hoặc 3 con gà con mới nở còn sống, trộn với hột tiêu đen, rượu trắng cùng với một loại bột màu xám xỉn như tro bếp mà "thầy" nói là "thuốc bí truyền".

Chẳng rõ đã có ai lành lặn nhờ bài thuốc "độc chiêu" này chưa nhưng theo lời "thầy" thì người bệnh từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp…, thậm chí tận ngoài Đà Nẵng, Kon Tum, Bình Phước cũng lặn lội tìm đến "thầy". Và không chỉ chữa gãy xương, "thầy" Mười Chương còn chơi luôn bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm và ngay cả gãy đốt sống cổ, "thầy" cũng chữa.

"Thầy" Mười Chương tên thật là Nguyễn Hồng Chương, năm nay gần 60 tuổi. "Thầy" vốn xuất thân là nông dân nhưng một số hàng xóm ở gần nhà "thầy" cho chúng tôi biết: "Hồi đó, thời ông nội rồi đến thời ba ổng, trong gia đình có người làm nghề chữa trị trặc, đả bằng cách bó thuốc. Đến đời ổng, ổng tiếp tục nối nghiệp nhưng ổng chữa theo cách của ổng, nghĩa là bó bằng gà con". Hằng ngày, "thầy" Mười Chương vẫn đi làm ruộng nhưng hễ có người bệnh nào đến thì "thầy" lại ra tay hành nghề.

Vẫn theo lời hàng xóm của "thầy": "Ổng không treo bảng, đề tên vì sợ chính quyền xử lý về việc chữa bệnh không giấy phép. Người bệnh toàn ở đâu tới chứ bà con trong ấp, trong huyện, nếu ai đau xương đau khớp hoặc nếu chẳng may té ngã gãy xương, họ vô bệnh viện".

Lời kể của những người hàng xóm phần nào đã nói lên sự thật về khả năng chữa bệnh của ông Chương, cũng như ý kiến của bác sĩ Hùng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn ITO khi chúng tôi đề cập đến chuyện "bó gà chữa xương gãy": "Thỉnh thoảng BV Sài Gòn ITO vẫn tiếp nhận những ca lở loét, nhiễm trùng da do gãy xương rồi bó bằng gà, trong đó có người khai là bó ở Cần Đước. Có trường hợp phải tiến hành ghép da để phục hồi tính thẩm mỹ cho người bệnh".

Dược sĩ Đa, cũng ở huyện Cần Đước nói: "Hai năm trước, má tôi bị gãy cổ xương đùi. Nghe đồn về ông Chương nên mấy đứa em tôi tính chở má tôi đến gặp ổng nhưng tôi cương quyết phản đối rồi đưa má tôi lên BV Chợ Rẫy, TP.HCM mổ thay khớp. Với cách chữa bệnh phi lý, phản khoa học như thế, tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao các ngành chức năng ở xã, huyện lại chưa có ý kiến gì?".

"Thầy" Mười Chương.

Tập hợp tất cả những thông tin này, chúng tôi đến nhà "thầy". Vừa bước vào đã thấy một người đàn ông hơi gầy, mặt lốm đốm tàn nhang đang hý hoáy lau bàn ghế. Chừng biết chúng tôi tìm "thầy" Mười Chương, ông ta nhìn chúng tôi một lát như dò xét rồi sẵng giọng: "Tìm ổng làm gì?". Người bạn cùng đi với tôi chỉ vào cổ tay nói: "Dạ, mấy bữa rày em đau quá. Bác sĩ nói bị bệnh "gút" nhưng uống thuốc hoài không hết nên em tới gặp thầy nhờ chữa trị".

Nghe xong câu trả lời của bạn tôi, nét mặt người đàn ông giãn ra: "Vậy là chú tìm đúng thầy đúng thuốc rồi đó. Tui là Mười Chương đây. Có mang theo phim chụp X-quang và giấy xét nghiệm không?". Bạn tôi đáp: "Dạ không, đi vội quá nên quên mất".

Chỉ cho tôi ngồi xuống cái ghế đá, "thầy" ngồi chồm hỗm dưới đất, dùng tay nắn quanh hai khớp cổ tay bạn tôi: "Nặng lắm rồi à nha. Khớp cứng hết rồi nè nhưng chú cứ yên tâm. Bịnh gì chứ mấy cái vụ đau khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp, gãy tay, gãy chân, gãy xương đòn gánh, xương cổ, xương bánh chè… tui đều trị được".

Vẫn theo lời "thầy", bà A, ông B ở mãi ngoài Quảng Nam, Đà Nẵng, bị thấp khớp kinh niên, chữa trong nước không hết, đi "Xin Ga Bo" (Singapore - nguyên văn theo lời "thầy") chữa cũng không hết. Ấy vậy mà khi đến gặp "thầy", chỉ ba lần "bó gà" là về… đá banh được!

Khám xong, "thầy" bảo chúng tôi ra ngoài đầu đường rồi rẽ trái chừng 300 mét sẽ gặp cái nghĩa trang, cạnh đó là một lò ấp gà: "Chú mua 3 con gà con mới nở, mà nhớ mua loại gà tàu, màu vàng rồi mua thêm 1 xị rượu trắng, nửa lạng tiêu đen, vài cuộn băng và ít bánh trái về để cúng tổ". Tại lò ấp gà, bà chủ lò cũng hết lời quảng cáo về bài thuốc của "thầy" Mười Chương khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ, rằng phải chăng bà ăn theo ông thầy này để hưởng lợi bởi lẽ cứ mỗi con gà, bà tính giá 20 nghìn đồng.

Khi tôi hỏi bà đã tận mắt nhìn thấy người nào được "thầy" Mười Chương chữa lành chưa, và trong gia đình bà đã có ai nhờ "thầy" chưa thì bà ấp úng: "Tui cũng chỉ nghe nói, còn ở nhà tui hồi giờ chưa có ai… đau xương".

Nếu bị gãy xương, viêm khớp, nên đến bệnh viện chứ đừng… bó gà!
Nếu bị gãy xương, viêm khớp, nên đến bệnh viện chứ đừng… bó gà!

Mang tất cả mọi thứ về lại nhà "thầy", "thầy" Mười Chương kêu tôi lên phòng trên đốt nhang cúng tổ.

Bàn thờ tổ của "thầy" phủ rèm đỏ, tấm phông cũng bằng vải đỏ. Trên bàn, ngoài bông hoa, trái cây, cặp chân đèn, lư hương cùng một chiếc khung trong có tờ giấy đỏ, viết lằng ngoằng chữ Tàu, chẳng hiểu là bùa hay bài vị còn có mấy hộp bánh - loại bánh nhập khẩu từ Đan Mạch và một cái đĩa chứa nhiều tờ tiền mệnh giá 100, 200 và 500 nghìn, chắc đồ cúng là của những bệnh nhân đến trước. Thấy tôi đặt hộp bánh Chocopie lên, "thầy" nhắc: "Đặt tiền tổ nữa".

Bạn tôi móc túi lấy ra tờ 200 nghìn để vào đĩa trong lúc "thầy" Mười Chương đốt nhang đưa rồi kêu bạn tôi xưng họ tên và vái 3 vái. Tiếp theo, thầy gõ 3 lần vào chiếc chuông nhỏ. Khi màn cúng tổ kết thúc, một phụ nữ tuổi xấp xỉ 40 bưng lên một cái tô bên trong lầy nhầy những máu, thịt, lông - là xác của 3 con gà con đã được bà này giã nát.

Theo lời "thầy" Mười Chương, bạn tôi phải trả cho bà ta 30 nghìn đồng là "tiền công giã 3 con gà". Rất trịnh trọng và thành kính, "thầy" Mười Chương cho tiêu đen, rượu trắng cùng chất bột màu tro bí truyền vào tô, trộn đều. Tôi vãi linh hồn khi cái hỗn hợp ấy được "thầy" đắp vào hai bên khớp cổ tay bạn tôi rồi bó lại bằng cuộn băng: "Về nhà không được để ướt chỗ bó thuốc nghe. Nếu muốn tắm thì ngồi xuống, giơ cao hai tay lên. Cứ 2 tiếng phải đổ vào chỗ bó một ly nhỏ rượu trắng rồi 5 ngày sau quay lại đây".

Tôi hỏi bệnh gút như bạn tôi thì phải bó mấy lần? "Thầy" Mười Chương đáp: "Bó 2 lần là hết hẳn. Thêm một lần nữa để nó khỏi tái phát, tổng cộng là 3 lần". Tôi hỏi ăn uống có kiêng cữ gì không? Thầy phán "kiêng đồ biển" trong lúc theo y học, nếu đã là "gút" thì phải kiêng tuyệt đối bia rượu, óc, tủy, tiết canh, phủ tạng động vật, cũng như những loại thức ăn có nhiều axit uric khác…

Ra khỏi nhà thầy sau khi đã cảm ơn và hẹn ngày bó tiếp, chạy thêm một đoạn, chúng tôi dừng lại rồi nhanh chóng tháo cuộn băng ra, vét hết "bài thuốc bí truyền" của "thầy" Mười Chương ở hai cổ tay ném vào đám cỏ và rửa sạch bằng một chai nước suối vì thịt gà, máu gà tươi nói riêng cũng như máu, thịt của những loại gia cầm khác nói chung, là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển.

BS Lê Văn Quang, chuyên khoa Giải phẫu bệnh cho biết: "30 phút sau khi máu động vật, gia cầm ra ngoài cơ thể chúng là vi khuẩn đã bắt đầu sinh sôi, còn thịt thì chậm hơn, khoảng 1 tiếng. Khi đắp vào da, những loại vi khuẩn ấy xâm nhập cơ thể, gây nhiễm trùng, lở loét, thậm chí còn có thể hoại tử, phải tháo bỏ khớp. Rượu trắng có đổ vào liên tục cũng chẳng tác dụng gì vì nồng độ cồn trong rượu không đủ khả năng diệt khuẩn".

Lương Y Huỳnh Văn Khai, ở quận 6 TP.HCM nói: "Các bài thuốc Đông y trị chấn thương, trặc đả hầu hết đều là thảo dược, trong đó có nhiều vị rất độc như mã tiền nên chỉ dùng ngoài da. Còn gà dùng làm thuốc cũng có nhưng là gà ác và cũng chỉ hầm lên để lấy nước uống chứ không ai đắp vào chỗ gãy xương vì nó là thịt sống, để hai ba ngày nó thúi hoắc, chịu gì nổi".

Theo DS Đa, đã có mấy người ở Cần Đước bị tàn phế vì "bó gà" của "thầy" Mười Chương, thậm chí có người sau 5 ngày mở băng ra thì thấy… có giòi. Hẳn là vì thế nên "thầy" dặn tôi cứ 2 tiếng phải tưới rượu một lần, chắc là để thịt, máu gà khỏi thối!

Cho đến nay, mặc dù đã hành nghề trái phép hàng chục năm nhưng "thầy" Mười Chương vẫn chưa bị chính quyền xử lý triệt để. Một cán bộ làm việc tại UBND xã Mỹ Lệ, cho biết: "Ông Chương quê ở đây. Nghề của ổng là cha truyền con nối. Mặc dù ổng không đăng ký với cơ quan chức năng, không giấy phép hành nghề, không treo bảng hiệu nhưng vì người bệnh tự tìm đến để ổng chữa lén lút nên chính quyền xã rất khó kiểm soát.

Đã nhiều lần chúng tôi yêu cầu ông Chương ngưng hoạt động và buộc ông viết giấy cam kết không tái phạm vì chính quyền xã hoàn toàn không ủng hộ cách chữa bệnh phản khoa học này".

Theo một cán bộ thuộc Văn phòng UBND huyện Cần Đước, xử lý việc hành nghề y không phép nằm trong thẩm quyền của xã Mỹ Lệ. Nếu cần, xã có thể báo cáo về huyện để huyện chỉ đạo thêm. Vì vậy, theo thiển ý của chúng tôi và của những người biết rõ về cách chữa bệnh của ông Chương, đã đến lúc UBND xã Mỹ Lệ cần chấm dứt ngay hoạt động của "ông thầy" này.


AloBacsi.vn
Theo Vũ Cao - An Ninh Thế Giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X