Hotline 24/7
08983-08983

Cách chăm trẻ bị hen trong mùa Đông - Xuân

Mới đây, Khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trong tình trạng tổn thương não không thể hồi phục, tính mạng nguy kịch do lên cơn hen cấp mà không được xử trí kịp thời.


Ở trẻ dưới 2 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát ít nhất 3 lần, ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng. Ảnh minh hoạ.
Ở trẻ dưới 2 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát ít nhất 3 lần, ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng. Ảnh minh hoạ

Đi chơi quên thuốc, bé trai mắc hen phải nhập viện

Bé trai 9 tuổi có tiền sử hen. Tết vừa rồi, cháu sang nhà bác chơi nhưng bố mẹ quên không mang theo thuốc dự phòng để cắt cơn hen nên khi trẻ lên cơn hen cấp, bệnh nhi khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ đường thở cho cháu thì không kịp. Bệnh nhi rơi vào tình trạng nặng, tím tái và ngất xỉu.

Khi đưa vào cấp cứu tại BV Y học cổ truyền, bệnh nhi bị ngưng tuần hoàn, mạch không bắt được. Các bác sĩ đã cấp cứu xử trí ngừng tim, cho đặt nội khí quản hỗ trợ thở giúp bệnh nhi có tim trở lại. Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Chống độc (BV Nhi Trung ương). Điều đáng nói là dù chỉ số tim mạch của bé đã được đưa về giới hạn bình thường và tiếp tục cho thở máy, nhưng bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não nặng khó phục hồi vì thiếu oxy kéo dài.

Cũng vì chủ quan, chị Quỳnh Hương (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng suýt phải trả giá đắt. Con trai chị Hương được chẩn đoán mắc bệnh hen, phải uống thuốc dự phòng, kiểm soát cơn hen hàng ngày trong nửa năm. Khi cháu mới uống được 1/3 liều điều trị, thấy con đỡ bệnh, lại không muốn con uống lâu tránh “nhờn thuốc”, chị Hương quyết định cho con nghỉ thuốc.

“Bác sĩ chỉ định cho con dùng corticoid dạng hít. Được một thời gian, con giảm số lần lên cơn hen nặng hoặc không còn lên cơn hen. Nhưng nghe nói dùng corticoid nhiều, con bị phù, rồi nhiều tác dụng phụ nên tôi mới cho con dừng thuốc. Ai ngờ tuần trước tôi đang đi công tác ở Bắc Ninh thì cô giáo gọi điện, báo tin con phải đi cấp cứu vì lên cơn hen đột ngột. Hoảng quá, tôi bỏ cả công việc chạy thẳng lên viện. May sao, các cô giáo đưa con đến viện kịp, nếu không thì...”, chị Hương nhớ lại.

Các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (BV Nhi Trung ương) cảnh báo, tình trạng trẻ em tái phát cơn hen trong mùa Đông - Xuân này là rất cao. Khoa Hô hấp (BV Nhi Trung ương) hàng năm tiếp nhận rất nhiều trẻ bị hen phế quản vào điều trị. Trong vài năm gần đây số lượng bệnh nhi hen phế quản tăng lên rõ rệt.

BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, hen là một bệnh viêm mãn tính của đường thở. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở. Điều cần lưu ý, hen là bệnh có tính chất gia đình, di truyền và hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm. Ở trẻ em, đây là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất. Tỷ lệ trẻ mắc gấp đôi người lớn (10% so với 5%) nhưng việc chẩn đoán hen ở trẻ hay bị chậm trễ, nhất là dưới 2 tuổi. Từ đó, có thể hạn chế hiệu quả điều trị, khiến trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.

Những lưu ý quan trọng khi chăm trẻ mắc hen

Theo BS Anh Tuấn, cách sớm nhận biết các dấu hiệu báo một cơn hen đang đến ở trẻ gồm: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Trong trường hợp này nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). Dù trẻ tốt lên cũng cần cho trẻ nghỉ ngơi trong 1 giờ. Nếu thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn còn khó thở; nói năng khó nhọc; trẻ phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở; cánh mũi phập phồng; tím tái môi hay đầu ngón tay (dấu hiệu rất nguy kịch) thì người lớn cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.

BS Anh Tuấn cũng cho biết, tuy hen là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt. Việc phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt - học tập - vui chơi bình thường. Để phòng ngừa hen cần đảm bảo trẻ tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn hen như: Không để thú vật (chó, mèo...) trong nhà, diệt gián; Không hút thuốc lá trong nhà và ở nơi gần trẻ; Không để những chất nặng mùi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng; tránh nhang khói. Ngoài ra, nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn màn bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú vật vào nơi trẻ ngủ. Dùng cửa sổ (đóng hay mở) để duy trì không khí sạch và trong lành.

Một lưu ý quan trọng khác là cho trẻ sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài, khi bệnh hen của trẻ không được kiểm soát tốt. Hoặc trẻ thường xuyên bị lên cơn, theo tần suất như: Trên 1 lần/tuần, trẻ thức giấc vì cơn hen trên 2 lần/tháng,

phải dùng thuốc cắt cơn hen mỗi ngày. Khi trẻ từng nhập viện vì cơn hen nặng, có từ 3 cơn hen trở lên trong năm qua… trong trường hợp này, phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc phòng ngừa đúng cách.

“Thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là những thuốc kháng viêm dùng dưới dạng hít, rất an toàn và không hề gây nghiện. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở. Cha mẹ cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc, ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn”, BS Anh Tuấn lưu ý.

Tại một số gia đình, khi trẻ vào cơn hen cấp, cha mẹ không có đủ khả năng xử lý đúng tình huống hoặc xử trí theo một số biện pháp dân gian như: Nuốt thằn lằn, rắn mối nướng, thậm chí ăn sống bằng cách há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng (?!)… Các chuyên gia lưu ý, những biện pháp này chưa có bằng chứng khoa học chứng minh có khả năng điều trị khỏi bệnh hen suyễn, thậm chí có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.

Theo BS Trần Anh Tuấn, chẩn đoán hen thường dễ dàng khi trẻ đang lên cơn: Trẻ ho, có cảm giác nặng ngực, thở khò khè, khó thở (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng…). Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chẩn đoán cũng dễ dàng.

Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức, hay khi ăn “trúng” một thức ăn nào đó...). Nếu như khò khè, khó thở là những gợi ý khá điển hình thì triệu chứng ho tái đi tái lại là triệu chứng khá đặc biệt và thường bị bỏ sót.


Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X