Hotline 24/7
08983-08983

Cách chăm sóc trẻ bị chấn thương mô mềm

Trẻ em cũng có thể bị bong gân, trật khớp hay căng cơ. Nếu bệnh không được sơ cứu, chữa trị kịp thời thì trẻ hay bị di chứng về sau.

Chấn thương mô mềm bao gồm các chấn thương tại da, cơ, gân, dây chằng hoặc bao khớp.

Các chấn thương tại mô mềm rất phổ biến, thường là nhẹ, nhưng đôi khi có thể khá nghiêm trọng. Các chấn thương cũng có thể xảy ra một vài lần tại cùng một vị trí.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Bong gân và căng cơ

Bong gân là trường hợp gân bị kéo giãn do vận động quá mạnh. Căng cơ là tình trạng các thớ cơ căng giãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ.

Triệu chứng của chấn thương mô mềm

Biểu hiện phổ biến của chấn thương phần mềm là sưng, đau trong tư thế bình thường và khi vận động. Mức độ sưng và đau phụ thuộc vào vị trí tổn thương.

Một biểu hiện khá phổ biến nữa là hạn chế vận động. Tùy thuộc mức độ và vị trí tổn thương, các chấn thương này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các chấn thương nặng có thể khiến trẻ em phải ngồi một chỗ, hạn chế vận động và không thể tham gia các hoạt động được.

Nguyên nhân gây chấn thương mô mềm

Bong gân và căng cơ gây ra do tình trạng xoắn, kéo giãn hoặc co (cơ) đột ngột hay quá mức. Lực này kéo giãn hay thậm chí làm rách các sợi cơ, gân và dây chằng, và đôi khi có thể khiến cơ, gân hoặc dây chằng đứt rời khỏi vị trí neo bám ở xương.

Chăm sóc trẻ bị chấn thương mô mềm tại nhà

Phần lớn những chấn thương mô mềm là nhẹ và chỉ cần chăm sóc tại nhà. Trong những ca chấn thương rất nhẹ, trẻ vẫn có thể tiếp tục tham gia các hoạt động hàng ngày.

Chăm sóc chấn thương mô mềm đúng cách sẽ giúp:

- Làm giảm sự khó chịu, đau đớn

- Giữ cho các khớp nối ổn định

- Giảm thiểu sưng đau

Cách chăm sóc chấn thương mô mềm

- Cho trẻ nghỉ ngơi và giữ yên phần cơ thể bị chấn thương. Nếu chấn thương gây đau đớn nhiều, hãy sử dụng nẹp, dây đai, băng gạc để hỗ trợ cố định phần bị chấn thương.

- Dùng đá lạnh hoặc túi chườm lạnh chườm lên vết thương trong vòng 48 h sau khi bị chấn thương. Không nên đặt đá trực tiếp lên da, mà nên bọc nó trong một mảnh vải và đặt lên chỗ bị sưng khoảng 20 phút, lặp lại sau mỗi 2 – 3 tiếng.

- Băng ép chặt hoặc bao quanh vết thương để giúp làm giảm sưng khi con bạn di chuyển. Tuy nhiên, nên tháo bỏ băng khi trẻ nghỉ ngơi hay trước khi đi ngủ. Nếu phần xung quanh nơi băng bó bị tê cứng, hãy nới lỏng dây băng.

- Nâng đỡ phần bị thương càng nhiều càng tốt, ở vị trí cao hơn tim trong 1 – 2 ngày đầu sau chấn thương. Cách này sẽ giúp giảm sưng đau. Ví dụ, khi trẻ bị thương tại chân, bạn có thể sử dụng đệm hoặc gối kê chân trẻ lên caomỗi khi trẻ nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng các thuốc như ibuprofen để giảm đau, chống viêm. Lưu ý dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ hoặc thông tin ghi trên nhãn.

Khi nào trẻ có thể quay lại với các hoạt động bình thường

- Thời điểm trẻ có thể hoạt động bình thường trở lại phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương.

- Đối với các chấn thương nhẹ đến trung bình, việc di chuyển và vận động nhẹ có thể giúp trẻ nhanh lành chấn thương hơn.

- Các chấn thương nặng có thể phải mất từ 4 – 6 tuần để bình phục, các hoạt động quá sớm có thể khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn hoặc dai dẳng khó lành hoàn toàn.

Cách phòng các chấn thương mô mềm

- Nhiều chấn thương phần mềm có thể được ngăn chặn bằng cách sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như mũ bảo hiểm, bao bảo vệ cổ tay, đầu gối…

- Khởi động và làm nóng cơ thể trước khi vào hoạt động thể dục, thể thao cũng rất quan trọng để bảo vệ các khớp nối và dây chằng.

Khi nào nên đưa trẻ tới bác sỹ

Hãy hỏi ý kiến bác sỹ khi trẻ có các biểu hiện sau đây:

- Trẻ không tiến triển tốt hơn sau 4 – 5 ngày sau chấn thương.

- Trẻ cần tiến hành kiểm tra y tế trước khi muốn quay lại chơi thể thao.

- Vết thương bị sưng đỏ nhiều hơn.

- Trẻ bị sốt.

Gọi cho bác sỹ ngay khi Trẻ bị rách da hay mất cảm giác tại vùng xung quanh chỗ bị thương. Đây là những dấu hiệu nguy hiểm hơn là chấn thương mô mềm thông thường.

Hãy đưa trẻ đi cấp cứu nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện:

Trẻ không thể di chuyển hay có phản ứng tại vùng cơ thể bị tổn thương một chút nào trong vòng một thời gian ngắn sau chấn thương.

Trẻ bị tê cứng, lạnh cóng hay mất cảm giác tại vùng bị thương trong một thời gian dài.

Biến dạng phần cơ thể bị chấn thương.

Trẻ bị đau dai dẳng kéo dài mặc dù đã uống thuốc giảm đau.


Theo Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt
Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X