Hotline 24/7
08983-08983

Cách bảo vệ răng miệng cho trẻ

Theo thống kê, Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ người mắc bệnh răng miệng thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong đó, phần lớn trẻ em mắc bệnh răng miệng khi ở độ tuổi 6-12.

Dạy con em cách đánh răng thường xuyên và đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ.

Số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, 90% trẻ em ở độ tuổi 6-12 mắc bệnh về răng miệng. Mỗi trẻ em ở lứa tuổi này trung bình có trên sáu răng bị sâu hay mất răng do sâu răng. Ngoài ra, nhiễm khuẩn ở răng miệng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi, viêm xoang… thường xuyên cho các em. BV Răng Hàm Mặt TPHCM cũng đã ghi nhận tỷ lệ sâu răng ở các em 12 tuổi hiện nay khoảng 40%. Tình trạng sâu răng vĩnh viễn cũng gia tăng trong nhóm tuổi từ 9-11 tuổi với 54,6% trẻ bị sâu răng và mức độ sâu răng cũng nặng hơn so với nhóm trẻ từ 6-8 tuổi.

Chưa được quan tâm đúng mức

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, sau 30 năm thực hiện chương trình nha học đường, đến nay mới chỉ có 15-20% trẻ em được hưởng chương trình chăm sóc răng miệng, đây là con số quá thấp.

Mặc dù hầu hết phụ huynh đều ủng hộ chương trình nha học đường nhưng hoạt động tại các phòng nha cố định cũng gặp nhiều khó khăn. Dù có nhiều trường có phòng nha hoặc bộ phận khám nha nằm trong phòng y tế nhưng nhiều trường, phòng nha đã ngưng hoạt động. Nguyên nhân chính là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực trong thời gian dài dẫn tới tình trạng trên. Các phòng y tế học đường khó có thể trang bị máy móc, thiết bị, thuốc men… vì thế tình trạng nghèo nàn về trang thiết bị khá phổ biến trong nha học đường và chương trình phòng ngừa sâu răng cho trẻ không đạt kết quả cao. Hiện nay, ở TPHCM, số trường tiểu học có phòng nha học đường ngày càng giảm đi và nhiều trường vẫn chưa có phòng nha, chiếm hơn 50%.

Ông Hải cho rằng, trong thời gian tới, Hội Răng hàm mặt Việt Nam và Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc lại nội dung nha học đường. Trong đó, ông mong muốn nhìn thấy được tính thống nhất và mở rộng, để làm sao chỉ ba đến năm năm nữa, toàn bộ trẻ em Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.

Một khảo sát của BV Răng hàm mặt Trung ương cho thấy, hầu như không có trẻ nào đến bệnh viện chữa răng từng đi khám răng định kỳ. Đa số các em nhỏ đánh răng không đúng cách, không làm sạch tất cả các bề mặt của răng khiến mảng bám tích tụ gây sâu răng. Nhiều trẻ có thói quen ăn bánh, kẹo ngọt liên tục trong ngày, không theo bữa và ăn xong không đánh răng. Đây chính là nguy cơ cao dẫn đến sâu răng.

Ngoài ra, ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng định kỳ ở người dân nhìn chung còn thấp. Đa phần người Việt Nam chỉ tìm đến bác sĩ răng hàm mặt (trừ mục đích thẩm mỹ) khi thấy răng có vấn đề, cụ thể là sưng tấy, đau nhức do sâu răng, viêm nướu, lợi nặng…

Sức khỏe răng miệng và chất lượng sống

Bệnh răng miệng thường gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh răng miệng còn là ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang. Sâu răng là một bệnh do nhiễm khuẩn ở tổ chức cứng của răng, làm tiêu dần các chất vô cơ và hữu cơ ở men và ngà răng thành lỗ sâu. Nguyên nhân gây bệnh sâu răng là để vi khuẩn và đường trong thức ăn tồn tại trong miệng quá lâu.

Răng miệng nhiễm khuẩn còn là nguyên nhân của một số bệnh nội khoa như viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc, viêm khớp… Ngoài ra, khi cơ thể thiếu các yếu tố vi lượng như vitamin C, D, canxi và flo cũng gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng, gây chảy máu lợi, rối loạn chuyển hóa xương làm răng mọc chậm, yếu, dễ bị sâu.

Cũng theo BS Trịnh Đình Hải, để trẻ có hàm răng khỏe, đẹp, các phụ huynh cần kiểm tra răng miệng cho trẻ định kỳ nửa năm một lần giúp phát hiện những răng chớm bị sâu để được điều trị sớm, tránh biến chứng. Cần dạy trẻ cách chải răng miệng đúng cách. Hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và nhiều đồ ngọt, hướng dẫn trẻ ăn theo bữa. Thực hiện đánh răng ít nhất hai lần một ngày vào buổi sáng và tối. Đặc biệt, việc điều trị sớm bệnh răng miệng rất quan trọng.

Trẻ em không nên ăn bánh kẹo trước lúc đi ngủ hay trước bữa ăn, không ăn vặt mà nên ăn thành bữa, ăn xong phải súc miệng, đánh răng ngay. Để hiệu quả hơn, bé nên kết hợp cả kem đánh răng và nước súc miệng bằng nước muối sinh lý cho trẻ. Đặc biệt, cần bổ sung cho bé các thực phẩm giàu vitaminC và B12, cho trẻ ăn nhiều rau củ quả và những thực phẩm không gây nhiệt miệng.

Cần tránh cho trẻ ăn đồ cứng, đồ nóng quá hay lạnh quá gây nguy hại cho răng, xương ổ răng cũng như phần mô mềm. Chú ý dạy trẻ bỏ những thói quen như mút ngón tay, đẩy lưỡi, cắn môi, má hay ăn móng tay, nghiến răng, thở bằng miệng. Sử dụng các thực phẩm chức năng như kẹo ngậm chống sâu răng cũng là một cách để ngừa sâu răng hiệu quả cho trẻ. Trẻ em ở mỗi một lứa tuổi nên sử dụng những dụng cụ chăm sóc răng miệng phù hợp. Không cho trẻ bắt chước người lớn xỉa răng khiến dễ gây viêm nướu.

Theo Bình An - Sài Gòn Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X