Hotline 24/7
08983-08983

Các phương pháp điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới.

Biểu hiện bệnh

Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là làm gia tăng áp lực bên trong hệ tĩnh mạch chân và gây ra các biểu hiện lâm sàng.

Các biểu hiện này từ mức độ nhẹ như giãn các tĩnh mạch trong da, giãn các tĩnh mạch nông cho đến mức độ nặng như: phù chân, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút, các biến đổi da, loét do nguồn gốc tĩnh mạch. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều.

Bệnh tiến triển qua 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là suy tĩnh mạch, sau đó là giãn tĩnh mạch do hiện tượng viêm thành tĩnh mạch và trào ngược dòng máu trở về tim lâu ngày làm cho tĩnh mạch bị giãn ra, đặc biệt là hệ thống tĩnh mạch nông và tĩnh mạch xuyên gây ra nhiều khó chịu cho bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị

Với bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nông, hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị, từ việc bắt đầu bằng thay đổi sống và làm việc đến việc thay đổi chế độ dinh dưỡng với nhiều chất xơ, vitamin C giúp bền thành tĩnh mạch chống hiện tượng viêm; đến sử dụng các loại thuốc hỗ trợ tĩnh mạch và vớ áp lực là những phương pháp điều trị cơ bản.

Ảnh minh họa

Trong đó, can thiệp với laser nội tĩnh mạch là phương pháp ít xâm lấn điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay. Tính ưu việt của phương pháp này là có khả năng loại bỏ hầu hết các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch như đau nhức, nặng nề, nổi gân xanh chỉ với thủ thuật đơn giản. Bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau đớn, xuống sức sau ca mổ bởi trước đây, khi điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bệnh nhân phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn, nhưng nguy cơ tái phát rất cao. Còn can thiệp nội mạch sẽ rất nhẹ nhàng, có thể xuất viện sau 1 ngày, không gây biến chứng và gần như không tái phát.

Sử dụng vớ y khoa trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là một phần quan trọng bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc tăng sức bền thành mạch, chống viêm và chống thoát dịch… Vớ y khoa có tác dụng tăng sức ép của cơ, ép vào thành tĩnh mạch tránh tĩnh mạch bị dãn ra nhiều và gây ứ trệ dòng máu trở về tim gây phù, đau chân và chuột rút. Trong hai loại, băng ép và vớ y khoa thì vớ y khoa tốt hơn băng ép vì dễ sử dụng và lực ép lên trên thành tĩnh mạch được phân bố đồng đều. Vớ y khoa nên đi vào ban ngày, lúc làm việc và đi lại nhiều. Còn buổi tối, nghỉ ngơi người bệnh có thể bỏ vớ ra được.

Chích xơ tĩnh mạch, chất chích xơ khi vào lòng mạch sẽ tạo thành một phản ứng viêm, tác động vào thành mạch giống như một chất keo dán dính, làm phá hủy tĩnh mạch, có tác dụng tại chỗ. Chất gây xơ không đi đến vị trí khác mà chỉ khu trú ở vị trí muốn điều trị, không đi về tim làm nghẽn mạch máu ở tim. Điều trị bằng gây xơ tĩnh mạch an toàn, không có biến chứng lâu dài. Biến chứng tại chỗ là đau, viêm tĩnh mạch, viêm mô dưới da.

Đối với bệnh lý suy giãn tĩnh mạch sâu thì việc điều trị phức tạp hơn nhiều mà hiệu quả điều trị không cao, chủ yếu là thay đổi chế độ làm việc, chế độ dinh dưỡng, thuốc tăng cường chức năng tĩnh mạch và vớ áp lực.

Theo M.P - Petrotimes

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X