Hotline 24/7
08983-08983

Các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nếu không thực hiện tiêm chủng đầy đủ

Dự báo từ nay đến cuối năm, các bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh cúm, bệnh viêm não, bạch hầu, sởi… có nguy cơ bùng phát khó lường.

Dự báo từ nay đến cuối năm, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh cúm, bệnh viêm não virus, bệnh có vaccine tiêm chủng như bạch hầu, sởi… có nguy cơ bùng phát khó lường.

Vì vậy, ngành y tế cần chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời, rà soát các đối tượng tiêm chủng.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc năm 2017-2018.

Các tham luận tại hội nghị cho thấy, năm 2017 là năm gặp không ít khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt với dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, đặc biệt tại Hà Nội.

Đến nay, tuy dịch bệnh sốt xuất huyết đã được khống chế, số mắc giảm mạnh nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngoài ra, nguy cơ bệnh dịch xảy ra sau bão lũ luôn tiềm ẩn.

Đối với khu vực miền Bắc, một số bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành đặc thù cần quan tâm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh cúm, bệnh liên cầu lợn, bệnh dại, bệnh viêm não vi rút, bạch hầu, sởi…

cac dich benh co nguy co bung phat neu khong thuc hien tiem chung day du hinh 1
Ngành y tế cần chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh kịp thời, rà soát các đối tượng tiêm chủng

Riêng bệnh sởi, từ đầu năm đến nay có 229 trường hợp mắc, giảm 27,9% so với năm 2016, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, từ tháng 9 và tháng 10, bệnh sởi bắt đầu có dấu hiệu gia tăng, trung bình 1 tuần có 4 đến 5 trường hợp mắc sởi.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn thành phố luôn đạt trên 95%, tuy nhiên đối tượng tiêm chủng một năm là 150.000 trẻ. Nếu 4% số trẻ không được tiêm chủng, thì đã có khoảng 7.000 trường hợp không được tiêm, nguy cơ mắc sởi sẽ rất cao.

"Chúng tôi khuyến cáo những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ thì cần đi tiêm ngay. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức 584 điểm tiêm ở 584 xã phường, và chúng tôi đang triển khai tiêm chủng 1 tháng 2 lần và đang chuyển dần sang tuần 1 lần để tăng cơ hội tiêm chủng. Việc đi tiêm đầy đủ và đúng lịch là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng các bệnh gây hô hấp, đặc biệt là sởi" - ông Cảm nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, cần đặc biệt lưu ý đến những bệnh có vaccine tiêm chủng mở rộng, như: sởi, ho gà.

Hiện nay, số trường hợp mắc sởi tuy có giảm so với năm 2016 nhưng ngành y tế cần hết sức lưu ý về sự gia tăng nhẹ trường hợp mắc sởi ở thành phố Hà Nội và các địa phương khác.

"Bộ Y tế đã có chỉ đạo Cục Y tế dự phòng với Hà Nội và các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch mùa đông xuân nhưng cần hết sức lưu ý đối với các bệnh có vaccine tiêm chủng. Chỉ vì lơ là, chỉ vì không tiêm chủng đầy đủ có thể dẫn đến tình sởi quay lại và ho gà. Một số dịch bệnh khác vẫn tiếp tục như sốt xuất huyết, tay chân miệng, một số bệnh gọi là bệnh lãng quên vẫn có thể diễn biến phức tạp. Vì vậy từng địa phương, từng đơn vị cần triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng chống để ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm", ông Long cho hay.

Theo Thy Hạt - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X