Hotline 24/7
08983-08983

Các chỉ số cần quan tâm trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường

Bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin khiến glucose trong máu tăng cao. Điều trị không có hiệu quả sẽ gây tổn thương một số bộ phận trên cơ thể.


1. Mục tiêu điều trị điều trị đái tháo đường

1.1. Ở người trưởng thành, không có thai

Các chỉ số cần đạt được trong điều trị cho bệnh nhân tiểu đường ở độ tuổi trưởng thành và không đang mang thai là:

- HbA1c: < 7%.
- Đường huyết tương mao mạch lúc đói, trước khi ăn: 80-130 mg/dL (4.4-7.2 mmol/L).
- Glucose huyết tương mao mạch tối đa sau khi ăn 1-2 giờ: <180 mg/dL (10.0 mmol/L).
- Huyết áp: <140/<90 mmHg. Nếu bệnh nhân đã có biến chứng thận thì chỉ số tối ưu là <130/85-80 mmHg.
- Mỡ máu:
+ LDL cholesterol <100 mg/dL (2,6 mmol/L) đối với bệnh nhân chưa có biến chứng tim mạch.
+ LDL cholesterol <70 mg/dL (1,8 mmol/L) nếu đã có bệnh tim mạch.
+ Triglycerides <150 mg/dL (1,7 mmol/L).
+ HDL cholesterol >40 mg/dL (1,0 mmol/L) ở nam.
+ HDL cholesterol >50 mg/dL (1,3 mmol/L) ở nữ.

Nếu chỉ số mục 2 nằm trong khoảng tối ưu nhưng chỉ số mục 1 còn cao thì cần đo lại glucose máu sau khi ăn 1 đến 2 giờ kể từ lúc bắt đầu dùng bữa.

Cần lưu ý là các chỉ số mục tiêu điều trị trên có thể khác nhau tùy vào thể trạng của mỗi cá nhân. Đối với bệnh nhân trẻ tuổi và không mặc bệnh tim mạch nguy hiểm thì mục tiêu điều trị cần nghiêm ngặt hơn, cụ thể là HbA1c chỉ nên dưới 6,5% (48 mmol/mol). Nhóm đối tượng này có thể chỉ cần thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc metformin để kiểm soát tình trạng bệnh.

Mặt khác, mục tiêu điều trị có thể nới lỏng hơn với những bệnh nhân đã từng bị hạ đường huyết nghiêm trọng, người lớn tuổi, hoặc mắc các bệnh lý đi kèm với tiểu đường lâu năm. Chỉ số phù hợp với họ cho phép HbA1c nhỏ hơn 8% (64 mmol/mol).

1.2. Ở người già

Đối với người lớn tuổi, tình trạng sức khỏe và tiên lượng của người bệnh là cơ sở căn cứ để đưa ra chỉ số điều trị đái tháo đường mục tiêu:

- Mạnh khỏe và tiên lượng sống lâu:

+ HbA1c <7.5%.
+ Đường máu lúc đói /trước ăn 90-130 (mg/dL).
+ Glucose khi đi ngủ 90-150 (mg/dL).
+ Huyết áp <140/90 mmHg.

- Sức khỏe trung bình với tình trạng bệnh phức tạp:

+ HbA1c <8.0%.
+ Đường máu lúc đói /trước ăn 90-150 (mg/dL).
+ Glucose khi đi ngủ 100-180 (mg/dL).
+ Huyết áp <140/90 mmHg.

- Sức khỏe rất kém và tiên lượng không còn lâu:

+ HbA1c <8.5%.
+ Đường máu lúc đói /trước ăn 100-180 (mg/dL).
+ Glucose khi đi ngủ 110-200 (mg/dL).
+ Huyết áp <150/90 mmHg.

Để kiểm soát tốt tình trạng tiểu đường, những người có chỉ số glucose máu ổn định cũng nên thực hiện xét nghiệm HbA1c ít nhất 2 lần trong năm. Ngược lại, những bệnh nhân không đáp ứng được mục tiêu đường huyết phải tiến hành kiểm tra HbA1c hàng quý nhằm tạo cơ hội cho việc lựa chọn phác đồ điều trị đái tháo đường mới nhất, thích hợp và kịp thời.

Bệnh nhân không nên bỏ qua xét nghiệm HbA1c trong điều trị đái tháo đường

2. Điều trị đái tháo đường

2.1. Luyện tập thể dục

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể chỉ cần thay đổi thói quen vận động và chế độ ăn uống mà không cần dùng thuốc điều trị đái tháo đường vẫn có thể “sống chung với bệnh” một cách an toàn.

Trước khi bắt đầu luyện tập, bệnh nhân cần kiểm tra các biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và biến dạng chân nếu có để chọn loại hình luyện tập phù hợp cho bản thân. Đi bộ trung bình 30p mỗi ngày là cách vận động đơn giản và thông dụng nhất.

Ở người già bị đau khớp thì nên đi bộ khoảng 10-15 phút 3 lần trong ngày. Người còn trẻ tuổi nên cố gắng tập khoảng 60 phút mỗi ngày kèm theo một số bài tập nặng hơn như kéo dây, nâng tạ ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Cần lưu ý duy trì luyện tập đều đặn, không bỏ tập 2 ngày liên tiếp nhưng cũng không nên luyện tập gắng sức khi chỉ số đường huyết lớn hơn 250-270 mg/dL, huyết áp cao và nhịp tim nhanh.

Vận động thường xuyên và đều đặn có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết

2.2. Chế độ dinh dưỡng

Thực đơn ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường là khác nhau ở từng cá nhân, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: thức ăn vùng miền phổ biến, mức độ đái tháo đường cũng như các bệnh lý kèm theo. Do đó, cách tốt nhất là bệnh nhân nên nhờ bác sĩ của mình tư vấn sao cho phù hợp.

Nhìn chung, công thức dinh dưỡng được khuyến cáo cho mọi bệnh nhân đái tháo đường có những đặc điểm chung, có thể tham khảo như sau:

- Bổ sung carbohydrate với các loại thực phẩm lành mạnh như gạo lứt, bánh mì đen,...

- Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần để cung cấp chất đạm cho cơ thể, khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng/ngày ở người không có vấn đề về thận. Nếu ăn chay trường có thể chọn nguồn đạm từ các loại đậu.

- Ưu tiên chất béo từ dầu ô liu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá. Tránh các loại mỡ trans có trong thức ăn chiên rán ngập dầu mỡ.

- Không ăn mặn (khoảng 2300mg muối/ ngày).

- Cần tiêu thụ ít nhất 15 gam chất xơ mỗi ngày.

- Không hút thuốc nhưng có thể dùng bia rượu với hàm lượng hạn chế (1 lon bia 330ml /ngày; 150-200ml rượu vang đỏ / ngày).

- Các chất tạo ngọt được cho là an toàn với bệnh nhân tiểu đường cũng cần hạn chế dùng đến mức tối thiểu.

2.3. Thuốc điều trị đái tháo đường

Metformin là thuốc thường được dùng để điều trị đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 ngoài tuân thủ lối sống khoa học như trên thì cũng có thể kết hợp dùng thêm một số loại thuốc điều trị đái tháo đường như: Metformin, viên uống insulin và đồng vận thụ thể GLP-1.

Nếu vẫn không kiểm soát được glucose máu thì có thể cân nhắc tiêm các loại insulin theo đúng chỉ dẫn của phác đồ điều trị đái tháo đường mới nhất dành cho cả bệnh nhân tuýp 1 lẫn tuýp 2. Chọn thuốc điều trị đái tháo đường phối hợp với các bệnh lý khác cũng như kiểm soát biến chứng (nếu có) đòi hỏi tính chuyên môn cao, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh nên quan tâm và nắm rõ các chỉ số mục tiêu trong quá trình điều trị đái tháo đường để kiểm soát được tình trạng bệnh cũng như mức đường huyết của bản thân. Bên cạnh đó, cần ghi nhớ thói quen vận động thường xuyên và thực đơn ăn uống lành mạnh sẽ kết hợp tốt với một số thuốc điều trị đái tháo đường, từ đó có khả năng phát huy hiệu quả chữa bệnh tối đa.

Nguồn: Vinmec.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X