Hotline 24/7
08983-08983

Các câu hỏi thường gặp về bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, không chữa khỏi hoàn toàn được. Người bệnh đái tháo đường cần có những kiến thức cơ bản nhất về bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình.

Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet

Insulin và thuốc điều trị

Bị đái tháo đường uống thuốc gì tốt nhất?

Tiêm insulin là liệu pháp điều trị hàng đầu cho bệnh đái tháo đường typ 1. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ tiêm các dạng insulin khác nhau. Trong trường hợp đái tháo đường typ 2, phần đông người bệnh nên ưu tiên điều trị thông qua thói quen sống lành mạnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc uống để hỗ trợ quá trình kiểm soát mức glucose huyết, ngăn ngừa các biến chứng tim mạch có thể xảy ra. Bạn không được tự ý uống thuốc, và nên tư vấn trực tiếp với bác sĩ để xác định cách điều trị tốt nhất.

Có phải bị đái tháo đường typ 2 là nên tiêm insulin thường xuyên?

Tiêm hay không tiêm insulin là tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chẩn đoán của bác sĩ. Không phải trường hợp nào bị đái tháo đường cũng cần tiêm insulin. Trên thực tế, nếu sớm phát hiện và điều trị đái tháo đường typ 2, bạn chỉ cần rèn luyện thói quen sống lành mạnh là đã có thể giữ mức glucose huyết trong ngưỡng cho phép. Để chắc chắn về liệu trình điều trị, bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn chi tiết.

Tiêm insulin có bị tăng cân không?

Insulin là hormone giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào hoạt động mỗi ngày. Nói cách khác, insulin giúp chuyển hóa calories trong cơ thể. Chính vì vậy, insulin không nhất thiết khiến cơ thể bạn tăng cân. Đặc biệt khi kết hợp tiêm insulin với thói quen sống lành mạnh, bạn chắc chắn vẫn giữ cân nặng lẫn mức glucose huyết trong ngưỡng an toàn.

Phòng ngừa và kiểm soát đái tháo đường

Có thật là kiểm tra bàn chân mỗi ngày giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường không?
Đúng vậy, chăm sóc bàn chân mỗi ngày là việc nên làm khi kiểm soát bệnh đái tháo đường. Ở người bệnh đái tháo đường, bàn chân và ngón chân thường bị lạnh do luồng máu lưu thông đến chân bị gián đoạn. Những vết trầy xước, sưng, bầm tím ở chân cũng lâu hoặc khó lành. Đây là những dấu hiệu bạn nên kiểm tra mỗi ngày.

Tôi có được dùng chung thiết bị đo glucose huyết với người thân không?

Bản thân bệnh đái tháo đường không lây nhiễm theo bất kỳ đường nào. Tuy nhiên, đo đường huyết tùy tiện sẽ khiến bạn dễ bị bệnh truyền nhiễm qua đường máu. Chính vì vậy, không được dùng chung các thiết bị đo glucose huyết tại nhà. Mỗi người nên có một bộ dụng cụ đo của riêng mình.

Tôi vừa được chẩn đoán đái tháo đường, giờ tôi nên làm gì?

Điều đầu tiên bạn cần làm là tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tìm hiểu thêm thông tin về bệnh đái tháo đường để hỗ trợ quá trình điều trị. Bạn có thể hỏi trực tiếp bác sĩ, tra cứu trên các cổng thông tin trực tuyến đáng tin cậy, và tuyệt đối không tin vào lời đồn thổi bên ngoài. Đừng lo lắng, tuyệt vọng vì bạn có thể kiểm soát bệnh và tiếp tục sống lạc quan, khỏe mạnh. Bạn nên nói thật với người thân, bạn bè để mọi người động viên, hỗ trợ bạn sống tốt cùng bệnh đái tháo đường.

Thói quen tốt của bệnh nhân đái tháo đường

Bị đái tháo đường có được uống rượu bia không?

Người bị đái tháo đường vẫn có thể uống rượu bia với lượng vừa phải. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, giới hạn chuẩn về rượu bia cho mỗi người là:
 
- Không quá 2 ly mỗi ngày cho đàn ông dưới 40 tuổi

- Không quá 1 ly mỗi ngày cho đàn ông từ 40 tuổi trở lên

- Không quá 1 ly mỗi ngày cho phụ nữ

Tuy nhiên nếu thuộc nhóm người nghiện rượu bia, bạn cần cai nghiện ngay lập tức để kiểm soát đái tháo đường lẫn nhiều nguy cơ sức khỏe khác.

Giảm cân nhiều có giúp tôi hết bệnh đái tháo đường không?

Không, vì bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, không chữa khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên, giảm cân đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bạn kiểm soát bệnh và tiếp tục tận hưởng cuộc sống. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm trọng lượng đi 7% là bạn đã hạn chế nguy cơ biến chứng đái tháo đường đến 58%. Cách giảm cân tốt nhất là ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao và thư giãn tinh thần.

Người bệnh đái tháo đường nên tập thể dục như thế nào?

Người bị đái tháo đường nên rèn luyện thể lực suốt tuần, mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút. Ba nhóm bài tập rất hiệu quả cho bạn bao gồm:
 
- Bài tập tăng cường thể lực (aerobics) như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe…

- Bài tập co giãn (stretching) giúp giảm stress, tránh đau nhức cơ thể.

- Bài tập rèn luyện cơ bắp như tập tạ cường độ nhẹ, khoảng 2 lần mỗi tuần.

Người bị đái tháo đường nên ăn uống như thế nào?

Khác với quan niệm thường thấy, người bị đái tháo đường không nhất thiết phải ăn uống khác với gia đình mình. Mục tiêu chính của bạn khi ăn uống là giảm cân nặng, kiểm soát mức đường huyết trong ngưỡng an toàn. Bạn có thể đạt được mục tiêu này bằng cách:

- Chia đều các bữa ăn trong ngày để cơ thể không bao giờ quá đói.

- Chọn các loại thực phẩm nguyên hạt, tự nhiên, giàu dưỡng chất.

- Tránh xa chất béo, thực phẩm quá ngọt hoặc chứa nhiều calories.

- Ăn rau củ để bổ sung chất xơ cho cơ thể.

- Hạn chế hấp thụ muối ăn xuống dưới 2300 mg mỗi ngày.

Theo Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X